Tổng thống Erdogan ở ngã tư đường ở Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào ngày 23/1 để cố gắng thiết lập lại chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin muốn Chính phủ Syria nắm quyền kiểm soát miền Đông Syria và cuối cùng là toàn bộ đất nước, sau khi quân đội Mỹ rút quân. Trong khi ưu tiên của ông Erdogan là tiến tới chiếm lại các khu vực thuộc về Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd, nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Ankara rất quan tâm đến sự cô lập lực lượng này ở Syria thông qua những nỗ lực để trở thành một người thay đổi cuộc chơi trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Erdogan đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn sắp tới ở Idlib và Manbij. Trong đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ được chọn một.
Idlib rất dễ là một quân bài thương lượng cho Ankara trong một thỏa thuận tiềm năng với Nga. Theo Al-Monitor, Moscow và quân Chính phủ Syria muốn tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại nhóm HTS (Hayat Tahrir Al Sham) và các thành phần cực đoan khác.
Để chiều lòng, Ankara sẽ đồng ý rút lực lượng khỏi Idlib, dọn đường cho Nga và chính quyền Syria tấn công phiến quân ở đó, đồng thời trả lại quyền kiểm soát khu vực. Về phần mình, Moscow có thể thảo luận với Damascus về việc cho phép Ankara lan rộng quyền kiểm soát đối với một số vùng lãnh thổ của người Kurd.
Theo các nhà quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã mất hứng thú trong việc kiểm soát Idlib sau khi biết được kế hoạch rút quân sớm của Mỹ. Vào thời điểm này, chiến dịch ở phía Đông Euphrates và loại bỏ quân SDF ở Manbij trở thành ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, chính quyền Syria đang thể hiện rõ quan điểm chống lại sự xâm nhập của Ankara.
Trong tình huống này, Moscow sẵn sàng chơi cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù có thể trì hoãn hành động trong một thời gian ở Idlib. Tuy nhiên nếu không có sự phối hợp tốt về thời gian, Tổng thống Erdogan có nguy cơ mất Idlib cũng như không nhận được lợi ích gì trong thỏa thuận áp chế người Kurd.
Thời gian không chờ đợi phía Thổ Nhĩ Kỳ. Nga và Damascus nóng lòng vì HTS đang phát triển mạnh mẽ hơn, trong khi người Kurd ở Manbij và phía Đông Euphrates đang tìm kiếm những thỏa thuận hỗ trợ từ Damascus.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng giữa ngã tư đường, Nga vẫn kiên định quan điểm của mình đó là các lãnh thổ phải trở lại quyền kiểm soát của Chính phủ Syria.
“Chúng tôi tin rằng giải pháp tốt nhất và duy nhất là chuyển giao các lãnh thổ này cho sự kiểm soát của Chính phủ Syria”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrovn nói với các phóng viên ở Moscow. “Chúng tôi hoan nghênh và hỗ trợ liên hệ giữa đại diện người Kurd và chính quyền Syria để họ có thể chung sống dưới một Chính phủ duy nhất mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài".
Trong đó, ông Lavrov cũng cho biết Nga sẽ xem xét lợi ích của các nước láng giềng của Syria, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến nhiều người nhớ lại tuyên bố trước đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết quân đội Chính phủ Syria có thể duy trì vùng đệm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tin xấu với Ankara
Sự tan băng rõ ràng trong mối quan hệ của Damascus với thế giới Ả Rập là một tin xấu đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang gặp khó khăn trong việc đối phó với sự thay đổi nhanh chóng trong cán cân quyền lực ở Syria.
Nếu Tổng thống Bashar al-Assad được hoan nghênh trở lại ở Ả Rập như trước kia, đó sẽ là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài chính sách của Ankara, vốn đã ngày càng đổ nát bởi những đánh giá sai lầm và những kỳ vọng quá mức từ đầu, tờ Al-Monitor nhận định.
Các quốc gia như Sudan, UAE, Bahrain, Ai Cập, Jordan, Iraq, Lebanon và Tunisia đang xếp hàng để ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Syria - và nhiều người kỳ vọng Saudi Arabia sẽ tham gia cùng với họ.
Nếu điều này xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với một thế giới Ả Rập đoàn kết chưa từng có chống lại mình. Sự thống nhất như vậy chưa bao giờ là điều mà chính quyền Erdogan mong đợi.
Khối Ả Rập mới cũng có thể làm phức tạp kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria nhằm giải phóng thị trấn Manbij và các vùng lãnh thổ phía Đông sông Euphrates khỏi người Kurd, đặc biệt khi Damascus đã tuyên bố chống lại sự xâm nhập này.
Sự thất vọng ở Ankara sâu sắc hơn những gì tưởng tượng. Từ trước đến nay, thiết lập mối quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia Hồi giáo, đặc biệt là những nước ở Trung Đông và liên kết với người Ả Rập Sunni là một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại lớn của Tổng thống Erdogan.
Nhưng chính sách của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong việc lấy lòng người Hồi giáo Ả Rập đã hoàn toàn thất bại, giống như lời của một nhà ngoại giao cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ từng thừa nhận: “Chúng tôi đã mất Trung Đông”.