Đừng để báo chí lên tiếng, thanh tra vào cuộc mới xử lý

Đừng để báo chí lên tiếng, thanh tra vào cuộc mới xử lý

Thứ 2, 21/10/2013 11:48

Theo phản ánh của nhiều người dân, điều khiến họ bức xúc nhất khi đi khiếu kiện chính là việc không được người đứng đầu tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại hoặc chỉ đạo các cấp, ban ngành liên quan có trách nhiệm giải quyết dứt điểm. Điều này đã làm nảy sinh những bất ổn trong xã hội, người dân khiếu kiện theo số đông, vượt cấp, ăn chực nằm chờ tại cổng các cơ quan Trung ương. Trong khi thẩm quyền giải quyết lại thuộc về các cấp ngành, địa phương nhưng người đứng đầu vì lý do nào đó vẫn ngại đối thoại với dân...

30 năm "vác đơn" diện kiến... người có trách nhiệm

Thực tế, tại các địa phương luôn có phòng tiếp dân, có lịch phân công cán bộ, thủ trưởng (người đứng đầu) tiếp dân. Nhưng nhiều nơi, người dân mang nỗi bức xúc của mình đến người có trách nhiệm lại không được tiếp đón. Chờ đợi mỏi mòn khiến họ lại "ôm" ấm ức ấy chạy vòng quanh cố tìm cách “kêu”. Với nhiều người dân, vòng xoay khiếu kiện là một vòng tròn khép kín.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Hưng Anh (90 tuổi, trú tại 84 Trần Đăng Ninh, quận Hà Đông, Hà Nội), hơn 50 năm qua ông liên tục khiếu kiện bởi cách tiếp nhận và giải quyết đơn thư của lãnh đạo chính quyền địa phương liên quan đến chuyện sở hữu đất đai. Ông nhiều lần làm đơn gửi lên chính quyền sở tại nhưng không được giải quyết, ông phải liên tục gửi đơn thư lên các cấp trên để cầu cứu.

Xã hội - Đừng để báo chí lên tiếng, thanh tra vào cuộc mới xử lý

Công dân mong được người đứng đầu tiếp nhằm giải quyết dứt điểm những khiếu nại tố cáo. Ảnh minh họa.

Sau 30 năm khiếu kiện, đến năm 1991, gia đình ông mới được nhận lại đất (trước đây đã cho mượn-PV) và xây nhà ở. Đến năm 1995, khi gia đình ông đang ổn định sinh sống thì lại nhận được quyết định cưỡng chế. Quá bất bình trước sự việc, ông và vợ ông là Tạ Thị Liên (SN 1924) lại phải tiếp tục ngày ngày mang đơn đến UBND phường Quang Trung rồi UBND thị xã Hà Đông, UBND tỉnh Hà Tây cũ để khiếu kiện nhưng vẫn không được giải quyết hợp tình, hợp lý.

Năm 2001, vợ ông qua đời, một mình ông lại tiếp tục mang đơn đi đòi công lý. Hiện, do tuổi cao sức yếu, ông đã ủy quyền lại cho con gái ông là Nguyễn Thị Phương Dung tiếp tục làm đơn gửi cơ quan các cấp để đòi lại quyền lợi chính đáng cho gia đình. Bà Dung đã chờ đợi hơn 2 năm để được người có trách nhiệm tiếp, nhưng không được giải quyết thấu tình đạt lý. Chuyện "truyền đời" mòn mỏi chờ được người có trách nhiệm tiếp và giải quyết đơn thư của gia đình bà Dung đã được đưa ra làm minh chứng khi những nhà làm luật bàn về công tác tiếp công dân.

Một trường hợp khác của gia đình ông Bùi Đăng Tước (SN 1944 ở thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ông Tước tâm sự, ở cái tuổi 70 nhưng ông phải "muối mặt" với làng xóm khi nhiều lần mang đơn đi khiếu nại đến các cơ quan cấp trên bởi cách ứng xử, giải quyết ngang trái của UBND xã Bình Minh. Theo ông Tước, năm 1989, ông cùng ba người con trai bỏ mồ hôi, công sức ra cải tạo khu đất cạnh kênh giáp quốc lộ 21B và sử dụng phần đất này cho đến nay. Năm 1998, con trai ông là Bùi Đăng Phong mua lại 192m2 thuộc diện đất 5% của một gia đình khác cạnh mảnh đất của ông. Tuy nhiên, sau đó anh Phong lấn thêm sang mảnh đất của ông. Vì thế ông đã đề nghị chính quyền địa phương can thiệp nhưng không nhận được hợp tác.

