Liên quan đến phương án nạo vét, cải tạo môi trường nước Hồ Gươm (Hà Nội), thông tin tại buổi họp giao ban Thành ủy, lãnh đạo công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ dùng công nghệ xử lý nước giếng khoan ở độ sâu 70m để cải tạo nước Hồ Gươm.
Cụ thể, ông Võ Tiên Hùng, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nói: "Công ty đang phối họp với đại học Mỏ Địa chất và các đơn vị khác thăm dò nước dưới đất tại khu vực Hồ Gươm; đồng thời, đã làm việc với các đơn vị về công nghệ và phương án thực hiện xử lý nước giếng khoan bằng công nghệ lọc của Đức".
Theo đó, lực lượng chức năng thực hiện khoan giếng với đường kính D=168mm, sâu 7Om tại khu vực phố Hàng Khay. Việc tiến hành nạo vét bùn và cải thiện môi trường nước hồ sẽ được thực hiện với toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5.60m để đảm bảo không bị sạt lở kè xung quanh, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7,0m, khối lượng dự kiến khoảng 57.400m3 bùn.
Sau khi tiến hành nạo vét được khoảng 3-4 tháng, công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước để có phương án xử lý, duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C.
Trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh việc dùng nước giếng khoan cải tạo Hồ Gươm có làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong đó có các loại tảo, cá thể sinh vật hoặc giữ được màu xanh nước nguyên thủy? Ông Hùng cam kết, phương án phân vùng nạo vét không ảnh hưởng đến hệ thủy sinh, nạo vét từ từ không xáo trộn và không làm cho hệ sinh thái thay đổi đột biến.
“Bổ cập nước dùng nước giếng khoan ở độ sâu 70m, công nghệ lọc đảm bảo nước mặt. Việc bổ cập từ từ và phải có trao đổi nước vào, ra. Với phương pháp đã được xác định, chất lượng nước đầu vào sẽ được đảm bảo; đối với nước ra có hệ thống thoát cho từ từ để không ảnh hưởng hệ sinh thái, đặc biệt không để hồ nước tù”, ông Hùng nói và khẳng định đảm bảo trả lại mặt hồ Hoàn Kiếm xanh, trong.
Việc nạo vét hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện từ 1/12/2017 đến 7/2/2018 với kinh phí 29 tỷ đồng.