Ho là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư phổi. Vậy nhưng, có những trường hợp bệnh nhân không hề ho nhưng đi khám lại bị phát hiện đã mắc ung thư phổi. Để giải thích cho điều này, hãy cùng tìm hiểu những triệu chứng bệnh ung thư phổi và những đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
1. Triệu chứng ung thư phổi ở phế quản
Triệu chứng phế quản là đặc trưng nhất ở ung thư phổi, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện:
- Ho nhiều, ho dai dẳng: Dấu hiệu này giống với các bệnh cảm mạo thông thường vì vậy nhiều bệnh nhân không đi kiểm tra. Trên thực tế, ho dai dẳng kéo dài dẫn đến khàn tiếng, mất tiếng có thể do phổi gây ra do viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi.
- Đờm có lẫn máu: Ngay cả khi lượng máu lẫn trong đờm nhỏ thì bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra lại sức khỏe của mình.
- Viêm phế quản, viêm phổi tái phát nhiều lần:Nếu bạn bị viêm phổi, viêm phế quản đã được điều trị cho hết ho, hết sốt nhưng trên X quang vẫn thấy tổn thương tồn tại trên 1 tháng thì rất có thể bạn đã bị ung thư phổi.
2. Dấu hiệu ung thư phổi lan tỏa
Với trường hợp mắc khối u ung thư phổi lan tỏa, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện chính như sau:
- Thở khó khăn, nặng nhọc, thở khò khè: Bởi đây không phải một triệu chứng nghiêm trọng cho nên khiến nhiều người chủ quan. Tình trạng này xuất hiện do khối u ở phổi gây ra, cản trở quá trình hô hấp của bạn.
- Đau tức ngực: Đây là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh ung thư phổi. Cơn đau thường xuất hiện mỗi khi người bệnh hoạt động mạnh, ho hay cười nói.
- Thường đau ở bên tổn thương, kiểu thần kinh liên sườn, hoặc không rõ địa điểm đau, có khi lên bả vai, mặt trong cánh tay
- Khó nuốt: Khi khối u chèn ép thực quản.
- Khản tiếng: Biến đổi giọng do thần kinh quặt ngược bị khối u chèn ép.
- Triệu chứng tĩnh mạch chủ trên bị chèn ép: Tĩnh mạch chủ trên bị khối u ung thư phổi chèn ép sẽ gây: cổ bạnh to, phù mặt, tĩnh mạch cổ nổi rõ, hố trên xương đòn đầy.
- Triệu chứng tràn dịch màng phổi: Khi khối u ung thư phổi đã xâm lấn ra màng phổi thì có thể gây tràn dịch màng phổi, có thể chẩn đoán xác định dựa trên khám lâm sàng và chụp X quang.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân ung thư phổi còn bị: hẹp khe mí mắt, đỏ nửa mặt, nhãn cầu tụt, đồng tử nhỏ...
3. Những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi
Những đối tượng sau đây cần phải đặc biệt lưu ý khám sức khỏe để tầm soát ung thư phổi:
- Nam hoặc nữ trên 50 tuổi
- Người nghiện rượu bia
- Người thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá thường xuyên - đối tượng hút thuốc lá trên 25 năm hoặc đã bỏ thuốc lá nhưng chưa được 15 năm
- Người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, nhất là dạng khí
- Người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm
- Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh lý ung thư phổi
Lê Lan (Tổng hợp)