Facebook là mạng xã hội có lượng người dùng đông đảo nhất hiện nay. Mọi thông tin “thượng vàng hạ cám”, mọi hỉ nộ ái ố của người dùng dường như đều có mặt trên facebook. Những hình ảnh, lời nói, tâm trạng,... sau khi được đăng lên sẽ được mọi người ủng hộ bằng cách Like (thích) hoặc nhận xét (comment), chia sẻ (share) cho người khác trong vòng “luân chuyển” không hồi kết. Sử dụng miễn phí, chia sẻ thông tin rất nhanh, dễ dàng đăng ký và truy cập là những điểm mạnh của facebook.
Vì vậy không ai phủ nhận được mặt tích cực của facebook trong việc “kết nối cộng đồng”. Thế nhưng gần đây trên facebook nổi lên một trào lưu “câu Like” bằng mọi giá, làm mọi thứ để được Like, càng được nhiều người Like càng thích thú, tự hào. Số lượt Like được xem là “đẳng cấp” của nhiều bạn trẻ trong thế giới ảo này.
Có nhiều cách nhận Like của người khác, từ đơn giản như khoe áo đẹp, xe đẹp, món ăn ngon, nhà cửa, ảnh tự chụp (dân mạng gọi là ảnh “tự sướng”) đến khoe những hình ảnh sốc, những câu nói lạ, những chuyện “giật gân” trên báo chí. Đặc biệt gần đây rộ lên hình thức kiếm Like qua lời thách đố - hễ đủ Like thì làm.
Một thanh niên bỗng dưng đưa ra điều kiện với cộng đồng mạng trên facebook: “Nếu nhận đủ 40 nghìn like sẽ dùng xăng tự thiêu”. Một thanh niên khác thì thách: “Đủ 60 nghìn like, 15 nghìn share sẽ mặc quần lót nhảy xuống sông và uống hết một ca nước sông”. Táo bạo hơn, một nữ sinh tuyên bố: “7 nghìn like, 77 bình luận, 777 share thì mình sẽ không mặc gì chạy 7 vòng quanh trường”. Một nam sinh khác cũng hưởng ứng mạnh với lời hứa tương tự: “đủ 100 nghìn like, sẽ post (đăng) lên mạngclip quan hệ sắc nét”. Sốc hơn nữa, một nữ sinh THCS ở Khánh Hòa “dọa”: “Nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường”!
Tưởng chỉ là khẩu khí, đùa cho vui, nào ngờ cộng đồng mạng hưởng ứng rất mạnh. Sau khi “lời tuyên bố” được chia sẻ, số lượt Like đã lên đến đủ con số “thách đấu”. Vậy là để thể hiện bản lĩnh của mình, khi nhận được hơn 40 nghìn Like, một thanh niên 9x ở TP.HCM đã đứng trên cầu, tẩm xăng vào người và ... châm lửa, may thay ngay sau đó thanh niên này đã nhảy xuống dòng nước để kịp thoát “lưỡi hái của tử thần”.
Điều đáng nói là khi thanh niên này thực hiện, rất nhiều người đến chứng kiến và quay clip để đăng lên facebook. Cậu ta tự đắc rằng mình “Nói là làm!”, ý kiến được nhiều thành viên khác ủng hộ và lấy đó làm gương, làm chuẩn cho mẫu hình “thanh niên cứng”.
Chính vì vậy mà một nữ sinh lớp 8 ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, người từng hứa “nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường mình đang học”, sau khi đã đủ Like, nữ sinh này dù không muốn nhưng vì bạn bè thúc ép, gây áp lực nên đã tưới xăng đốt trường thật. Hậu quả là một góc phòng y tế của trường bị cháy (dù sau đó đã được những học sinh khác dập lửa kịp thời), còn nữ sinh ấy bị bỏng 2 chân.
Vậy ta thấy gì từ phong trào “Đủ like là làm” này? Trước hết đó là xu hướng lệch lạc trong suy nghĩ rất nông cạn của giới trẻ. Chẳng lẽ hết cái để thể hiện mình rồi nên một số thanh niên mới chọn cách đó? Muốn chơi ngông, trở thành người nổi tiếng như vậy rất rẻ tiền. Đem mấy nghìn lượt Like đó để đổi cả tính mạng của mình, thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật (như chuyện nữ sinh đốt trường nói trên).
Rồi đây sẽ còn bao nhiêu chuyện “Đủ Like thì làm” tương tự bi hài vì những lượt Like ảo, vô tâm, vô tình như thế? Trong trường hợp này, Like không chỉ là ủng hộ mà còn để “xem thử mày làm thế nào”, “có dám không”, “có giữ lời không”. Nếu không có những bạn trẻ có sở thích méo mó, sẽ không có những cái Like như thế. Ngược lại nếu không có sự hiếu kỳ, a dua vô tình hoặc cố ý “châm dầu vào lửa” sẽ không có hiện tượng những bạn trẻ làm liều, làm quấy.
Một chục nghìn Like trên mạng xã hội có đáng gì vì đó là Like ảo, người ta Like vì mình làm trò hề cho họ vui mắt trong chốc lát, chứ chưa chắc đủ “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Mâu thuẫn với gia đình, có người đã đốt xe máy để quay clip, đưa lên facebook. Không ít thanh niên không có tài cán gì ngoài chửi, vừa chửi vừa ghi hình để đẩy lên facebook, kiếm lượt Like của thiên hạ, xem đó là cái thú tiêu khiển của mình.
Lạ lùng thay, cộng đồng mạng tôn họ là “thánh chửi”, “đại ca” với không ít lời tán đồng, khen lấy khen để, thậm chí xin được làm ... đệ tử. Hễ ai chê, nói không tốt về “đại ca”, tức thì các “đệ tử” này lên tiếng bênh vực, chửi mắng thậm tệ, thậm chí còn đe dọa cắt cổ, cắt họng.
Những đám nam nữ thanh niên đánh người, vừa đánh vừa làm nhục như lột áo, cắt tóc ... là những dịp để nhiều bạn trẻ thỏa sức quay clip, đưa lên facebook hòng câu Like.
Lại có những người tung những tin đồn thất thiệt “bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng”, “bắt được nàng tiên cá”, “cầu bị sập”, “ma nhập”, “quỷ ám”... để mượn cớ câu Like.
Những cái Like vô tình và sở thích lệch lạc của một bộ phận giới trẻ hiện nay là biểu hiện cho sự lạnh lùng, vô cảm thật đáng báo động. Xin đừng nói đến “lý tưởng”, “khát vọng” cao siêu xa vời, chỉ riêng về xu hướng giải trí đã thấy có gì lệch lạc, méo mó về thẩm mỹ của họ.
Xuân Chiến
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả