Khoảng 13h30' ngày 23/4 (theo giờ địa phương), ba nhân viên cộng đồng phát hiện ra một nhóm người khả nghi cầm dao quân dụng, loại thường chỉ được trang bị cho lực lượng thực thi pháp luật, xuất hiện tại Bachu, thành phố Kashgar, phía tây Tân Cương.
Do lo sợ sẽ có chuyện xấu xảy ra, họ lập tức báo tình hình hiện tại cho cảnh sát. Tuy nhiên, ba người này sau đó đã bị bắt làm con tin. Nhóm côn đồ này đã trốn sẵn trong một ngôi nhà mà chúng đã "dọn dẹp" trước đó.
Cảnh sát chống bạo động được triển khai sau vụ đụng độ đẫm máu ở Tân Cương.
Cảnh sát địa phương nhanh chóng đến khu vực được báo để xử lý vụ việc. Cảnh sát và chính quyền địa phương nhanh chóng tới khu vực được báo để xử lý vụ việc nhưng họ đã bị những kẻ có vũ trang trên tấn công. Ba con tin kém may mắn đã bị sát hại ngay tại hiện trường, nhóm côn đồ còn châm lửa đốt ngôi nhà để phi tang.
Được biết, sau cuộc đụng độ có 15 cảnh sát và nhân viên của chính phủ được cử đến đã bị thiệt mạng, trong đó có 11 người thuộc dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. 6 kẻ tấn công bị bắn chết ngay trong cuộc đụng độ, 8 tên còn lại đã bị cảnh sát khống chế và bắt giữ.
Một quan chức họ Cao thuộc văn phòng thông tin của chính quyền tỉnh cho biết: "Sau cuộc đụng độ đẫm máu, tổng cộng 21 người đã thiệt mạng, bao gồm các nhân viên xã hội và cảnh sát".
Chính quyền địa phương cho biết, theo điều tra ban đầu, nhóm côn đồ này đã lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công từ trước và sẵn sàng hi sinh. Giới chức chính quyền còn miêu tả cuộc đụng độ này là một vụ "khủng bố bạo lực". Hiện tại, việc lấy lời khai các nghi phạm bị bắt giữ đang được các nhà chức trách Trung Quốc tiến hành nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
Tân Cương là khu vực sinh sống của khoảng 9 triệu người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, nói tiếng Turk và chủ yếu theo đạo Hồi. Đây là vụ đụng độ có số người chết cao nhất trong nhiều tháng qua tại Tân Cương. Khu vực này thường xuyên xảy ra những vụ bạo loạn của các nhóm dân tộc Hồi giáo gốc Thổ chống lại người Hán.
Cuộc đụng độ lớn nhất tại Tân Cương là vào hồi tháng 7/2009 giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ tại thủ phủ Urumqi làm gần 200 người thiệt mạng và khoảng 1.700 người bị thương. Theo Tân Hoa Xã, vụ bạo động này xảy ra vào tối ngày 5/7/2009 (giờ địa phương), giữa khoảng 3.000 người Duy Ngô Nhĩ có trang bị gậy gộc, dao và đá với 1.000 cảnh sát có vũ trang. Vụ bạo động này đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Nhiều thi thể đã được tìm thấy trên khắp các con đường và ngõ hẻm ở Urumqi. Những người quá khích đã đốt cháy hơn 500 chiếc xe, cửa hiệu và nhà cửa trong khu vực này.
Sau khi cảnh sát kiểm soát được tình hình, họ đã bắt giữ 10 nhân vật chủ chốt của cuộc bạo động cùng nhiều đối tượng tình nghi nghi ủng hộ cuộc bạo động này. Từ đó đến nay, nhiều vụ đụng độ chết người khác cũng xảy ra, tất cả đều được chính quyền địa phương cho là những hành động mang tính "khủng bố".
An Mai (Theo Tân Hoa Xã/Shanghai Daily)