Sau đó, khi gia đình ông làm móng xây nhà thì chính quyền địa phương đến cưỡng chế. Trong khi gia đình anh Phong ở sát cạnh vẫn xây ngôi nhà 5 tầng khang trang mà lại không bị chính quyền xử lý. Ông Tước cho biết, ông rất bức xúc về cách trả lời công dân của chính quyền xã Bình Minh. Bản thân ông nhiều lần đề nghị gặp Chủ tịch UBND xã để đối chất làm rõ vấn đề nhưng chỉ được gặp cấp phó với lý do "cấp trên bận". Nhiều người cho rằng sự việc không được giải quyết dứt điểm khiến mâu thuẫn trong gia đình ông Tước bị đẩy lên đỉnh điểm: Anh em đánh nhau, người bị thương, kẻ đi tù, cha con từ nhau...

Xã hội - Đừng để báo chí lên tiếng, thanh tra vào cuộc mới xử lý (Hình 2).

Ông Nguyễn Hưng Anh.

Người dân khiếu kiện vòng vo, vượt cấp

Tình trạng chờ đợi trong vô vọng của nhiều công dân mong được chính quyền, địa phương các cấp giải quyết những bức xúc vẫn diễn ra hàng ngày. Nhìn nhận thực tế này, khi thảo luận về dự án luật Tiếp công dân, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: "Người đứng đầu phải tiếp và trực tiếp giải quyết, còn nếu cử cán bộ khác thì chỉ tiếp cho xong. Một năm ông có tiếp không, hay cứ cử văn phòng tiếp? Ông cố tình né tránh thì trách nhiệm đến đâu, cơ quan nào giải quyết? Khi có nhiều người cùng kiến nghị về một vụ việc thì lại càng phải có người đứng đầu xuất hiện, chứ không thể cử cán bộ khác tiếp thay". Nói như vậy, người đứng đầu phải có trách nhiệm giải quyết những mâu thuẫn, xung đột tại địa phương mình. Không phải vì "dĩ hoà vi quý", hay thấy phức tạp mà "né" chuyện tiếp dân.

Một số chuyên gia cho rằng, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tiếp công dân là rất quan trọng. Nếu người đứng đầu trực tiếp tiếp xúc với dân sẽ rất khác như vậy mọi vấn đề có thể được giải quyết rất nhanh, hoặc có sự chỉ đạo xuống cấp dưới, có sự giám sát thì người dân sẽ có niềm tin. Nhưng ở đây trách nhiệm người đứng đầu rất ít, chỉ chung chung thôi. Thử xem người đứng đầu có lánh trách nhiệm không?

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, phải quy định rõ trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu, nếu quá hai lần anh từ chối không tiếp thì phải chịu trách nhiệm ra sao. Với những vụ việc nóng, bức xúc, người đứng đầu phải có trách nhiệm tháo van, họ phải xuất hiện khi có khiếu kiện đông người, bởi đó là điểm nóng cần giải quyết. Hơn nữa, theo ông Phúc, cần phải quy định về trách nhiệm đeo đuổi vụ việc đến cùng để tránh vụ việc kéo dài lan man, gây vất vả cho dân, khiến dân chờ đợi mà không có kết quả gì.

Một nguyên Đại biểu Quốc hội đã phàn nàn: "Như trường hợp khi tôi đang còn là Đại biểu Quốc hội khóa 12, chúng tôi nhận được đơn thư oan khiếu kiện liên quan đến ngành giáo dục. Tôi đã phát biểu rất thẳng thắn trên diễn đàn Quốc hội về việc cơ quan này không chấp hành đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, bản thân Bộ trưởng bộ GD&ĐT vẫn không tập trung giải quyết. Sau đó thanh tra Chính phủ vào cuộc, sự việc đó nó có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế. Vấn đề ở đây tức là việc tiếp công dân như hiện nay, đến Đại biểu Quốc hội nhiều lần đề nghị mà còn chưa giải quyết đến nơi đến chốn thì công dân sẽ như thế nào".

Vị này cũng đặt ra câu hỏi: "Luật đã quy định rất rõ vai trò của người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân, tuy nhiên thử hỏi bao nhiêu người dân đã hài lòng về cách giải quyết đơn thư như hiện nay? Khi có vụ việc các anh có trách nhiệm cứ né tránh, đùn đẩy khiến người dân phải kiện tụng vượt cấp. Rồi thủ trưởng cấp trên lại chỉ đạo thủ trưởng cấp dưới giải quyết, song cấp dưới lờ đi, cuối cùng hòa cả làng và chỉ có người dân bị thiệt. Như vậy, chế tài xử lý người đứng đầu cơ quan không thực hiện đúng trách nhiệm của mình như thế nào?".

