Thời gian gần đây, tôi bỗng có sở thích đặc biệt với nước chè mạn. Cứ ăn bữa xong mà không có cốc chè ở bàn làm việc là nhiều khi thèm đến cồn cào!
Nhưng có đôi chút bất tiện, là uống chè mạn thì phải pha vào ấm, nên ở chỗ làm với những ngăn bàn riêng biệt thì rất bất tiện, hoặc có một mình ở nhà lại phải kỳ cạch ấm với chén.
Tôi đã thầm ước cho sở thích cỏn con của mình là giá như có một chiếc “túi lọc dùng được nhiều lần” thì tốt quá, cứ cho chè vào pha trong cốc xong rửa sạch là được. Tất nhiên, ước vậy thôi chứ tìm được đúng món không hề dễ…
Thế mà một lần vào siêu thị, tôi giật mình nhận ra điều ước đó có thể hiện thực hóa vô cùng dễ dàng: Một món đồ inox nhỏ xinh nhiều kích cỡ chuyên dùng để pha chè đúng như tôi mong đợi! Xoáy ra, cho một nhúm chè vào, thả vào cốc, chế nước sôi và thưởng thức! Xong xuôi lại xoáy ra vệ sinh rất đơn giản và dễ dàng.
Có một điều duy nhất khiến tôi băn khoăn khi lựa chọn món đồ pha chè tiện lợi kể trên, là tất cả đều… “made in China”. Dù thâm tâm muốn tìm được một món tương tự của Việt Nam, vì nó quá đơn giản, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác.
Và tất nhiên, cái món pha chè đó dùng rất tốt, dù nó là hàng Trung Quốc vốn bị nhiều người (trong đó có tôi) mang tâm lý tẩy chay…
Nội dung có phần dài dòng cho câu chuyện ước muốn được hiện thực hóa kể trên của tôi, cuối cùng cũng chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Một sản phẩm tưởng như nhỏ bé và vô cùng đơn giản nhưng lại phải cậy đến xuất xứ nước ngoài, trong khi một cơ sở bất kỳ của chúng ta đều có thể làm được.
Sự khác biệt đến từ đâu? Có lẽ bắt nguồn từ 2 chữ “sáng tạo”…
Khi ngồi nhâm nhi cốc chè chiều, tôi đọc được bài báo rất thú vị: Ở An Giang, có anh Ba Đạt là nông dân chính hiệu, nhưng lại tổ chức được một đội ngũ thợ rất lành nghề để làm điều khó tin.
Đó là cách xây cầu vượt sông “siêu tốc”, với cây cầu sắt vững chãi dài 22m, rộng 2m được nhóm của anh Ba Đạt lắp ráp trong vòng… 30 phút là thông xe. Chi phí xây cầu chỉ khoảng 30 triệu đồng, chưa bằng một nửa cầu treo dây văng và bằng 1/10 so cầu bê tông, nhưng thời gian sử dụng trên 20 năm.
Quả thực đây là một câu chuyện rất vui, nhưng đọc xong, tôi bỗng thấy có rất nhiều tiếc nuối, pha với đôi chút hoang mang.
Chuyện về những sáng chế của các anh nông dân vừa rẻ, vừa hiệu quả, không hề thiếu! Nhưng sau rất nhiều năm, nó chỉ dừng lại ở… sáng chế, còn việc đưa vào nhân rộng đại trà, làm thành một “thương hiệu”, một doanh nghiệp hoạt động đầy đủ dựa trên sáng tạo ban đầu lại vô cùng hiếm hoi.
Đấy có thể coi là một hình thức sáng tạo không có đất phát triển mà chúng ta đã nghe, đã gặp quá nhiều trong cuộc sống này. Một người anh sáng tạo trong lĩnh vực cơ khí đã đặt câu hỏi thế này với tôi: Sáng tạo xong thì nhân rộng thế nào? Tư duy và kỹ năng kinh doanh dựa trên sáng tạo đó mình không có! Cơ chế bảo vệ tài sản trí tuệ, bảo vệ thương hiệu còn lỏng lẻo, món của mình chạy tốt, rẻ, dễ lắp, ngày mai một loạt nhà khác bắt chước theo, đi kiện “chưa được vạ, má đã sưng”, chẳng thà cứ mua “đồ Tàu” cho nhanh, đỡ vất vả…
Sự tiếc nuối và hoang mang dành cho câu chuyện lắp cầu của nhóm anh Ba Đạt là bởi thế!
Mà cũng từ cơ chế “sáng tạo xong… không biết làm gì”, mà nhiều người Việt lẽ ra rất sáng tạo đã tự chôn vui thứ khả năng góp phần cho sự phát triển ấy, để ngậm ngùi chấp nhận các món hàng ngoại nhập có chi phí đắt đỏ gấp nhiều lần, hoặc chất lượng không như mong đợi.
Ngay dưới bài viết về nhóm làm cầu của anh Ba Đạt, đã có rất nhiều nhóm thiện nguyện có kế hoạch xây cầu cho vùng sâu, vùng xa mong muốn liên hệ để thực hiện dự án cho họ. Đó là một điều mừng…
Hy vọng sự sáng tạo ấy sẽ được dung dưỡng và phát huy đúng mực, để sức sáng tạo của người Việt như đốm lửa gặp… cồn và bùng cháy, thay vì dễ dàng chấp nhận rơi vào vũng nước như hiện nay.
Viết bài này, tôi lại mân mê món đồ inox pha chè nhỏ bé của mình, và nghĩ: Đâu chỉ những thứ to tát như xây cầu, cất nhà, mà chỉ thế này thôi, nếu có sáng tạo, chúng ta cũng đã làm được rất nhiều điều cho cuộc sống phát triển luôn đầy những mong muốn và nhu cầu.
Trung Hiếu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả