Liên tục những ngày qua, dư luận người dân TP.HCM vẫn chưa hết bàn tán về việc UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu triển khai hình thức quản lý các phương tiện cá nhân đăng ký mới thông qua Giấy chứng nhận quyền mua xe (COE). Khi PV Người Đưa Tin trao đổi với nhiều người dân về nội dung của đề xuất trên thì họ đều thẳng thắn bày tỏ đề xuất trên là không hợp lý với tình hình thực tế của TP.HCM và cơ quan quản lý đang đẩy việc giải quyết tình trạng quá tải phương tiện cá nhân tại thành phố cho người dân.
Đẩy phần khó cho người dân
Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2010, UBND TP.HCM đề nghị nghiên cứu triển khai cấp COE tại thành phố. Đến năm 2012 thì chính thức thành lập nghiên cứu tính khả thi của dự án. Trong kế hoạch nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông năm 2013, UBND TP.HCM tiếp tục giao cho các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tính khả thi của việc cấp COE. Dự kiến trong quý II/2013, các cơ quan liên quan sẽ hoàn tất báo cáo kết quả thẩm định nghiên cứu tính khả thi của giải pháp này tại TP.HCM. Nếu được HĐND TP.HCM thông qua, UBND TP.HCM sẽ đề xuất Chính phủ cho phép triển khai thí điểm tại TP.HCM.
Nhiều chuyên gia quản lý giao thông tại TP.HCM cho biết trong nhiều năm qua, vấn đề ùn tắc giao thông do quá tải phương tiện cá nhân tại TP.HCM được UBND TP.HCM xem là bài toán nan giải. Hiện tại, số lượng phương tiện cá nhân là xe gắn máy, xe mô tô là 5,3 triệu chiếc và hơn 520 ngàn xe ô tô. Đó là chưa kể đến cả triệu phương tiện cá nhân từ các tỉnh đem đến. Trước vấn đề nan giải trên, UBND và nhiều cơ quan, ban ngành khác tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân, thông qua đó sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Trong nhiều đề xuất được đưa ra thì giải pháp COE (từng được áp dụng thành công tại Singapore) được chú ý đến. Sau đó, đề xuất này được xây dựng thành Đề tài quản lý các phương tiện đăng ký mới thông qua COE.
Ths. Bùi Văn Minh, cựu nghiên cứu sinh tại Singapore cho biết: "Trong nhiều năm qua, COE là một giải pháp quản lý phương tiện cá nhân được Chính phủ Singapore áp dụng khá thành công vào tình hình thực tế giao thông của đảo quốc này. Giải pháp quản lý này quy định mỗi người dân muốn mua xe phải tham gia đấu giá để sở hữu COE. Cơ quan quản lý cứ 2 tháng 1 lần sẽ tổ chức công khai cho người dân tham gia. Theo Chính phủ nước này thì giải pháp này góp phần quan trọng trong việc hạn chế tình trạng tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân. Bên cạnh đó, số tiền người dân tham gia đấu giá còn góp phần vào ngân sách quốc gia".
Người dân không đồng tình với giải pháp COE
Trước đề xuất được xem là đột phá trong việc khống chế phương tiện cá nhân, nhiều chuyên gia giao thông đều tỏ thái độ…không ủng hộ áp dụng COE tại TP.HCM. Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia nghiên cứu giao thông tại miền Trung - Tây Nguyên cho hay: "Thực tế cho thấy Singapore áp dụng thành công COE là do đảo quốc này có dân số ít, diện tích đất nước nhỏ hẹp và thu nhập đầu người nằm ở mức cao. Trong các phiên tham gia đấu giá, người dân nước này chấp nhận bỏ tiền để được sở hữu xe. Ngược lại, TP.HCM rất đông, thu nhập của người dân thấp, đặc biệt là người lao động nghèo, nhập cư. Nếu TP.HCM áp dụng COE thì chi phí sở hữu một xe sẽ tăng cao và chỉ có người giàu mới tham gia đấu giá được. Bên cạnh đó, nếu chỉ thí điểm ở TP.HCM thì sẽ xảy ra tình trạng xe tỉnh tràn vào thành phố. Khi đó, việc giải quyết vấn đề phát sinh này sẽ nan giải hơn".
Một kịch bản được báo trước?
