Người "vác tù và hàng tổng"
Sở dĩ sau mấy lần liên hệ chúng tôi mới gặp được ông Tiêu Văn Tấn vì ông mới đi Campuchia tìm mộ đồng đội về, chuyến đi dài 40 ngày tại khu vực cửa khẩu Hà Tiên và Mộc Bài. Trong chuyến đi này, ông đã tìm được 270 bộ hài cốt liệt sĩ và những ngày này ông khá bận để chuẩn bị hành trình tiếp theo về tận nơi báo tin cho gia đình liệt sĩ.
Ông Tấn rất quý chiếc xe đạp - người bạn đồng hành với ông đi tìm mộ đồng đội
Trong căn hộ chỉ chừng 30m2 trên tầng 2 khu tập thể Binh đoàn 11 trên phố Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), ông Tấn dành riêng một góc để chiếc xe đạp Thống Nhất đã theo ông suốt mấy chục năm qua mà ông quý hơn… vàng. Khí phách và cái "chất lính" ngay thẳng, nói được làm được là ấn tượng đầu tiên mà người đối diện cảm nhận khi tiếp xúc với ông.
Không dài dòng, ông nói thẳng lý lịch trích ngang: Ông sinh năm 1947 tại xã Cẩm Chế (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Năm 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ thuộc Sư đoàn 320, chiến đấu tại chiến trường Đường 9, Khe Sanh (Quảng Trị). Năm 1970, ông bị thương nặng phải chuyển về tuyến sau điều trị, hồi phục sức khỏe, ông chuyển về Tổng cục hậu cần công tác. Vết thương tái phát do mảnh đạn pháo găm trên lưng, ngày đêm hành hạ nên năm 1992 ông xin nghỉ hưu sớm.
Trở về với đời thường, thời gian này khiến ông Tấn bắt đầu nghĩ nhiều về những người đồng đội, từng kề vai sát cánh trong những trận đánh ác liệt. Ông thấy mình may mắn hơn bao đồng đội khác dù vết thương trong mình khi trái gió trở trời vẫn hành hạ. Nhưng hơn hết, trong sâu thẳm trái tim ông luôn tâm niệm phải làm điều gì đó cho những đồng đội đã ngã xuống. Cái duyên đưa đẩy và gắn ông với công việc "vác tù và hàng tổng" tìm mộ liệt sĩ là vào đầu năm 1996.
Một lần về quê, ông được biết người đồng đội Nguyễn Văn Tân cùng xã đã hy sinh nhưng chưa đưa được hài cốt về. Sau khi tâm sự với vợ, một cô giáo làng cùng hai đứa con nhỏ, ông bắt đầu cuộc hành trình đạp xe gần 50km suốt 11 ngày đêm vào tới Quảng Bình.
Qua nguồn tin từ đồng đội và giấy báo tử, ông Tấn xác định được vị trí phần mộ ở gần bến sông Lệ Thủy thuộc địa phận xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy. Ông lại tức tốc đạp xe trở về Hải Dương báo cho gia đình liệt sĩ cùng lên đường, đưa được hài cốt người đồng đội cùng quê về yên nghỉ nơi quê nhà trong niềm vui sướng, hạnh phúc trào nước mắt của thân nhân liệt sĩ. Việc làm ý nghĩa đầu tiên mà ông làm được đối với những đồng đội ngã xuống đã thôi thúc ông phải làm được nhiều hơn thế nữa. Ông hiểu hàng nghìn thân nhân liệt sĩ đang ngày đêm trông ngóng đưa hài cốt con em mình về, nhưng không biết tìm ở nơi đâu.
Kể từ đó đến nay, ông Tấn đã tìm thấy và báo tin 1.947 bộ hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại quê nhà. Để làm được như vậy không phải là điều đơn giản. Ông không nhắc nhiều đến những vất vả suốt chừng ấy năm, bởi với ông đó là cái duyên, cái tình của người lính đối với nhau. Nhiều người nghe tin thấy ông đạp xe khắp Tổ quốc tìm hài cốt liệt sĩ đồng đội tếu rằng có "hâm" mới làm thế, người thì bảo "gàn dở". Là một dũng sĩ diệt Mỹ, với thành tích bắn rơi một máy bay Mỹ và tiêu diệt 17 lính Mỹ cộng với cái "chất" của người lính dũng cảm, vào sinh ra tử ông còn không sợ nói chi những lời ác ý. Hành trang mỗi chuyến đi dài của ông vỏn vẹn một chiếc ba lô đựng mấy bộ quần áo, tập bản đồ in ra giấy đen trắng, vật dụng cần thiết, chiếc mũ cối và không thể thiếu "đồng chí" xe đạp Thống Nhất vẫn còn nguyên biển số IG5401 cùng đồng hành.
Nhắc đến chiếc xe đạp, ông bảo "Chiếc xe của tớ quý lắm, nhiều tay săn đồ cổ muốn mua mà tớ không bán. Đi xe đạp vừa tập thể dục, bảo vệ môi trường mà lại rất kinh tế. Lúc nào cảm thấy mệt thì nghỉ và rất tiện di chuyển ở mọi địa hình".