Khiếu nại nào cũng đến Quốc hội thì không giải quyết được!

Bà Nguyễn Thị Nương, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, nói về công tác tiếp dân, nhân việc UBTVQH vừa thảo luận, cho ý kiến sửa Nghị quyết về công tác tiếp dân của Đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cho rằng: Cần phải xem xét nếu việc người dân phản ánh đã được giải quyết và giải quyết đúng thì phải làm công tác tư tưởng để người dân không nên tiếp tục đi khiếu kiện. Nếu khiếu nại nào cũng gửi tới Quốc hội thì Quốc hội không có khả năng để giải quyết hết được.

Sửa luật để lấy lại niềm tin trong dân

Thực tế hiện nay, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đang quá chậm chạp trong việc giải quyết đơn thư gây nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân khiến họ dần mất đi niềm tin vào chính quyền.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến chia sẻ: Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ở nhiều nơi chính quyền sở tại đang quá quan liêu, đặc biệt thể hiện rõ ở việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư, khiếu nại của người dân. Chính vì khi không còn chỗ dựa nên họ phải tìm đến các văn phòng luật để nhờ tư vấn nên gửi đơn cho ai, gặp ai để được giải quyết. Có những vụ việc rất nhỏ, đơn giản, nhưng lãnh đạo cơ quan chức năng không giải quyết, đá bóng trách nhiệm và đùn đẩy người dân đến những cơ quan khác khiến họ không biết phải làm như thế nào cho đúng. Thậm chí nhiều người dân còn nhờ luật sư chuyển đơn thư đến địa chỉ tiếp nhận đơn thư phản ánh của họ.

 

"Khi chúng tôi chuyển đơn thư phản ánh của cơ quan có thẩm quyền, thái độ của họ cũng không thật là vui vẻ. Tuy nhiên mình vẫn phải yêu cầu người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm giải quyết và trả lời người dân theo đúng quy trình, đúng pháp luật. Một số vụ việc cũng phần nào đó được giải quyết nhưng vẫn chưa thực sự triệt để", luật sư Tiến nói.

Luật sư Tiến phân tích, theo luật Tiếp công dân, nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà né tránh việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư của công dân sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, thực tế đó vẫn diễn ra hàng ngày bởi chế tài xử lý những người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Thậm chí họ còn kìm hãm người dân chỉ gửi đơn thư ở mức cơ sở, không cho khiếu kiện lên cấp trên. Nhiều người gửi đơn thư lên tòa hành chính để mong giải quyết sự việc theo đúng pháp luật nhưng tòa hành chính trả lời do chưa có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền, nên không xử được. Về hậu quả thì ai cũng rõ, người dân mất niềm tin ở cấp chính quyền, vấn đề an ninh xã hội không được đề cao.

Xã hội - Đừng để báo chí lên tiếng, thanh tra vào cuộc mới xử lý (Hình 3).

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, do vậy để giải quyết vấn đề này, cần có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật Khiếu nại, tố cáo cần kịp thời, rõ ràng hơn. Bên cạnh việc quy định những thủ tục hành chính, cần quy định cả chế tài cụ thể đối với người đứng đầu cơ quan khi tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo có vi phạm. Đồng thời cần giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo.

"Tôi đồng tình với dự luật Tiếp công dân lần này, bởi qua đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sẽ có trách nhiệm nắm bắt nội dung đơn thư, xem xét giải quyết đúng quy trình, đúng pháp luật. Tôi chưa thực sự kỳ vọng nhưng hy vọng việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại từ các cấp cơ sở đến trung ương sẽ có quy củ hơn. Cần phải có những việc làm cụ thể, quyết liệt để chuyển từ luật đi vào đời sống", luật sư Tiến bày tỏ.

"Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ cho cấp phó hoặc chuyên viên. Cơ quan có thẩm quyền phải chủ động rà soát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp dưới, hạn chế những vụ việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Đừng để khi thanh tra vào cuộc, báo chí lên tiếng thì lãnh đạo cơ quan, đơn vị ấy mới đi xác minh, giải quyết", luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nói

Minh Khánh- Cao Tuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.