Những năm gần đây, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nổi lên như một “hiện tượng du lịch” thu hút khá nhiều du khách bởi sự hoang sơ và không khí trong lành. Tuy nhiên, gắn liền với việc phát triển du lịch luôn là những bất cập về môi trường. Sự thật là hiện nay, ngoài những phong cảnh hùng vĩ, lãng mạn, ngoài những dòng nước biển trong xanh, những ghềnh đá rêu phong thì Lý Sơn còn “gây ấn tượng” với du khách bằng những “bãi rác khổng lồ” ven biển do thói quen xả rác của người dân và sự “tiện tay” của du khách.
Có lẽ nắm bắt được thực trạng môi trường đó nên vừa qua, UBND huyện Lý Sơn đã chủ trương lắp hàng rào chắn quanh bãi Hang Cau, chỉ chừa lại một cổng vào duy nhất và bên cổng có gắn thông báo: “UBND huyện Lý Sơn – Điểm thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường 20.000 đ/ trên du khách – (không thu đối với người dân địa phương)”.
Việc “bất chợt” thu phí nói trên khiến cho không chỉ du khách mà cả những người dân địa phương cũng vô cùng bức xúc. Không bức xúc sao được khi trong suy nghĩ của nhiều người, họ đến vùng đất này đồng nghĩa với việc đã đóng góp một phần “phí môi trường” trong các chi phí du lịch (ăn, nghỉ, đi lại...). Không bức xúc sao được khi giữa một cảnh đẹp nguyên sơ, lãng mạn như một bức tranh, giữa niềm tự hào của người dân huyện đảo lại tự nhiên "mọc" lên một hàng rào như… tấm quây chuồng gà.
Có thể thấy, chủ trương “quây rào”, thu phí của UBND huyện cũng chỉ nhằm phục vụ mục đích tốt – bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Nhưng dường như cách làm của huyện đảo Lý Sơn chưa thực sự phù hợp.
Nếu UBND huyện Lý Sơn luôn lo lắng rằng cảnh quan hoang sơ của hòn đảo sẽ bị “băm nát” bởi rác thải, bởi sự vô ý thức của những du khách thì dường như chính việc “quây rào” của họ lại là hành động “gậy ông đập lưng ông”.
Rác thải của du khách còn chưa kịp “bóp méo” cảnh quan thì hàng rào gỗ mà UBND huyện dựng lên đã “phá nát” mọi sự hữu tình của địa danh này. Bãi cát trắng phau, dài hun hút về phía biển bị giới hạn bởi những cọc gỗ khô khan, sự thuần khiết của tự nhiên bỗng dưng trở nên “vấy bẩn” bởi những thứ kệch cỡm.
Đó là chưa kể đến việc thu phí nói trên dễ tạo ra tâm lý “đằng nào cũng mất tiền” trong tư tưởng của nhiều du khách. Không ít người nghĩ rằng cứ bỏ ra vài chục nghìn để vào cửa thì họ có quyền phá tới bến. Thế nên mới có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khi các bạn trẻ “nhẫn tâm” phá nát vườn hoa chỉ vì bị thu 10.000 đồng.
Và chắc chắn với ý thức du lịch như vậy thì hòn đảo xinh xắn Lý Sơn cũng khó thoát khỏi “cái kết” như những vườn hoa cải ở Mộc Châu khi áp dụng hình thức thu phí vào cửa.
Thiết nghĩ, với mục đích tốt là bảo vệ cảnh quan, môi trường, thay vì quây rào, thu tiền một cách bắt buộc với du khách thì UBND huyện Lý Sơn nên khéo léo hơn để kích thích ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch. Hoặc huyện có thể khai thác nhiều hình thức dịch vụ hơn để “thu phí” môi trường của du khách một cách hợp lý và hiệu quả.
Bởi chỉ khi du khách vui vẻ, tự nguyện rút hầu bao thì khi ấy du lịch mới mang tính bền vững, không chộp giật.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả