Mấy năm nay, đào quất di cư ra bãi sông Hồng, chạy sang Đông Anh rồi tản cư về Hà Tây cũ nhưng vẫn chưa có một chỗ đứng ổn định. Người ta hết nêu ra dự án di chuyển đào Nhật Tân rồi lại đến dự án bảo tồn gens. Thực tế, các cụ cao niên cũng không khỏi ngậm ngùi khi một thời gian không xa nữa, làng Nhật Tân sẽ không còn vang tiếng với nghề trồng đào. Đào bích cánh dày, hoa to chắc chỉ còn nằm trong nỗi nhớ...
Theo sử sách, làng đào Nhật Tân ở phía Tây Bắc Hồ Tây, kề cận làng Quảng Bá. Thời phong kiến xưa kia, làng có tên là Nhật Chiêu, thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên (kinh đô Thăng Long thời Lê). Từ năm 1831 lại thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Sau nhiều lần hoán đổi tên, đến giữa năm 1956, vùng này được tách ra thành xã Nhật Tân, gồm 4 thôn Đông - Nam - Tây - Bắc thuộc quận 5. Đến năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Năm 1995, xã Nhật Tân lại thuộc quận Tây Hồ cho đến ngày nay.
Nói về thông tin Hà Nội sẽ đặt Trung tâm bảo tồn gens đào Nhật Tân tại quận Long Biên. Bà Đỗ Thị Mai Lan, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Nhật Tân không đồng tình với chủ trương này của thành phố Hà Nội. Bởi lẽ đào Nhật Tân vốn nổi tiếng ở đất Tây Hồ, trong khi đó nguồn gốc thì quận Long Biên trước đây chưa có đào. Vì thế việc đặt Trung tâm giới thiệu hoa đào Nhật Tân tại quận Long Biên khiến không chỉ bà mà rất nhiều người dân phản đối.
So với thời xa xưa diện tích đào hiện nay rộng hơn nhưng hầu hết ra ngoài bãi, không còn ở trong các khu dân cư cũ. Hiện tại Nhật Tân có 45 hécta đất trồng đào khu vực ngoài đê, ngoài ra còn khoảng 40 hécta nữa bên ngoài giáp sông. Tuy bãi ngoài giáp sông thấp hơn nhưng nước sông ổn định mấy năm qua nên xã viên vẫn có thu hoạch tốt. Lịch sử cũng đã chứng minh, đời ông đời cha đều trồng đào và chưa thấy ở đâu đào đẹp, nổi tiếng như ở Nhật Tân.
Các cụ cao niên trong làng cũng kể lại, trước đây, cố nhà văn Băng Sơn - một người nghiên cứu khá kỹ về văn hóa Hà Nội nói chung và hoa đào nói riêng đã về thăm làng đào Nhật Tân và nhận định: Nên giữ cho được làng đào Nhật Tân vì nó không đơn thuần là một khu đất mà là nét văn hóa tiêu biểu của Hà Nội. Không đơn giản là "mất hoa đào thì người Hà Nội sẽ chơi hoa khác", bởi lẽ làng đào Nhật Tân là một nét văn hóa cổ truyền đáng quý của người Hà Nội, đã hình thành và tồn tại đến mấy trăm năm. Có rất nhiều nơi khác trồng đào được nhưng có lẽ không có nơi nào có đào đẹp như ở Nhật Tân. Ngoài vấn đề truyền thống, kỹ thuật của người trồng hoa vùng này có lẽ còn có yếu tố thổ nhưỡng. Làng đào là một nét văn hóa đặc biệt của Thủ đô, đặc biệt như làng đào Nhật Tân là thứ truyền thống mà nếu để mất một lần sẽ rất khó khôi phục lại.
Xoay quanh vấn đề di chuyển đào Nhật Tân sang Long Biên, nhiều chuyên gia di sản văn hóa cho rằng, muốn bảo tồn đào Nhật Tân trước hết là phải bảo tồn gien. Việc một số hộ dân đang trồng đào ở ven sông Hồng rất bất cập nếu lũ về. Nếu không may gặp nước lên thì bao nhiêu công đổ vào có thể sạch sành sanh. Mặt khác, chúng ta cũng phải tính đến tính phù hợp của thổ nhưỡng đất đai đối với cây đào.
Sở NN&PTNN Hà Nội cho biết, sau khi phương án bảo tồn cây đào Nhật Tân không thực hiện được họ đã nghĩ đến phương án bảo tồn gien. Sở cũng xin lập dự án bảo tồn giống đào Nhật Tân quý hiếm này thông qua việc bảo tồn và phát triển bằng công nghệ sinh học hiện đại. Từ nguồn gens quý này ta có thể phát triển ở các địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đào Nhật Tân gắn liền với thổ nhưỡng của vùng đất này và kinh nghiệm cùng bàn tay khéo léo của người trồng đào Nhật Tân thì mới phù hợp và có ý nghĩa. Rõ ràng một số công trình xây dựng không làm trên đất Nhật Tân thì có thể làm nơi khác, nhưng đào Nhật Tân chuyển đi nơi khác thì không còn nguyên vẹn ý nghĩa của nó.
Phần đông người dân đều mong muốn phát triển được thương hiệu đào Nhật Tân. Thực ra không phải ở đâu trồng đào cũng đẹp vì phụ thuộc vào kỹ thuật, chất đất rất nhiều. Hiện nay chưa có trung tâm giới thiệu đào Nhật Tân, chủ yếu là một số cá nhân kinh doanh hoa đào tự giới thiệu ra bên ngoài... |
Cao Tuân