Chuyện về một nữ chủ tịch huyện bị mất 170 tỷ không nằm ngoài dự đoán của tôi. Đó là, tiền ở đâu mà ra? Làm công chức huyện mà giàu thế sao? Vì đây chỉ là tài khoản ngân hàng thôi, chưa nói đến những loại tài sản khác. Vậy thì tài sản thực có lẽ còn nhiều hơn thế rất nhiều?
Ngày biết tin bà bị lừa 170 tỷ, tôi nói với một người anh, rằng có khi dễ bị điều tra tài sản. Và đúng như vậy, ngày 15/6 vừa qua, bà bị cách chức, vì lý do không trung thực trong kê khai tài sản. Bởi, một người công chức huyện bị mất một số tiền lớn như vậy, chắc chắn sẽ có vô số câu hỏi từ khắp nơi.
Ngày nay, với sự thành công của nhiều cá nhân, nhất là về tiền bạc, ít nhiều tác động đến những người khác, tích cực cũng có, tiêu cực cũng có.
Chủ nghĩa tư bản đề cao thành công cá nhân, tài sản cá nhân, tư hữu. Con người, xét về mặt bản năng là ước muốn sở hữu, nhưng cái ước muốn ở đây, có thể là không có điểm dừng. Vì ngoài tư tưởng muốn sở hữu, thì con người còn có khát vọng muốn mình hơn người khác, nghĩa là ước muốn vượt trội.
Xét trên bình diện tích cực, chính ước muốn sở hữu và khao khát vượt trội giúp con người có động lực vươn lên, tạo nên những kỳ tích lớn, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Nếu đó là sự vươn lên chân chính, vừa có lợi cho bản thân vừa có lợi cho cộng đồng.
Xét trên bình diện tiêu cực, những yếu tố bản năng kia dễ làm con người rơi vào chủ nghĩa vị kỷ, sống và làm việc chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân, bỏ qua mọi lợi ích khác. Điều này, vô tình đem lại cho xã hội những hệ lụy không đáng có. Và đôi khi, cái giá phải trả cho những ước muốn và khao khát kia là rất lớn, không thể nào cứu vãn được.
Chủ nghĩa tư bản, ngoài việc đem lại lợi ích cho xã hội là nâng cao chất lượng vật chất đời sống con người, nhưng nó còn là nguyên nhân dẫn đến xung đột văn hóa, chiến tranh thế giới, và tàn phá thiên nhiên. Mà nguyên nhân cốt lõi, có lẽ là tư tưởng muốn vươn lên dẫn đầu.
Vì muốn vươn lên, vượt lên, nên nhiều người đã phạm phải những sai lầm, mà có khi sau này ân hận thì đã không còn kịp.
Người anh nghe tôi chia sẻ về vụ án 170 tỷ kia, là một người công nhân lái xe lu. Anh ở trọ gần phòng tôi, nên thi thoảng anh em vẫn hay đi bộ nơi công viên, vào buổi tối. Con số 170 tỷ đồng kia, đối với anh, là tài sản của cả dòng họ cộng lại còn không đủ. Và thú thực, với tôi cũng không ngoại lệ.
Ở quê, tài sản của một hộ gia đình, người nhiều thì năm bảy tỷ, người ít chỉ một hai tỷ, có người chẳng có gì, thì lấy đâu ra con số hàng trăm tỷ đồng? Bởi vậy, chủ nghĩa tư bản ngoài đem đến những lợi ích nhất định, thì nó còn đem đến sự phân hóa giàu nghèo kinh khủng.
Theo thống kê sơ bộ, tỉ lệ người giàu nắm tài sản của toàn cầu ngày càng chiếm tỉ lệ phần trăm lớn, họ chỉ chiếm một số ít phần trăm dân số nhưng sở hữu phần trăm tài sản rất nhiều. Phần còn lại là những người nghèo, chiếm phần trăm lớn, nhưng sỡ hữu phần trăm tài sản rất ít.
Nói vậy, để thấy rằng, cuộc sống hiện đại ngày nay, bên cạnh mặt tốt là mang đến cho con người nhiều cơ hội để vươn lên, phát triển cá nhân, thì còn nhiều mặt xấu, mà phân hóa giàu nghèo là một trong những mặt xấu đó.
Cá nhân tôi, mặc dù không mang sẵn trong mình tư tưởng hơn thua, đố kị, hay cố gắng để trở thành “số một”. Nhưng quan điểm sống của tôi là phải luôn biết hướng về phía trước, luôn nhìn lên những “tấm gương”, những “điển hình” để cố gắng cho bằng người nọ người kia.
Cũng bởi vì khao khát đó, nên khi trò chuyện cùng anh, tôi thường hay kể về những thành tựu, những “điều tích cực” trong cuộc sống, nghĩa là tôi chỉ thường nói về những người thành công. Bởi thế, thi thoảng anh hay nói tôi là “đừng mãi ngước lên cao”.
Với công việc làm nghề xe lu của mình, đi hết công trường này đến công trường nọ, nên anh gặp gỡ bao nhiêu người, nhiều hoàn cảnh nghèo khó đến mức anh không tưởng tượng được. Nhiều người nghèo, không có tài sản gì ngoài căn nhà cấp bốn lụp xụp. Đương nhiên, họ có đất, nhưng đất những vùng xa xôi hẻo lánh đó, thì giá bao nhiêu? Tất cả đất đai họ có, đâu bằng một mét đất ở thành phố lớn?
Anh hay bảo tôi: Sống đừng mãi ngước lên, mà phải biết nhìn xuống để thấy mình còn may mắn hơn bao người.
Có thể, do tôi tuổi còn trẻ, nên việc luôn nghĩ về những hoài bão lớn, những khát vọng về sự thành công, thành tựu, là điều tất yếu. Nếu như tôi không như vậy, thì có lẽ tôi không đủ nghị lực để vượt qua bao nhiêu khó khăn, để có được như hiện tại.
Mặc dù, so với nhiều người, tôi không có gì đáng kể, nhưng với rất nhiều người khác, điều kiện của tôi là mơ ước của họ. Cuộc sống hiện tại của tôi, là nhờ ở sự vươn lên không mệt mỏi của bản thân, cũng đôi lần thất bại, nhưng tôi đã cố gắng hết sức để đạt được kết quả như mình kỳ vọng.
Xuất thân trong hoàn cảnh nghèo khó, khiếm khuyết về bao nhiêu điều, tôi đã cố gắng tu dưỡng và phấn đấu không ngừng, để có được tri thức và khả năng như hiện tại. Nhưng tôi còn muốn vươn cao và vươn xa hơn nữa. Nên khi đi bộ cùng anh, lúc nào tôi cũng nói về những ước mơ, khát vọng, những cái tôi khao khát chinh phục. Đương nhiên, nếu tôi thành công, thì giá trị tôi nhận được là rất lớn.
Tôi ít, hoặc không bao giờ nhìn về hướng “tiêu cực”, “cúi nhìn xuống” những người ở dưới đáy xã hội. Điều đó làm cho tôi tập trung hơn, trong hành trình vươn lên của chính mình.
Rồi một hôm tôi nhận ra, có lẽ anh nói đúng, tôi không nên mãi chỉ biết nhìn về những người thành công thành đạt như vậy. Bởi cuộc sống này, đâu phải ai cũng may mắn. Đâu phải ai cũng giàu có và hạnh phúc? Đâu phải ai cũng có 170 tỷ để bị lừa? Cuộc sống này, còn nhiều người khó khăn lắm. Đừng mãi ngước lên cao!...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả