Liên tiếp những vụ án liên quan đến “con ma men” vừa xảy ra khiến dư luận bàng hoàng, thảng thốt. Có ai ngờ, từng là đồng nghiệp, nhưng chỉ vì “ma men” dẫn lối, đưa đường mà truy sát nhau đến thiệt mạng. Hay chồng cứa cổ vợ ngất xỉu vì say xỉn. Những nỗi đau không thể nói thành lời. Và có lẽ, người thân trong những gia đình kẻ nghiện rượu sẽ còn phải đau một đời!
Đặc biệt, mấy ngày nay, trên mạng xã hội xuất hiện những dòng tâm sự đau lòng của người con có bố nghiện rượu khiến nhiều người cảm thấy xót xa, đau đớn. Đọc những dòng tâm sự của đứa con ấy, liệu những ông bố đang ngày đêm say xỉn có hiểu được phần nào?
"Bố thân mến! Mấy ngày nay lướt facebook con đọc được mấy bài. Nào là đồng nghiệp chém nhau vì nhậu say hay chồng say cứa cổ vợ ngất xỉu. Bỗng dưng con thấy giật mình vì nhà mình cũng có một ông say. Đấy là bố!
Công việc của bố thường xuyên phải làm việc với đối tác, và với một "nền văn hoá" kí kết hợp đồng trên bàn nhậu như Việt Nam thì rõ ràng việc uống rượu với bố không thể tránh khỏi.
Dần dà bố thích các cuộc nhậu hơn là thích về nhà. Con lớn lên quen với việc 1 tuần thì đến 5-6 ngày bố say. Có ngày chỉ biêng biêng, có ngày say nhiều hơn. Và mỗi lần bố say bố biến thành con người khác.
Người ngoài nhận xét bố rất tốt. Yêu vợ, thương con, hoà đồng với mọi người. Bố cũng cực kỳ tuyệt vời, hay ngồi nghe tâm sự ỉ ôi của con. Thỉnh thoảng lén mẹ cho con thêm tiền tiêu vặt hoặc chẳng bao giờ từ chối khi con đòi mua vài bộ quần áo mới. Thế nhưng chỉ cần chút rượu có thể thay đổi con người bố hoàn toàn…”.
Những dòng tâm sự đó, nghe sao mà xót xa! Trần gian còn bao nhiêu cảnh những đứa con thơ dại phải chứng kiến cảnh bố mẹ cơm chẳng lành, cảnh chẳng ngọt chỉ vì “ma men” dẫn lối, đưa đường?
Đã có biết bao đứa trẻ, khi lớn lên đã mang trong mình “nỗi đau không tên”, ngay cả trong giấc mơ còn thức.
“Lúc con còn bé, mỗi lần bố say thì mặt con nhăn nhó, khó chịu. Mẹ cũng vậy bởi dăm ba bữa thì không sao, nhưng bố thì suốt ngày không tỉnh táo. Mỗi lần như thế nhà mình lại cãi nhau to. Bố quát con, quát cả mẹ, thậm chí đập vỡ đồ đạc. Tủ ti vi, cửa nẻo rồi nhiều đồ vật lâu dần cứ thế hỏng hóc, không còn nguyên vẹn vì những cơn say của bố”- tâm sự của người con ấy ai thấu, ai hay?
Từ những vụ án đau lòng do đối tượng nghiện rượu gây ra, nhiều người thấy thương cảm cho những người mẹ, người vợ, người con luôn phải sống chung với “con ma men” ác nghiệt.
Khi “ma men” dẫn lối đưa đường, những người kém bản lĩnh bỗng trở thành tội đồ. Tức tối chuyện ở ngoài, chồng về quát tháo vợ, đập đồ đạc. Vợ bất lực chỉ nức nở van xin đừng làm tổn thương những đứa con thơ tội nghiệp. Thế nhưng, những tiếng đổ vỡ từ đồ đạc và từ cả trong tim người vợ như vụn thành trăm mảnh.
Và rồi, vì rượu, những đứa con cũng học thói xấu từ cha, coi rượu là thứ văn hóa thời thượng của giới trẻ. Vui uống, buồn nâng cốc. Say men con cái cũng muốn “dở mặt” với bố. Chỉ còn người mẹ/vợ nhẫn nhịn, đêm đến vẫn chong đèn chờ chồng về để… nuốt nước mắt vào lòng thương cho số phận hẩm hiu.
Trách “ma men” hay trách ai vô tình? Không biết bao nhiều tấn bi kịch đã xảy ra khi “rượu uống người”. Chỉ vì vài xu rượu mà anh em xô xát, bạn bè cầm dao dọa chém lúc nửa đêm. Thậm chí, thảm án đẫm máu đã xảy ra. Thế rồi, lúc tỉnh, những “con ma men” lại hiền lành đến ghê sợ! Họ ăn năn, hối hận nhưng men rượu một người say nhiều người chịu giọt sầu.
Những vụ án đau lòng mới xảy ra là bài học đắt giá cho mỗi người, mỗi nhà và cả cộng đồng xã hội phải luôn quan tâm, đừng để sau mỗi cuộc vui lại nhận lại tấn bi kịch gia đình đẫm lệ, gia đình tan nát, huynh đệ tương tàn, bản thân tù tội…
Diệp Chi