Vào một ngày giữa tháng 7, tôi nhận được tin nhắn kèm hình ảnh của một anh bạn đang có chuyến công tác tại Vũng Áng (Hà Tĩnh). Hình ảnh vài lon bia Huda, một đĩa thịt lợn nước không có gì đặc biệt kèm lời nhắn “Anh đang ngồi ở bãi biển Vũng Áng”. Câu chuyện sẽ nhạt nhẽo nếu khi đó anh bạn tôi chẳng phải đang ngồi ở bờ biển, uống bia, và ăn thịt lợn. Anh ta hài hước một cách méo mó: “Anh gọi tạm đĩa thịt lợn vì chẳng có đồ biển mà ăn!”
Ở giữa Hà Nội, tôi có mực, có cá, còn ở sát biển, ngư dân không có gì. Đấy là nỗi thống khổ to lớn bắt nguồn từ Formosa – nhân vật chính trong thảm họa tàn phá môi trường gây chấn động cả nước. Mọi thông tin về siêu dự án gang thép này chưa bao giờ có tính tích cực, hệ quả để lại chưa biết bao giờ mới hết. Và ngay bây giờ, hàng trăm lá đơn tố cáo có liên quan đến Formosa vẫn được gửi tới tấp về TAND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, trong khi các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát vỡ trận, người mua vé xếp hàng dài tới tận cổng và khóc ngất vì không thể mua được vé. Thì không khí ảm đạm đến đáng thương lại xảy ra ở bến xe Nước Ngầm, những chiếc xe lặng lẽ rời bến với chỉ 1-2 người ngồi trên xe, đơn giản vì bến Nước Ngầm khi đó tập trung chủ yếu các nhà xe đi miền Trung – nơi thảm họa môi trường vừa mới xảy ra. Miền Trung cần được cứu!
Thế rồi từ nỗi đau ấy, một ý tưởng có vẻ táo bạo được đưa ra bởi Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe): “Tour du lịch Formosa”. TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe cho rằng “Tour du lịch Formosa” đi qua bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… kết nối năm điểm du lịch quan trọng nhất gắn với cuộc đời và quá trình tu tập của cá - thép trước khi hoá rồng.
Thoạt nghe thì ý tưởng này giống một trò đùa hơn, đã có người nói với tôi rằng sẽ dựng lại mối tình của nàng cá và chàng thép? Thép đã giết cả cá, cả họ hàng, nội tộc nhà cá thì yêu sao nổi? Cá vượt vũ môn bằng cách phơi bụng trắng phớ trên bãi biển, trong tiếng ai oán của con người là hình ảnh quá đỗi tương phản. Hơn nữa, khi Formosa còn ở đó, khách du lịch chỉ có thể mang kèm bánh mỳ và nước lọc đi tham quan chứ sao dám dùng đồ biển. Còn có ý kiến cho rằng đây là kinh doanh trên nỗi đau của người khác. Ý tưởng này vô tình lại biến Formosa thành xuất phát điểm cho mối lương duyên vĩ đại, thành nguồn biểu tượng của tinh thần cá hay gì đó tương tự.
Nhưng đừng vội kết luận khi chưa suy nghĩ thấu đáo, thực tế chúng ta đã có những Côn Đảo, Củ Chi, Thành Cổ… ghi dấu ấn của chiến tranh, nơi những nỗi đau còn nguyên vẹn và người ta đến để tìm hiểu và chia sẻ với những mất mát đó. Formosa cũng là một nỗi đau, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, cũng như thay đổi một điều gì đó hơn là khóc thương một cách bất lực.
Vị Chủ tịch SDTe nêu quan điểm trước hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian dài; lương thực, thực phẩm và công ăn việc làm của người dân bốn tỉnh miền Trung sau khi môi trường biển và hệ sinh thái bị ô nhiễm nặng nề. Khi không còn sự tồn tại của cá, loài sinh vật biển quan trọng đã bao đời nay nuôi sống con người, tất cả sẽ đi đến đâu nếu vẫn níu giữ tư duy cũ, chỉ ngồi than khóc vì hậu quả để lại mà không biết vượt lên, tìm ra hướng đi mới?
Đúng thế, đối với thảm họa miền Trung thì đây là một trong những cách khả dĩ nhất để vực dậy đời sống người dân, tạo điểm nhấn từ một sự kiện chấn động là một ý tưởng không tồi. Dù vậy, cần phải đưa khách du lịch về với thực tế, đừng thi vị hóa những thứ không có bản chất tốt đẹp để rồi theo đó ngọn nguồn sự việc bị thay đổi. Khách du lịch (có thể là con cháu chúng ta sau này) cần thiết phải được biết về những gì đã xảy ra tại miền Trung, Tour du lịch Formosa (nếu có) cần thiết phải là nỗi đau quá khứ chứ không phải bất kỳ chuyện tình, hay tinh thần thép bịp bợm nào đó.
Tôi chắc chắn sẽ mua vé tham gia Tour du lịch Formosa nếu ý tưởng này thành hiện thực, nhưng tôi du lịch để chia sẻ, cảm nhận đúng đắn hơn về nỗi đau của đồng bào, vậy thôi. Bởi tôi cũng là một người Việt, và riêng đối với tất cả những gì liên quan đến Formosa, tôi không thể nào yêu thương nổi.
Vũ Khoa
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng! |