Thói quen của con người hình thành từ rất sớm ngay từ lúc còn nhỏ chủ yếu là từ lối sống cộng đồng, tập quán mà nên. Bên cạnh thói quen tốt, chuẩn mực thì con người cũng mắc phải các thói quen, tật xấu cần phải từ bỏ như thói quen muộn giờ, xả rác, khạc nhổ tùy tiện, lái xe không chấp hành quy tắc giao thông...
Dưới góc độ bài viết này, tôi chỉ nói đến việc một bộ phận người Việt thường có thói quen dừng, đỗ xe ngay lối đi hoặc để nghênh ngang chắn đường, cản trở giao thông, đi lại của người khác. Đây là thói quen xấu, cố hữu của một số người gây ra nhiều hệ lụy xấu về an toàn giao thông và ảnh hưởng tiêu cực đến nếp sống văn hóa, văn minh.
Rất nhiều người có thói quen cứ hễ dừng xe chỗ nào là để xe luôn chỗ đấy, mà không “nhìn trước ngó sau” xem dừng xe như vậy có hợp lý hay không, ảnh hưởng đến người khác hay không... Nhiều người dừng xe chắn ngang lối đi lên vỉa hè hoặc cổng ra, vào của cơ quan, nhà người khác nhưng không để ý vì lối sống tùy tiện, ý thức về an toàn giao thông rất kém.
Nhiều trường hợp cũng chỉ vì để xe không đúng chỗ, tùy tiện mà dẫn đến tai nạn giao thông hoặc gây mâu thuẫn, xích mích đánh nhau thương tích, án mạng hoặc phá hoại tài sản chỉ vì... để xe cản trở lối đi.
Có thể khẳng định việc dừng, đỗ xe tùy tiện không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông mà đó còn là một thói quen, tật xấu cần phải sửa đổi, chấn chỉnh. Bởi vì, thói quen xấu này của một số người đã ảnh hưởng đến rất nhiều người khác.
Mặc dù, chính quyền nhiều nơi có quy định về việc dành một khoảng vỉa hè hợp lý để người dân có thể buôn bán làm ăn, sinh hoạt nhưng tình trạng để xe lấn chiếm vỉa hè cũng không giảm so với trước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu là do thói quen là luộm thuộm, tùy tiện, vô nguyên tắc của từng cá nhân bị ảnh hưởng, lây nhiễm từ những người xung quanh, từ cộng đồng xã hội.
Thiết nghĩ, dù đây là thói quen nhỏ nhưng tác hại đối với xã hội vô cùng lớn. Do đó, mỗi người dân, nhất là những người trong cùng gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị cần phải tự ý thức chấn chỉnh, sửa đổi thói quen xấu này. Bên cạnh đó, mọi người cần có sự quan tâm bảo ban, nhắc nhở nhau từ bỏ thói quen xấu này. Vì nó không những ảnh hưởng đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng đến phong cách, lối sống, hình ảnh của cả đất nước, đặc biệt là gây mất trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông.
Vĩnh Linh
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả