Dự trù thu-chi "khủng" của ban phụ huynh
Vấn đề lạm thu đã được các cơ quan truyền thông rung chuông báo động, lãnh đạo ngành giáo dục cũng nhiều lần chỉ đạo nhưng các khoản thu vô lý vẫn không ngừng diễn ra ở các trường học.
Mới đây bảng dự trù kinh phí hoạt động năm học 2022-2023 của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, Tp.HCM gây bức xúc khi dự kiến thu quỹ phụ huynh "khủng" để chi các hoạt động thăm thầy cô, bảo mẫu.
Cụ thể các khoản thu và chi ở trường Tiểu học Võ Thị Sáu là: Phần chi chăm cô được liệt kê 27 triệu đồng/năm đối với giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu bằng hình thức chuyển khoản hàng tháng, mỗi tháng một người 3 triệu đồng.
Tiền chi kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tiền Tết Nguyên đán cho hiệu trưởng, hiệu phó 1, hiệu phó 2, giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu, giáo viên bộ môn, bảo vệ…; tiền chi cho Ngày Phụ nữ Việt Nam, Quốc tế Phụ nữ cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu… Tổng cộng những khoản này đã “ngốn” hơn 102 triệu đồng trên tổng số hơn 130 triệu đồng dự trù kinh phí thu được.
Đặc biệt khi sự việc xảy ra, phụ huynh bức xúc phản ánh lên dư luận thì nhà trường và cô giáo chủ nhiệm lại đẩy lỗi cho Ban đại diện cho mẹ phụ huynh, sự việc lấy ý kiến ở group chỉ có phụ huynh với nhau, giáo viên chủ nhiệm không nắm việc này. Và để chữa cháy cho những đề xuất thu vô lý, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3 đã không triển khai theo dự trù kinh phí này mà chỉ thu mỗi phụ huynh 1 triệu đồng để chăm lo các hoạt động cho học sinh.
Đáng chú ý hơn là Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12, Trường THCS Lê Quý Đôn Tp.HCM đưa ra mức dự trù hoạt động lên đến hơn 270 triệu đồng; Lớp 9/10 là hơn 165 triệu đồng.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là nơi tiêu tiền
Chia sẻ xoay quanh vấn đề nhiều nơi lạm thu quỹ phụ huynh, chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất bình luận, đây là những khoản thu-chi vô lý. Ông khẳng định không phải cứ có tiền là tiêu mà phải tiêu vào những việc gì có ý nghĩa giáo dục.
"Vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh là nhịp cầu nối giữa nhà trường với học sinh để có những giải pháp giáo dục học sinh tốt nhất chứ không phải là nơi huy động tiền, chi tiêu, tổ chức hội hè. Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh lập ra chỉ để chi tiêu, tổ chức hội hè thì nên giải tán”, ông Nhất nêu quan điểm.
TS Lê Thống Nhất cho biết, trong tam giác giáo dục (Nhà trường-phụ huynh-học sinh) vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Việc giáo dục học sinh sẽ không thành công nếu thiếu đi vai trò của phụ huynh. Việc bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ khiến tam giác giáo dục mất đi một góc, cầu nối giữa nhà trường với học sinh không còn. Do vậy việc duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết.
Vấn đề đặt ra là phải có những quy định, chế tài cụ thể để Ban đại diện cha mẹ học sinh làm tốt vai trò của mình tránh tình trạng trở thành công cụ, là cánh tay nối dài của Ban giám hiệu.
“Nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh được lập ra từ sự gợi ý, định hướng của Ban giám hiệu hoặc của giáo viên. Thậm chí, khi lập Ban đại diện cha mẹ học sinh họ thường chọn những người có điều kiện kinh tế, có vị thế xã hội. Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh nào ngay từ đầu lập ra với tư tưởng thu tiền thì sớm muộn cũng đưa ra những khoản thu sai trái”, TS. Lê Thống Nhất nói.
Bên cạnh đó, TS Lê Minh Công, phó trưởng khoa công tác xã hội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM cho hay cần có quy định cụ thể với ban đại diện cha mẹ học sinh: "Trước tiên tôi cho rằng ban đại diện là khá cần thiết trong thiết chế nhà trường phổ thông. Việc có các ban đại diện này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc kết nối giữa nhà trường mà đại diện là giáo viên (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) với cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em (hay học sinh). Việc kết nối này cực kỳ cần thiết để có thể giáo dục trẻ em và học sinh phát triển lành mạnh, khỏe mạnh.
Tuy vậy, tôi cho rằng ban đại diện cần phải đi vào hoạt động thực chất để đồng hành giáo dục trẻ, chứ không nên chỉ gắn bó các công việc hành chính với nhà trường hoặc chỉ làm sao "lấy lòng" nhà trường bằng hỗ trợ tài chính và đồng thuận trong việc thu - chi.
Để hoạt động của ban đại diện đạt hiệu quả, tôi cho rằng cần phải có các hướng dẫn cụ thể cho các anh chị ở ban đại diện này, cần thiết phải có quy định rõ và các thiết chế cụ thể.
