Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về chủ trương trang bị thiết bị thông minh như smartphone (điện thoại thông minh), máy tính bảng cho CSGT để kiểm tra, xử phạt xe máy không sang tên đổi chủ, Đại tá Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội, cho biết: Việc trang bị thiết bị là do UBND TP, còn phía công an chỉ là lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Về ý kiến việc xử phạt xe chính chủ chỉ được thực hiện trong 2 trường hợp là gây tai nạn nghiêm trọng hoặc qua quản lý (đăng ký xe…), Đại tá Đào Thanh Hải nói: “Đấy là chủ trương, còn phạt tới đâu thì chưa cụ thể, chưa thống nhất như thế nào và vẫn chờ”.
Trong khi đó, trên báo Giao Thông, bà Phạm Lan Tú - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội cho biết: “Đó mới là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin thành phố ngày 26/11 vừa qua, chứ thành phố chưa giao hay phân công cụ thể cho cơ quan, đơn vị nào chủ trì. Khi nào họp bàn, có kế hoạch cụ thể chúng tôi sẽ cung cấp để tuyên truyền ngay”.
Trước đó, trả lời báo Người Đưa Tin, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Cục phó Cục Pháp chế, Bộ Công an cho biết: Theo quy định, nếu tiến hành xác minh xe chính chủ thì chỉ tiến hành trong trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng hoặc qua quản lý (đăng ký xe…).
Đánh giá về ý tưởng dùng thiết bị thông minh kiểm tra xe chính chủ, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng, nếu ứng dụng phần mềm này sẽ thuận lợi cho việc xác minh nguồn gốc xe nhưng trong trường hợp không nhằm để xử phạt. “Nếu người dân mất xe, bị chiếm đoạt trộm cắp mà xác minh bằng hệ thống này thì rất nhanh, thuận lợi”, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói.
Cục phó Cục Pháp chế cũng khẳng định, việc mượn xe bạn bè, người thân sẽ không bị xử phạt và không có việc cảnh sát giao thông chặn xe để xác minh xe chính chủ.
Ông Quân chia sẻ thêm: “Trên thế giới có nhiều cơ sở dữ liệu kết nối nhau. Ví dụ như: Chỉ cần cầm giấy phép lái xe hoặc thẻ căn cước là có đủ thông tin… Và, để đánh giá về phần mềm này phải thí điểm mới có kết quả và hy vọng nó hữu ích".
Nhất Nam