Sử dụng tia vũ trụ trong khảo cổ là khái niệm đã có từ những năm 1960. Các nhà khoa học phát hiện tia vũ trụ va chạm với phân tử trong không khí và tạo ra loại hạt gọi là muon, có thể đâm xuyên qua gần như bất cứ thứ gì.
Bằng cách so sánh số lượng hạt muon mà máy dò thu được từ nhiều góc khác nhau, nhóm khảo cổ có thể tìm ra những cấu trúc rỗng như hầm mộ ẩn giấu hoặc lối đi trong tòa nhà. Nhưng ý tưởng này chủ yếu vẫn mang tính giả thuyết bởi hạt muon không dễ phát hiện. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học phải dựa vào thiết bị to bằng cả căn phòng nên việc ứng dụng vào thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn.
Vài năm gần đây, nhờ bước tiến của công nghệ, kích thước các máy dò tia vũ trụ đã thu nhỏ đáng kể và được sử dụng rộng rãi trong công tác khảo cổ. Năm 2017, một nhóm khảo cổ Ai Cập đã sử dụng máy dò tia vũ trụ, phát hiện căn phòng dài 30m trong Đại kim tự tháp 4.500 năm tuổi.
Theo SCMP, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đề xuất sử dụng thiết bị tương tự để khám phá cấu trúc bên dưới lòng đất của lăng mộ Tần Thủy Hoàng, từ đó có thể xác định nơi đặt thi hài hoàng đế.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được xây dựng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Hàng trăm nghìn nhân công đã tham gia xây lăng mộ trong gần 4 thập kỷ và hoàn thành vào khoảng năm 208 trước Công nguyên, theo ghi chép của sử gia nhà Hán, Tư Mã Thiên. Với tổng diện tích lớn gấp 70 lần Tử Cấm Thành, đây là lăng mộ cá nhân lớn nhất thế giới.
Ngày nay, các công trình ở phía trên không còn tồn tại nhưng lăng mộ ngầm dưới lòng đất được cho là vẫn nguyên vẹn trong hơn 2.000 năm. Một số nhà khảo cổ học cho rằng, hầm mộ trung tâm chứa quan tài hoàng đế và những báu vật quý giá nhất chưa bị xáo trộn sau khi họ kiểm tra toàn bộ khu vực và không phát hiện lỗ hổng nào chứng tỏ những kẻ trộm mộ từng đột nhập.
Trong một nghiên cứu do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, các nhà khoa học đề xuất sử dụng ít nhất 2 máy dò tia vũ trụ ở vị trí khác nhau cách mặt đất gần 100m. Thiết bị kích cỡ tương đương chiếc máy giặt có thể phát hiện hạt hạ nguyên tử có nguồn gốc vũ trụ đâm xuống đất.
Dữ liệu từ nghiên cứu sẽ cho phép các chuyên gia xác định cấu trúc ẩn không thể quan sát bằng những phương pháp khác với độ chi tiết cao, Giáo sư Liu Yuanyuan và cộng sự đến từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói.
Vào những năm 1970, giới nghiên cứu từng tìm thấy hơn 8.000 chiến binh đất nung, đội quân bảo vệ hoàng đế ở thế giới bên kia, trong nghĩa trang, chôn ở hố đất cách xa trung tâm ngôi mộ. Các nhà khảo cổ sau đó xác nhận sự tồn tại của một cung điện dưới lòng đất cao hơn 30m. Họ cũng phát hiện bằng chứng phù hợp với những mô tả của Tư Mã Thiên về các dòng nước chứa đầy thủy ngân để mô phỏng hệ thống sông lớn của Trung Quốc và biển cả. Nhưng những ghi chép của Tư Mã Thiên về các loại bẫy trong lăng mộ cho đến nay chưa được kiểm chứng.
Yang Dikun, trợ lý giáo sư địa vật lý ở Đại học Khoa học và Công nghệ miền nam tại Thâm Quyến, đánh giá sử dụng tia vũ trụ để khám phá lăng mộ Tần Thủy Hoàng là bước đi đúng đắn. Các phương pháp khám phá khác bằng tín hiệu điện từ hay radar xuyên lòng đất không khả thi trong trường hợp này.
Tuy nhiên, phương pháp sử dụng tia vũ trụ cũng đi kèm một số thách thức. Máy dò phải được đặt ở độ sâu phù hợp mà không ảnh hưởng tới cung điện ngầm.
Được biết lăng mộ Tần Thủy Hoàng và một số lăng mộ hoàng đế khác thuộc diện cấm xâm phạm, không được làm ảnh hưởng đến cấu trúc bên trong.
Những năm 1950, các nhà khảo cổ Trung Quốc vội mở lăng mộ một hoàng đế nhà Minh và chứng kiến cảnh các hiện vật giá trị như vải vóc và giấy, phân hủy ngay khi tiếp xúc với không khí. Kể từ đó, các khu lăng mộ mang ý nghĩa quốc gia bị cấm xâm phạm, không được phép khai quật.
Bên cạnh đó, khác với những cách phát hiện có thể cho kết quả gần như ngay lập tức, máy dò muon phải hoạt động tại chỗ đủ lâu để thu thập đủ hạt phục vụ phân tích. Mô phỏng máy tính do nhóm của Giáo sư Liu tiến hành cho thấy cần 1 năm để thu thập đủ dữ liệu nhằm tạo ra hình ảnh rõ nét.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Dân Việt)