Vé trận Việt Nam – Malaysia tại bảng A- AFF Cup 2018 được VFF mở bán trực tiếp cho người hâm mộ đã hết bay trong vòng một buổi sáng. Số lượng 9.000 vé được phân phối trực tiếp giống như muối bỏ bể giữa đám đông xếp hàng từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau. Thậm chí, theo tính toán của những CĐV, từ thời gian mở bán đến khi quầy thông báo hết vé, căn cứ vào thời gian của từng đợt người được vào mua vé với số lượng tối đa, không thể đến 9.000 vé. Tuy nhiên, đấy chỉ là tính toán lý thuyết. Nhưng không thể không tham khảo.
Hình ảnh những CĐV không mua được vé, bủa vây chiếc xe chở các nhân viên VFF ở SVĐ Mỹ Đình ngày 11/11 cho thấy sự bức xúc đã lên đến đỉnh điểm. Thực tế, số lượng vé phân phối trực tiếp ấy không thể đến tay hết được những CĐV có nhu cầu vào xem bóng đá, một số lượng lớn trong đó nằm trong tay những “phe vé”. Và sau khi vé được đưa ra thị trường “chợ đen” đã được đẩy giá cao lên gấp nhiều lần.
Đây cũng là năm đầu tiên mà VFF tiến hành bán vé online cho CĐV, con số này rơi vào khoảng 4.000 vé. Nhưng thực tế, chính VFF cũng không thể kiểm soát được việc lượng người mua online nhưng vẫn xuất hiện cả trong đám đông chen lấn, xô đẩy mua vé trực tiếp.
Và kênh duy nhất để người hâm mộ mua vé hiện tại là ra ngoài “chợ đen”. Trong những ngày qua, có đến vài chục “phe vé” có mặt trước cổng sân Mỹ Đình và hoạt động nhộn nhịp. Họ không chỉ chào bán vé cho khách mà còn sẵn sàng mua tất cả các loại vé với những mệnh giá khác nhau. Việc giao dịch chênh lệch có lãi này giúp cho thị trường “chợ đen” luôn sôi động và giá vé đến càng gần ngày thi đấu của ĐT Việt Nam càng được đẩy lên cao.
Và điều khiên nhiều người ngạc nhiên hơn nữa là ở thị trường “chợ đen”, vé mua các mệnh giá đều đầy đủ, và thậm chí mua bao nhiêu cũng có. Nhiều CĐV ngạc nhiên khi yêu cầu mua đến cả chục vé ngồi cùng hàng ghế cạnh nhau cũng được đáp ứng chỉ sau một cuộc điện thoại. Câu hỏi được đặt ra, nguồn vé mà dân “phe” đầu cơ từ đâu?
Nhớ lại câu chuyện trước trận bán kết AFF Cup 2016 diễn ra trên sân Mỹ Đình, CĐV nổi tiếng của Hải Phòng là Văn Trần Hoàn đã đăng tải video lên mạng xã hội đầy bức xúc về chuyện không mua được vé. Anh Hoàn chia sẻ rằng Hội CĐV Hải Phòng có công văn xin mua 300 chiếc vé nhưng VFF nói đã hết, chỉ bán 6 chiếc. Do đó mà anh không biết chia cho ai nên xin không lấy.
Sau đó, anh Hoàn ra chợ đen, “phe vé” bảo còn rất nhiều, 100 chiếc, 200 chiếc cũng có. Và thậm chí anh yêu cầu muốn mua liền nhau… họ vẫn có. Anh Hoàn rất ngạc nhiên vì sao thế? “Mấy trăm chiếc vé liền nhau. Chắc chắc vé trong liên đoàn tuồn ra, không thể ngẫu nhiên như thế”.
Câu chuyện của anh Hoàn khiến nhiều CĐV cũng không khỏi bức xúc. Bởi lẽ, theo quy định, mỗi CĐV xếp hàng vào mua vé chỉ được sở hữu tối đa 2 cặp. Thế nhưng, với số lượng ngoài “chợ đen” có thể cung ứng khiến cho tất cả đang đặt ra nghi vấn đề tính minh bạch trong công tác phát hành vé. Từ đó mà sự bức xúc luôn đẩy lên thành cao trào đến từ người hâm mộ.
Đã đến lúc, chính VFF cần xây dựng một kế hoạch bán vé sao cho phù hợp hơn. Bởi chuyện bức xúc vì vé xem bóng đá có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ khó lường. Thực tế, số lượng người có nhu cầu vào sân xem bóng đá có vượt xa con số 4 vạn là sức chứa của sân Mỹ Đình? Có thể là không. Thế nhưng, nhiều người vẫn phải trả số tiền gấp đến 10 lần để sở hữu tấm vé vào sân xem bóng đá. Tình yêu đội tuyển vì thế vô tình bị mang ra trục lợi.
Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí chiều 12/11, hậu vệ Đoàn Văn Hậu có chia sẻ rằng anh và các đồng đội sẽ cố gắng thi đấu quyết tâm trước Malaysia vì màu cờ sắc áo. Bên cạnh đó là vì những khán giả đã không ngại đội mưa, xếp hàng mua vé ở sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, chắc chắn Văn Hậu cũng như nhiều cầu thủ khác cần biết rằng, trong đám đông ấy, có nhiều người chỉ lợi dụng tình yêu để đầu cơ vé. Đó cũng là vấn đề nan giải chưa thể tìm ra hồi kết.
Đừng để vé xem bóng đá là nỗi bức xúc của người hâm mộ. Và cũng đừng khiến người hâm mộ phải trả giá quá đắt với một niềm tin “Việt Nam vô địch”. Bởi trong suốt 10 năm kể từ sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam luôn trải qua những điều nghiệt ngã.
Theo báo Công an nhân dân