Những cái chết thương tâm
Vụ đầu tiên xảy ra lúc 8h04 tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), khi tàu SE va phải xe 16 chỗ sang đường bất cẩn va chạm với tàu hỏa. Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này đã cướp đi sinh mạng của 2 chị em ruột đó là Đặng Thị Bích Tr. (21 tuổi) và Đặng Thị Bích D. (10 tuổi).
Cũng chỉ vài tiếng sau, lúc 11h35 tại Quảng Bình, một phụ nữ đã cố tình vượt gác chắn nên đã bị tàu SE6 va phải tử vong tại chỗ. Các vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp khiến ngành đường sắt phải ra thông báo khẩn chấn chỉnh.
Quay trở lại vụ tai nạn ở Bình Thuận, theo thông tin ban đầu PV ghi nhận, khi đoàn tàu SE27 tuyến từ TP.Đà Nẵng đi TP.HCM đang di chuyển trên đường sắt tại Km 1465+800 đoạn thuộc thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong thì bất ngờ xảy ra va chạm, đâm trực diện với chiếc xe ô tô khách mang BKS 86B-003.66 loại 16 chỗ của nhà xe Đông Hưng (kiểm định đến ngày 17/1/2020). Hậu quả cú đâm mạnh khiến chiếc xe khách văng ra xa hiện trường, cách đường ray tàu khoảng 200m, hông xe bị biến dạng. Bước đầu lực lượng chức năng xác định có 3 người trên xe khách tử vong, trong đó có tài xế Nguyễn Thanh Tr. (37 tuổi) và 1 người bị thương nặng.
Sau khi xảy ra tai nạn, người dân nhanh chóng cùng lực lượng chức năng đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu. Được biết, vị trí xảy ra tai nạn là nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ, nằm trong khu vực dân cư, có tín hiệu đèn giao thông tàu lửa, nhưng không có barie chắn khi tàu đến, cũng không có nhân viên gác chắn.
Trao đổi với báo chí, anh Đặng Văn Thường (ngụ quận 9, TP.HCM) chú ruột của 2 nạn nhân tử vong cho biết, ngay sau khi biết tin các cháu bị tai nạn, anh Thường cấp tốc vượt chặng đường khoảng 300km từ TP.HCM về Tuy Phong (Bình Thuận) để cùng gia đình lo hậu sự cho các cháu. “Bé Tr. vừa mới thi tốt nghiệp THPT đã có giấy trúng tuyển vào một trường cao đẳng ở TP.HCM nhưng cháu không theo học và xin nhà đi làm để tiếp tục ôn thi, năm sau thi tiếp vào một trường đại học theo nguyện vọng. Gia đình các cháu đều làm vườn, hoàn cảnh cũng rất khó khăn”, anh Thường ngậm ngùi nói.
Cũng theo anh Thường, các cháu đang trên đường từ Tuy Phong vào TP.HCM thăm bà bị bệnh. Lúc bị tai nạn, các cháu đang đi xe trung chuyển từ nhà đến nơi tập trung...
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc sở GTVT cùng lãnh đạo ban ATGT tỉnh Bình Thuận đã đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình nạn nhân và trao số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng cho 1 người chết và 2 triệu đồng cho người bị thương. Ngoài ra, đại diện UBND huyện Tuy Phong cùng các sở ngành đang tổ chức các đoàn đến chia buồn và trao tiền ủng hộ cho người bị nạn.
Chiều 31/7, cộng đồng người Chăm ở xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đã tập trung tại nhà đại thể để tổ chức lễ hỏa thiêu theo phong tục cho 2 nạn nhân là chị em ruột vừa tử vong trong vụ tai nạn đường sắt xảy ra sáng cùng ngày.
Ngồi bần thần phía ngoài bậc thềm sân, ông Đặng Văn Bình, cha đẻ của 2 nạn nhân kể: “Sự việc xảy ra khiến tôi rất đau lòng. Tuần trước, Tr. đã đưa bà nội nó đi khám tại TP.HCM. Trong khi chờ kết quả, con tôi quay về đón em gái học lớp 5 vào TP.HCM mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Hôm nay, bé D. theo chị vào để xin chú tiền mua sách vở nên nó rất háo hức, không ngờ đây là chuyến đi mãi không về của các con”.
Ông Bình còn cho chia sẻ thêm, đáng lẽ ra Tr. và em gái xuất phát từ tối 30/7. Nhưng do phía nhà xe ghi nhầm ngày, nên cả hai phải lùi lịch đi TP.HCM sang sang 31/7. Tuy nhiên, chuyến xe không thể đến đích như dự kiến khi tài xế thiếu quan sát lúc băng qua đường sắt. Cùng đi chuyến xe trên, còn có em họ của Tr. là Hồ Đặng Thái Lan Anh cũng theo vào thăm bà ngoại. Đây là nạn nhân duy nhất trên xe 16 chỗ còn sống sót, bị gãy xương hàm trái, chấn thương vùng đầu, gãy xương cánh tay trái. Sau khi cấp cứu tại bệnh viện địa phương, nạn nhân này được chuyển về TP.HCM để tiếp tục điều trị.
Báo động đỏ tai nạn đường sắt
Thời gian qua, tai nạn giữa đường sắt và đường bộ ngày càng tăng về số vụ và số người thiệt mạng. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đường sắt xảy ra 75 vụ tai nạn, làm chết 53 người, bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm 2018 tăng 14 vụ, tăng 4 người chết, tăng 5 người người bị thương.
Trong văn bản gửi bộ GTVT và UBND các tỉnh có đường sắt đi qua liên quan đến việc triển khai những nhiệm vụ cấp bách đảm bảo ATGT đường sắt, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nhiều vụ tai nạn đường sắt, nguyên nhân ban đầu được đầu được xác định có nguyên nhân từ việc người dân vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trong khi cơ quan chức năng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý theo quy định.
Từ những vụ tai nạn trên, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị bộ GTVT chỉ đạo cục Đường sắt Việt Nam, các cơ quan liên quan phối hợp tổng công ty Đường sắt Việt Nam phân tích đánh giá xác định những nguyên nhân khiến TNGT đường sắt tăng cao trong tháng 7/2019 và đề xuất các giải pháp kiềm chế, kéo giảm TNGT đường sắt trong thời gian tới.
"Các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm Quyết định 994/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 và thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở theo quy định tại Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đường sắt. Tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trong bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Lập kế hoạch nâng cấp toàn bộ các đường ngang cảnh báo bằng biển báo lên đường ngang có cần chắn tự động. Tập trung xử lý vi phạm như mở đường ngang trái phép, xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi qua đường sắt; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt", Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo.
Ngoài ra, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến cấp cơ sở, khu dân cư luật Giao thông đường bộ, luật Đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt; phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Phối hợp chặt chẽ với bộ GTVT, tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường sắt.
Hoàng Hưng