Mới đây, tại Đà Nẵng nhiều người lại bàn về mối quan hệ giữa luật sư với các cơ quan tố tụng. Có người ngại luật sư vào sớm từ giai đoạn điều tra vì sẽ làm “rách việc” cho cơ quan tố tụng.
Những người nghĩ như thế vì họ cho rằng những người hành nghề “thầy cãi” chỉ có nhiệm vụ “gỡ tội”. Trong giới luật sư, không ít người cũng cho rằng đã là luật sư thì luôn luôn đứng về phía bị can, bị cáo. Tức là những gì không có lợi cho bị can, bị cáo thì không được nói, không được làm. Có luật sư còn tung lên mạng xã hội rằng luật sư không “bào” mà “đắp” là vi phạm đạo đức nghề nghiệp… Liệu rằng những suy nghĩ như thế có đúng?
Nhìn lại, ở ta nghề luật sư có từ trước năm 1930 nhưng vào thời kỳ này người Pháp độc quyền trong hành nghề luật sư. Đến năm 1930 thực dân Pháp tổ chức Hội đồng luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn. Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945 tổ chức đoàn thể luật sư… trải qua nhiều thăng trầm, đến giờ tổ chức nghề nghiệp của luật sư mới được khẳng định và hoạt động của luật sư mới có vị thế trong xã hội.
Đọc thêm>>> ‘Người đốt TTTM Hải Dương có thể phải ngồi tù chung thân’
Tuy nhiên, hoạt động nghề nghiệp của luật sư cũng còn nhiều bất cập; luật sư chủ yếu được nhắc đến qua các phiên tòa hình sự như là người bào chữa cho bị cáo; luật sư hành nghề chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư, còn ở các địa phương vùng sâu, vùng xa hầu như rất ít phiên tòa có luật sư tham gia. Hiện giới luật sư chỉ mới quan tâm đến chức năng bào chữa cho bị can, bị cáo; có bị cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng làm khó hay không… chứ ít luật sư quan tâm, đề cập đến chức năng bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự hoặc đương sự trong vụ án dân sự.
Ảnh minh họa
Khi bảo vệ cho người bị hại trong vụ án hình sự, luật sư không thể gỡ tội cho bị cáo, mà ngược lại luật sư phải đưa ra các chứng cứ buộc tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các thiệt hại vật chất và tinh thần mà bị cáo gây ra cho người bị hại. Vì vậy, luật sư không chỉ có nhiệm vụ “gỡ tội” mà còn góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người bị hại. Muốn thực hiện được chức năng nhiệm vụ này thì không còn cách nào khác là khi bào chữa thì gỡ tội, còn khi bảo vệ người bị hại thì phải buộc tội. Nhiều nước trên thế giới theo mô hình tố tụng tranh tụng còn có luật sư “buộc tội” do công tố viên thuê theo từng vụ việc.
Luật sư không chỉ gỡ tội hay buộc tội mà còn tham gia các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, giảng dạy ở các trường đại học; có luật sư viết báo, sách trao đổi, tranh luận những vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật. Khi tham gia các hoạt động này, luật sư đưa ra những quan điểm khác nhau mà không bị ràng buộc ở chức năng, nhiệm vụ khi hành nghề luật sư (bào chữa cho bị cáo hay bảo vệ quyền lợi của đương sự). Do đó, không nên cho rằng những quan điểm của luật sư khi bình luận khoa học, khi viết sách, viết báo phải phù hợp với quan điểm bào chữa cho bị cáo hay bảo vệ quyền lợi của đương sự trong một vụ án cụ thể mà luật sư đó tham gia.
Tóm lại nghề luật sư không phải chỉ có gỡ tội mà có cả buộc tội, tùy thuộc vào hợp đồng dịch vụ pháp lý mà thân chủ của mình là ai. Cùng một sự việc nhưng nếu luật sư tham gia tố tụng với tư cách khác nhau sẽ có ý kiến khác nhau. Đặc thù của nghề luật sư là vậy nên đừng nói “miệng lưỡi luật sư” mà “oan” cho họ.
Theo Đinh Văn Quế (Pháp luật TP HCM)