Đồng lương hưu không được bao nhiêu, một năm ông Tấn đi 3-4 chuyến dài, không nhà tài trợ, không nhận tiền phí của thân nhân liệt sĩ, mọi chi phí ăn ở, đi lại ông đều tự bỏ ra. Ông chia sẻ: "Mỗi chuyến đi ít nhiều cũng phải có tiền đảm bảo sinh hoạt tối thiểu. Tối đến xin ngủ nhờ nhà quản trang nghĩa trang, sở, phòng lao động thương binh xã hội, nhà dân, có khi táp vào chỗ nào đó đánh một giấc qua đêm".
Ông Tiêu Văn Tấn và tài liệu, cuốn sổ ghi chép về liệt sĩ trong chiếc ba lô đã theo ông nhiều năm qua
Xuyên biên giới tìm mộ đồng đội
“Nói hay nhưng làm thiếu trách nhiệm” "Càng đi nhiều tôi mới biết, nhiều địa phương để thất lạc tài liệu, sổ sách về tên tuổi, quê quán, đơn vị các liệt sĩ, trong khi đó thời chiến lại làm rất tốt. Điều đáng buồn, nhiều địa phương khi tôi đến tìm hiểu thông tin về thân nhân, phần mộ liệt sĩ, họ tỏ ra không mấy thiện chí, làm qua loa. Nhiều gia đình khi tôi báo tin biết phần mộ liệt sĩ của gia đình mình hiện đang nằm ở đâu nhưng khi báo cáo lên cơ quan chức năng thì phải chờ đợi rất lâu, có khi đến hàng năm và vài năm trời. Có gia đình không đợi được phải tự tổ chức đưa liệt sĩ về. Một số cán bộ làm công tác thương binh, chính sách nói thì hay nhưng làm thiếu trách nhiệm", ông Tấn nói. |
Không dừng lại ở việc tìm hài cốt liệt sĩ trong nước, ông Tấn còn sang nước bạn Lào, Campuchia. Tính đến nay, riêng ở Lào, ông đã tìm được 250 bộ hài cốt liệt sĩ. Đi đến đâu ông cũng ghi chép cẩn thận thông tin phần mộ liệt sĩ để báo cho người thân và cơ quan chức năng biết để đưa các liệt sĩ về. "Khi đến các cửa khẩu biên giới, tôi chủ động liên hệ với đồn biên phòng và bày tỏ tâm niệm của mình rồi xin qua biên giới. Sang được biên giới tôi tìm gặp những người Việt sinh sống bên đó nhờ thông dịch và giúp đỡ. Họ sẵn sàng đưa đi mọi nơi thậm chí cả trong rừng sâu, đến các bản làng nơi biên giới để dò thông tin và xác định nơi chôn cất".
Một trong những điều khó khăn nhất đó chính là họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán liệt sĩ ghi trong giấy báo tử không khớp nhau. Muốn xác minh thông tin ông phải tìm đến phòng lao động thương binh xã hội ở các quận, huyện để đối chiếu. Khi đã tổng hợp được nguồn tin bằng nhiều "kênh" khác nhau như thông qua báo đài, danh sách các liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ở các phòng chính sách, Cục chính sách ở các quân khu... đã giúp ông tìm được nhiều phần mộ đồng đội tại các chiến trường.
"Có những phần mộ liệt sĩ ghi tên tuổi, quê quán không rõ ràng, không khớp nhau, địa hình hiểm trở, tôi và gia đình phải đi lại vất vả trong nhiều ngày và nhiều lần mới đưa được hài cốt liệt sĩ về. Có những phần mộ khó tìm như "mò kim đáy bể", cũng bởi chiến tranh đã lùi xa, mọi thứ thay đổi nhiều quá. Cơ cực, vất vả không thể kể hết được, nhưng khi đã đưa được các liệt sĩ về thì bao nhiêu vất vả tan biến hết", ông Tấn vui vẻ nói.
Với tấm bản đồ chi tiết địa hình, đường đi các tỉnh trong tay, mỗi chuyến đi tìm mộ liệt sĩ, sau khi tìm thấy, ông không về cùng nhân nhân liệt sĩ ngay mà tiếp tục "lùng sục" khắp khu vực đó xem có những liệt sĩ nào quê ở miền Bắc còn nằm đó chưa đưa về. Ông lấy cuốn sổ ghi chép chi tiết tất cả các liệt sĩ lại, đánh dấu, phác họa địa hình, trở về Hà Nội, ông đạp xe đến tận nơi các gia đình liệt sĩ báo tin và cùng gia đình thân nhân lên đường đưa liệt sĩ về. Tai nạn, nguy hiểm rình rập trong những chuyến đi với người cựu binh già như hè năm 1999, khi tới Hải Đăng (Quảng Trị), ông đã bị lả người đi vì nắng và gió Lào, hay lần đi báo tin cho một gia đình liệt sĩ, ông bị tai biến phải nhập viện cấp cứu. Khó khăn, nguy hiểm là thế, nhưng chưa một lần người thương binh già dừng bước vì đồng đội.
Thiên Vũ