Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút... là những biểu tượng mà khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến Hồ Gươm, Hà Nội. Dường như chẳng có gì thay thế được những biểu tượng ấy trong nếp nghĩ, nếp cảm của người yêu Hà Nội khắp mọi miền Tổ quốc cũng như người Việt Nam ở khắp năm châu.
Người ta đã từng muốn đưa một biểu tượng Tháp Rùa bằng đá quý về Hồ Gươm, muốn dựng tượng khỉ Kong tại đây và cũng muốn có một “tuyến đường ghi danh” trong không gian của hồ...
Nhưng rồi, mọi ý tưởng đều vô nghĩa. Bởi bản thân Hồ Gươm đã mang trong nó quá nhiều tinh hoa và những vẻ đẹp từ siêu thực đến hiện thực, không cần một sự tô vẽ nào. Với những không gian linh thiêng, việc đặt vào đó những hình ảnh không đúng thời điểm, không tương đồng về văn hóa e chừng lạc lõng.
Cũng phải thừa nhận một điều, địa danh Hồ Gươm - Hồ Hoàn Kiếm như có sức hút mê hoặc kỳ lạ. Bởi thế nên bao ý tưởng tốt đẹp đều hướng đến đây một cách tự nguyện và chân thật nhất. Tất cả ý tưởng đều giống nhau ở mong muốn có một Hồ Gươm đẹp hơn, lộng lẫy hơn và ghi dấu ấn nhiều hơn. Tất cả đều vì một tình yêu nồng nàn dành cho nơi được mệnh danh là "trái tim của cả nước" - Hà Nội.
Thế nhưng không phải sự sáng tạo nào cũng trở nên nổi bật và càng không phải sự nổi bật nào cũng tạo ra hiệu ứng tốt.
Mới đây, ông Tạ Hồng Quân, một người dân sống ở Thủ đô Hà Nội mong muốn hiện thực hóa ý tưởng dựng tượng rùa vàng ở khu vực Hồ Gươm. Vẫn như nhiều ý tưởng trước đó, người đồng tình, người phản đối.
Nhưng trước khi suy nghĩ đến việc đồng tình hay phản đối, hãy lắng nghe tiếng sóng nước Hồ Gươm thì thầm trong một sớm mai, nghe hàng liễu rủ bên Hồ reo những lời tha thiết...
Nhiều người có xúc cảm đặc biệt khi đứng giữa không gian linh thiêng của Hồ Gươm Hà Nội. Đó là bức tượng vua Lê Thái Tổ, biểu trưng cho ý chí độc lập, tự chủ, truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc ta; là Tháp Rùa linh thiêng lấp lánh khát vọng hòa bình; là đền Ngọc Sơn sừng sững gợi lại những kỷ niệm xưa về lịch sử dân tộc, thức tỉnh niềm tự hào, yêu nước chính đáng cũng như tâm linh, ý thức mỗi người dân Việt Nam trước sự trường tồn của dân tộc; là cầu Thê Húc “cong cong như con tôm” ghi đậm dấu ấn thời gian từ lịch sử vọng về; là Tháp Bút, Đài Nghiên viết nên dáng hình đất nước thơ mộng, thanh bình, yên ả nghìn năm...
Những lời văn mượt mà ấy chắc hẳn đều xuất phát từ tình yêu thiết tha với mảnh đất nghìn năm văn hiến. Những cảm xúc ấy đều xuất phát từ việc muốn xây dựng Hà Nội ngày càng tốt đẹp, hiện đại hơn nhưng không ai muốn làm mất đi vẻ thâm trầm cổ kính đặc trưng của Hà Nội, dù chỉ là trong ý nghĩ.
Qua bao thăng trầm dâu bể của thời gian, qua bao cuộc chiến tranh tàn phá ác liệt, những biểu tượng đó vẫn hiên ngang với đất với trời tạo nên tổng thể văn hóa, kiến trúc bền chặt, đặc sắc. Hà Nội hôm qua, hôm nay và mãi mai sau vẫn sẽ là nơi hội tụ những tinh hoa của đất trời, của con người.
Vậy có cần thiết đặt thêm một biểu tượng rùa vàng ở giữa nơi linh thiêng ấy? Chắc hẳn mỗi người yêu Hà Nội đã tự có trong mình câu trả lời.
Rõ ràng phải cân nhắc thật kỹ. Ngay cả đề xuất cũng phải cân nhắc. Không phải cái gì hay cũng đưa được đến Hồ Gươm. Nếu đưa vật không phù hợp vào không gian thiêng liêng này, e là phản tác dụng bởi Hồ Gươm là nơi hội tụ văn hóa và những tinh hoa để tỏa sáng.
Không phải đơn giản mà nhiều ý tưởng mấp mé đến với Hồ Gươm đã bị từ chối thẳng thừng. Bởi giá trị trường tồn nằm trong những biểu trưng huyền thoại, như hình ảnh rùa vàng trả lại Gươm cho đức vua Lê từ truyền thuyết năm xưa...
Chưa cần bàn đến việc có tốn kém hay không, hãy để Hồ Gươm được lấp lánh những vẻ đẹp văn hóa, tâm linh đặc sắc của kinh thành ngàn năm. Tùy vào cách nghĩ của mỗi người để thấy gì từ Hồ Gươm hôm nay, nhưng có lẽ những người yêu Hà Nội sẽ không tìm kiếm một Hồ Gươm với vẻ đẹp phô trương, lòe loẹt.
Tự nhủ lòng, dừng lại và thôi quẩn quanh với câu chuyện tượng con rùa.
Dương Thu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả