Bà Đỗ Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã, phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội chọi trâu Hải Lựu cho biết, những hộ kinh doanh muốn kinh doanh thịt trâu trong dịp lễ hội trên địa bàn xã phải đăng ký với chính quyền cơ sở để chính quyền quản lý về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Tuy nhiên, ở các địa phương giáp ranh như xã Đôn Nhân, Lãng Công... thì lãnh đạo xã Hải Lựu không quản lý được.
Một số người dân dựng lều bạt ven đường giáp ranh với xã Hải Lựu để bán thịt trâu. Những người này cho biết đây là thịt trâu thường chứ không phải trâu chọi. Giá cả có thể tăng hơn so với giá thị trường ở ngoài chợ.
Bà Đỗ Thị Mai cho biết, mặc dù BTC vận động chủ trâu không mổ thịt trâu chọi, tuy nhiên những "ông Cầu" bị thương trong quá trình thi đấu, không đảm bảo phục vụ được sản xuất thì các chủ trâu có thể "thanh lý". Riêng 4 "ông Cầu" đạt các giải nhất, nhì, ba thì sẽ được hiến tế theo phong tục cổ xưa.
"Những ki ốt bán thịt trâu trong bán kính 500m tính từ sới đấu mới đảm bảo là trâu chọi", bà Mai cho biết.
Cũng theo bà Mai, đến chiều ngày 2/3 (tức ngày 15 tháng Giêng) chưa có hộ dân nào trên địa bàn đăng ký với chính quyền việc giết mổ trâu bán. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Hải Lựu đã có một số hộ gia đình tập kết nhiều trâu để phục vụ cho việc giết mổ phục vụ du khách thập phương.
"Chính quyền địa phương phối hợp với tổ quản lý thị trường của huyện cách đây 2 tuần đã thông báo trên loa truyền thanh của xã yêu cầu các hộ đăng ký giết mổ trâu để bán trong dịp lễ hội này theo quy định, phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm", bà Mai chia sẻ.
Việc BTC cũng như sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc mới chỉ vận động tuyên truyền chủ trâu không giết thịt trâu chọi sẽ không chấm dứt được tình trạng xẻ thịt trâu chọi để bán trong dịp lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu năm nay.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.
Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu diễn ra vào ngày 16, 17 tháng Giêng hàng năm.