Việc bố cấp trưởng bổ nhiệm con làm cấp phó, chồng cấp trưởng bổ nhiệm vợ cấp phó, anh em cọc chèo cùng làm “quan huyện”… đều đúng quy trình. Nhưng dư luận vẫn râm ran cho rằng như vậy là không thỏa đáng và đặt dấu hỏi, quy trình là gì? Thế nào là đúng quy trình? Đúng quy trình mà dư luận bức xúc thì có cần thay đổi quy trình không?
Những vấn đề này đã được lãnh đạo Bộ Nội vụ giải đáp một cách thẳng thắn với báo chí.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về vấn đề tuyển chọn lãnh đạo quản lý là bất cứ cơ quan đơn vị nào khi triển khai bổ sung, giới thiệu, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo đều phải thực hiện theo đúng quy định.
Các quy định bao gồm: Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và thủ tục. Dứt khoát tuyển dụng phải làm qua các bước đó. Do vậy, các cơ quan thanh tra, kiểm tra khi kiểm tra lại các trường hợp bổ nhiệm đều phải bám vào những tiêu chí đầu tiên này.
Thế còn, đúng quy trình rồi nhưng có đảm bảo được chất lượng hay không lại là câu chuyện khác. Đúng quy trình nhưng còn liên quan, phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò của tập thể cấp ủy.
Ví dụ, khi được tuyển chọn, bổ nhiệm vào vị trí mà không làm việc được thì phải ra đi, nhường chỗ cho người khác. Chúng ta phải có cơ chế đào thải. Hiện nay, chúng ta đã có trong Luật Cán bộ công chức quy định về từ chức, miễn nhiệm, nhưng còn vấn đề tự giác.
Theo tôi, còn phải bổ sung thêm một số giải pháp khác, ví dụ như: Người đứng đầu hoặc lãnh đạo cơ quan thấy người đó không làm được việc thì phải họp cấp ủy để bàn cách miễn nhiệm chức vụ, tìm người khác đáp ứng được hơn để đưa vào”.
“Báo chí, mạng xã hội gần đây có nhiều đánh giá về cụm từ “đúng quy trình”, nhưng chúng tôi cũng rất chạnh lòng bởi không có cơ hội để giải thích thế nào là đúng quy trình.
Đúng quy trình là đúng pháp luật, đúng các quy định của Đảng. Còn chất lượng như thế nào là trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy khi lựa chọn.
Giống như việc đi thi vào đại học, phải có thẻ dự thi, phải làm bài nhưng chất lượng câu hỏi và chất lượng chấm bài như thế nào…”, vị Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đánh giá cao và trân trọng báo chí phát hiện những trường hợp như trên. Bộ sẽ tiếp tục đưa giải pháp hoàn thiện hơn để tuyển chọn người xứng đáng, hạn chế vấn đề bè cánh, lợi ích nhóm, hoặc tiêu cực trong công tác tuyển chọn lãnh đạo quản lý.
Cũng theo vị Thứ trưởng, Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án về đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý, đã trình Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị thông qua. Sau khi thống nhất, Bộ Nội vụ đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Chính phủ để cho thực hiện đề án này.
Theo những nét đổi mới của đề án lần này, người ứng cử vào vị trí lãnh đạo quản lý phải trình bày chương trình hành động, thậm chí phải có bài đánh giá năng lực kiến thức của mình, trách nhiệm người đứng đầu được đề cao, phải có trách nhiệm của người tiến cử….
“Đây là vấn đề khó, phải có sự phối hợp, không riêng Bộ Nội vụ mà còn là các cơ quan của Đảng và Chính phủ, các phương tiện thông tin truyền thông”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.
Dương Thu (ghi)