Hiện nhiều anh chị tham gia ban đại diện nhưng tôi tin các anh chị cũng không biết làm gì khác ngoài các định hướng của giáo viên chủ nhiệm, mà giáo viên chủ nhiệm thì lại thường theo định hướng của hiệu trưởng nhà trường. Thành ra các hoạt động sẽ chỉ là một sự thống nhất, không có đa dạng và phong phú", TS Lê Minh Công chia sẻ.
TS Hồ Văn Hải, giảng viên Đại học Sài Gòn cho rằng Nhà trường cần kiểm soát thu - chi. Ông Hải chia sẻ, ở lớp con tôi, ban đại diện hoạt động khá hiệu quả, không lạm thu, cũng không thu nhiều tiền. Tôi thấy vai trò của ban đại diện là không thể phủ nhận, không thể thiếu trong thế kiềng ba chân của giáo dục: nhà trường - gia đình - xã hội.
Thế nhưng hiện có không ít ban đại diện tại một số lớp, nhiều trường bị phản ứng vì hoạt động không hiệu quả, thậm chí biến tướng, phá nát ý nghĩa của tổ chức vốn rất cần thiết này. Tôi cho rằng cần cải tạo để nó hiệu quả, thiết thực hơn. Các vấn đề mà ban đại diện hiện nay gặp phải nằm ở chỗ lạm thu và chi không hợp lý.
Đây là một hội can thiệp vào môi trường giáo dục nên cần có sự kiểm soát. Và để ban đại diện hoạt động hiệu quả, tôi thấy cần có sự minh bạch trong thu - chi và được kiểm soát vấn đề này thông qua nhà trường.
Thu - chi là của ban đại diện nhưng cần tham vấn ý kiến giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường về các khoản thu, khoản chi. Khi tham vấn này diễn ra thì nhà trường cũng có trách nhiệm góp ý, đóng góp cho hoạt động của ban đại diện và sẽ có ý kiến kiên quyết đối với những khoản thu, khoản chi không phù hợp, biến tướng.
Đồng thời đầu năm, trường phải tổ chức khảo sát về các hoạt động ở nhà trường mà khung pháp lý, chi phí hiện không cho phép họ đầu tư cho học sinh để ban đại diện có căn cứ minh bạch, từ đó thu - chi cho đúng.
Làm gì để ngăn nạn lạm thu quỹ phụ huynh
Cần làm gì để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần của Bộ GD&ĐT và không bị nghĩ là “ban thu tiền” là nỗi trăn trở của rất nhiều phụ huynh cũng như của ngành giáo dục. Vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh là nhịp cầu nối giữa nhà trường với học sinh để có những giải pháp giáo dục học sinh tốt nhất chứ không phải là nơi huy động tiền, chi tiêu, tổ chức hội hè. Nhưng để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo đúng chức năng thì cần phải có quy định, chế tài cụ thể, tránh tình trạng trở thành công cụ, là cánh tay nối dài của Ban giám hiệu.
Trên thực tế, điệp khúc lạm thu được thông qua từ Ban đại diện cha mẹ học sinh cứ diễn ra hàng năm cũng bởi vì khi xảy ra sự việc chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe. Luật sư Nguyễn Trung Trực (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam) cho rằng: “Trên thực tế, pháp luật không có quy định riêng lẻ cho hành vi lạm thu trong các cơ sở giáo dục, mà đưa ra các chế tài riêng biệt cho từng hành vi riêng lẻ về học phí, lệ phí và các khoản thu khác trong lĩnh vực giáo dục”. Hầu hết các cơ sở lạm thu được báo chí hay phụ huynh phản ánh mới dừng lại ở việc dừng thu, nhắc nhở, khiển trách…
Đặc biệt do tâm lý cả nể của phụ huynh nên tình trạng nhà trường lạm dụng “xã hội hóa” để thu những khoản ngoài quy định thông qua hội phụ huynh vẫn chưa được khắc phục. Cũng chính vì thế mà các cuộc họp phụ huynh đầu năm ở nhiều trường lớp chủ yếu bàn về chuyện đóng góp, còn việc chia sẻ, thảo luận về việc học tập, phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình lại mờ nhạt.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp để tránh lạm thu, cô giáo không phải trông chờ vào các khoản đóng của phụ huynh là việc tăng lương, chi trả cho thầy cô thật tương xứng với năng lực, sự cống hiến của các nhà giáo. Bởi nhiều giáo viên hiện vẫn phải sống chật vật bằng đồng lương ít ỏi, thậm chí phải nghỉ việc cũng là nguyên nhân để các mặt trái trong thu – chi của ngành giáo dục vẫn nảy nở.
Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu một khoản duy nhất: Kinh phí hoạt động
Cụ thể, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện học sinh trường.
Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến.
Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Không được phép thu
Theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT thì ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau đây:
- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
- Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh:
+ Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;
+ Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
+ Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
+ Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
+ Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
+ Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Trúc Chi (theo Tuổi Trẻ, Kinh tế & Đô thị, Tuổi Trẻ, VTC News)