Theo chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn, nếu giải pháp COE được áp dụng thí điểm tại TP.HCM, một kịch bản sẽ hiện diện rõ là người dân sẽ ồ ạt về các tỉnh mua phương tiện cá nhân rồi mang lại thành phố để sử dụng. Khi đó cụm từ xe tỉnh tràn vào sẽ là vấn đề cần phải giải quyết của TP.HCM. Thực tế phát triển giao thông của TP.HCM trong nhiều năm qua đã chứng kiến phương tiện cá nhân được người dân ở các tỉnh đưa vào thành phố để sử dụng cho công việc, học hành và mưu sinh. Tuy nhiên, vấn đề trên mới chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh giao thông đô thị tại TP.HCM. Nếu TP.HCM áp dụng giải pháp COE thì rất có thể cụm từ xe tỉnh tràn vào sẽ xảy ra trong thời gian tới nếu cơ quan phụ trách nghiên cứu không chú ý đến vấn đề này.
Trao đổi với PV, anh Phạm Thái Hoàng (28 tuổi, kỹ sư Công nghệ thông tin, tạm trú tại quận Gò Vấp, quê Đắk Lắk) cho hay: "Gần 1 năm nay, tôi nắm bắt được thông tin UBND TP.HCM đang cho nghiên cứu giải pháp COE tại TP.HCM. Là một người dân nhập cư vào TP.HCM làm việc, tôi hiện rất lo lắng trước giải pháp này. Hiện tôi đang đi một chiếc xe gắn máy mang BKS tỉnh Đắk Lắk. Tôi dự kiến trong thời gian tới sẽ mua một chiếc xe gắn máy mới mang BKS thành phố để thuận tiện cho công việc. Tuy nhiên, nếu giải pháp COE được thành phố thí điểm áp dụng, tôi chắc chắn phải quay về quê để mua xe mới rồi mang lên thành phố để sử dụng. Tôi cho rằng, giải pháp COE không phù hợp với điều kiện thực tế tại TP.HCM và nhiều bạn bè, người thân của tôi cũng không đồng tình ủng hộ".
Một số chuyên gia quản lý đô thị tại TP.HCM cũng đưa ra nhận định nếu giải pháp trên được Chính phủ cho phép TP.HCM thí điểm sẽ khó tránh khỏi tình trạng tiêu cực. Bởi vì, một khi thành phố khống chế số lượng đăng ký mới hàng năm với một con số nhất định, trong khi nhu cầu sở hữu phương tiện cá nhân ngày một tăng thì khó ai có thể biết được liệu có xảy ra tình trạng đi vòng cửa sau để được giấy chứng nhận quyền mua xe không? Bên cạnh đó, chưa kể đến những người có được giấy chứng nhận quyền mua xe tìm cách lách luật bằng hình thức ủy quyền cho tặng nhưng thực chất là bán cho người có nhu cầu và hàng loạt hệ lụy khác có thể xảy ra.
Nhiều người dân ngụ tại TP.HCM cho biết giải pháp COE khi lần đầu tiên được TP.HCM đưa ra ý tưởng đã vấp phải sự thiếu đồng tình của người dân. "Không hiểu vì sao, thành phố lại cho tiếp tục nghiên cứu giải pháp này?" - ông Nguyễn Văn Thi (56 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) nói. Ông Thi cho hay: "Tôi cho rằng các cơ quan chức năng thay vì dành thời gian nghiên cứu giải pháp COE nên dành thời gian đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc, cầu vượt bằng sắt, phát triển hệ thống giao thông công cộng. Thời gian qua, hai cầu vượt bằng sắt ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) và ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức) đã phát huy tác dụng trong việc giảm ùn tắc giao thông ở hai điểm nóng này".
Học hỏi nhưng không được “bê nguyên xi” Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch thành viên công ty tư vấn thiết kế cầu đường Đô Thị, cho biết: "Giải pháp COE từng được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Singapore. Việc TP.HCM có chương trình nghiên cứu giải pháp này để áp dụng ở TP.HCM là điều hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu giải pháp COE tại TP.HCM cần được các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ, những cái gì phù hợp thì tiếp tục nghiên cứu, những cái gì không phù hợp cần được loại bỏ, không được bê nguyên xi vào để áp dụng. Trong thời gian tới, giải pháp COE nếu thuyết phục về độ khả thi và phù hợp với cuộc sống của người dân thì chắc chắn giải pháp trên sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ". |
Thanh Nguyên