Hiện Unilever với ba nhãn hiệu bột giặt quen thuộc là Omo, Viso và Surf đang bán trên thị trường. Không kém cạnh, Tập đoàn P&G cũng sở hữu bộ ba “sừng sỏ” gồm Tide, Ariel, Downy.
Diva Mỹ Linh và hình quảng cáo cho một hãng bột giặt
Bột giặt Tide vẫn được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Omo từ trước đến nay. Tide được xem như là một “nhãn hiệu giặt tẩy ưa thích tại Mỹ”, với khẩu hiệu “Tide trắng sáng”, “Ngạc nhiên chưa?”, Tide đã để lại nhiều ấn tượng cho người tiêu dùng Việt Nam. Vừa qua, P&G nghiên cứu sản phẩm mới và tung ra thị trường bột giặt Ariel.
Ariel “oanh tạc” trên hàng loạt kênh truyền hình và không ngần ngại dùng chiêu “dìm hàng” đối thủ. “Đại sứ” của thương hiệu này chính là cô ca sỹ Mỹ Linh. Và, nàng diva nổi tiếng trong giới showbiz đã không ngần ngại công kích sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Trong một clip quảng cáo vẫn được phát đi phát lại trên truyền hình lâu nay, Mỹ Linh tiếp cận một bà nội trợ trong siêu thị và hỏi về sản phẩm bột giặt trong giỏ mua hàng của chị này. Cô hỏi: “Bột giặt chị đang dùng có hiệu quả không?”. Bà nội trợ vô danh khẳng định là thực sự hiệu quả và đã dùng nhiều năm nay. Ngay lập tức Mỹ Linh đã gạt phắt đi và khẳng định: “Chị hãy dùng Ariel mới tốt hơn”!.
Xuất hiện trong clip, gói bột giặt bị nàng ca sĩ hắt hủi dù đã được làm mờ vẫn lồ lộ chữ xanh trên nền đỏ quen thuộc - đặc điểm nhận dạng mà nhiều người tin rằng “nguyên mẫu” không phải ai khác chính là Omo.
Gói bột giặt bị “dìm hàng” được đánh giá là dù “ngâm, vò, chà mạnh” nhưng vẫn không làm sạch tấm vải. Trong khi đó Ariel chỉ cần nhúng qua và vò bằng tay đã trắng sáng đến mức không tưởng.
Chị Lê Ngọc Mai ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, khi xem quảng cáo đó, người nội trợ như chúng tôi cũng đủ thông minh để biết họ muốn ám chỉ điều gì.
'Vấn đề là chất lượng sản phẩm thôi, chứ mấy quảng cáo đó ai mà quan tâm. Đừng nên coi thường người tiêu dùng', chị Mai bày tỏ.
Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu không khỏi bức xúc trước cách làm của các doanh nghiệp cũng như của cơ quan truyền thông.
Ông Bảo nói trên báo Pháp luật Việt Nam, trong trường hợp như vậy nhà đài “thiếu trách nhiệm” trong vấn đề quảng bá. “Người làm truyền thông không quan tâm đến nội dung truyền thông. Người có chức năng xử lý nội dung thì không để ý nội dung truyền thông và coi như không phải việc của mình”, vị này nhận xét.
Ông Lê Thế Bảo cho rằng bản thân người được mời làm quảng cáo cũng có thể không biết rằng họ đã vô tình nói xấu sản phẩm của đối phương. Vì vậy, khi được mời làm đại sứ, những người nổi tiếng cũng cần “đọc qua” pháp luật về cạnh tranh và quảng cáo, ngoài việc chỉ nghĩ đến diễn sao cho tốt, cho đúng kịch bản.
Trong 10 hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh, Luật đã định rõ hành vi “Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh”. Điều 45 Luật này nghiêm cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo mà so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn…
Hà Anh