TAND TP.Hà Nội vừa xét xử và tuyên phạt các bị cáo Lưu Như Cương (SN 1972, ở quận Long Biên) 20 năm tù; Trần Mạnh Cường (SN 1971, ở quận Ba Đình) 17 năm tù về tội Lưu hành tiền giả.
Liên quan đến vụ án, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Vũ Thị Nhài (SN 1966, ở tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Văn Phương (SN 1964, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng mức án 12 năm tù; Nguyễn Thị Thúy (SN 1970, ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) 14 năm tù về cùng tội danh trên.
Trước đó, chiều 18/9/2023, tại Phòng giao dịch Ngân hàng V. Chi nhánh Nam Cao (quận Ba Đình), nhân viên ngân hàng tiếp nhận 2 tờ tiền đô la Singapore mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ, do chị Dương Thị Thoa (SN 1983, ở huyện Hoài Đức) mang đến yêu cầu đổi sang tiền Việt Nam đồng.
Do nghi vấn tiền giả nên phía ngân hàng trao đổi với chị Thoa về việc còn tiền đô la Singapore để đổi nữa không. Lúc này, chị Thoa gọi cho Phạm Thị Thu Hiền (SN 1989, ở quận Tây Hồ) mang thêm tiền đến đổi.
Hiền đi cùng Vũ Lan Anh (SN 1979, ở quận Tây Hồ) đến ngân hàng. Lúc này, có bị cáo Trần Mạnh Cường đứng bên ngoài đưa cho Hiền 98 tờ đô la Singapore mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ để vào trong ngân hàng giao dịch đổi sang tiền Việt Nam đồng.
Sau khi so sánh, đối chiếu, nhân viên ngân hàng trả lời khách rằng số tiền đô la trên là tiền giả và đã lập biên bản sự việc, báo công an phường đến giải quyết.
Công an thu giữ của Cường 100 tờ đô la Singapore mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ. Căn cứ lời khai của các đối tượng, cơ quan công an đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Mạnh Cường. Tại cơ quan điều tra, Trần Mạnh Cường khai nhận số tiền này của Lưu Như Cương đưa cho để bán.
Kết quả điều tra xác định, khoảng đầu tháng 4/2022, thông qua mối quan hệ ngoài xã hội, Cương đến khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn gặp một người đàn ông (không quen biết) mua 1 triệu đô la Singapore giả gồm 100 tờ mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ với giá 5 triệu đồng, sau đó mang về nhà cất giữ.
Ngày 18/9/2023, Cương trao đổi với Cường về việc mình đang có tiền đô la Singapore và nhờ Cường đổi với mức giá 1 triệu đô la Singapore lấy 12 tỷ đồng. Nếu Cường đổi được nhiều hơn sẽ được hưởng phần chênh lệch.
Sau khi nhận 1 triệu đô la Singapore từ Cương, Cường tham khảo trên mạng Internet về cách phân biệt tiền đô la Singapore, tỷ giá của loại tiền này và được biết 1 triệu đô la Singapore có giá trị khoảng 17 tỷ đồng, chênh lệch rất lớn so với giá 12 tỷ đồng mà Cương định bán cho Cường. Vì vậy, Cường nhận thức rằng, số tiền đô la trên là tiền giả.
Tuy vậy, Cường đã liên hệ với 2 người đàn ông tên Công và Tuấn để nhờ họ đổi tiền. Hai người này nói có thể giúp đổi 1 triệu đô la Singapore lấy 13 tỷ đồng, hẹn Cường đến Ngân hàng V. để đổi tiền.
Chiều 18/9/2023, Cường đến điểm hẹn gặp ông Tuấn cùng 2 người phụ nữ là Thoa và Hiền. Cường đưa trước cho 2 người phụ nữ 2 tờ tiền giả để mang vào ngân hàng đổi trước.
Sau đó 2 người phụ nữ đi ra báo là tiền đảm bảo nên Cường đã đưa nốt 98 tờ còn lại để mang vào ngân hàng đổi. Họ không ngờ, phía ngân hàng đã báo cơ quan công an đến giải quyết.
Cơ quan điều tra xác định Cương, Nhài, Phương và Thúy còn lưu hành 97 tờ tiền đô la Singapore giả mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ. Khi Thúy cầm số tiền giả này đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì bị cơ quan công an kiểm tra, bắt giữ.
Cáo trạng xác định, Cương lưu hành 1,97 triệu đô la Singapore (có giá trị tương ứng với hơn 34 tỷ đồng). Cường lưu hành 1 triệu đô la Singapore giả (có giá trị hơn 17 tỷ đồng). Nhài, Phương, Thúy lưu hành 0,97 triệu đô la Singapore giả (có giá trị tương ứng hơn 17 tỷ đồng).
Cũng liên quan đến hành vi mua bán, tiêu thụ tiền giả, mới đây, TAND tỉnh Bình Thuận vừa mở phiên xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo: Nguyễn Ngọc Lê (SN 1979, trú xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), Phan Đình Khiêm (SN 1991, trú xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) và Nguyễn Văn Phúc (SN 1992, trú xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) về các tội danh Tàng trữ và Lưu hành tiền giả.
Chỉ trong thời gian ngắn, một số lượng lớn tiền giả đã được các đối tượng đem đi tiêu thụ khắp trên nhiều địa bàn các xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và một số vùng lân cận.
Theo cáo trạng vụ án, vào tháng 12/2022, Nguyễn Ngọc Lê được Nguyễn Văn Phúc giới thiệu đối tượng tên Long để đổi tiền thật lấy tiền giả với tỷ lệ đổi 1 thành 2 (tức là 500.000 đồng tiền thật đổi được 1 triệu đồng tiền giả). Do Lê không có tiền thật để đổi tiền giả nên Phan Đình Khiêm đứng ra ứng trước cho Lê mượn số tiền 5 triệu đồng và chuyển vào tài khoản do Long chỉ định để trao đổi. Cầm trong tay số tiền 10 triệu đồng tiền giả (mệnh giá 500.000 đồng), Lê đem về nói cho Phúc biết về việc mua được tiền giả từ Long, đồng thời hỏi Phúc cách tiêu thụ. Theo sự hướng dẫn của Phúc, Lê đã sử dụng tiền giả để mua đồ ở các hàng quán, cửa hàng tạp hóa, đổ xăng với giá trị nhỏ để người bán hàng trả lại tiền thừa bằng tiền thật. Địa điểm các đối tượng nhắm đến thường là các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng ven, đặc biệt là những cửa hàng do người lớn tuổi trông coi, buôn bán. Sau khi tiêu thụ trót lọt lượt tiền giả đầu tiên, Lê tiếp tục dùng 7 triệu đồng tiền thật để đổi tiền giả của Long. Qua 2 lần đổi, tổng số tiền giả mà Lê đã nhận từ đối tượng Long là 25 triệu đồng. Số tiền giả sau khi nhận được, Lê đưa cho Khiêm 11 triệu đồng tiền giả, tương ứng với số tiền 5 triệu đồng tiền thật đã mượn trước đó. Phần còn lại, Lê đem về cất giấu và tiếp tục dùng để tiêu xài cá nhân.
Sau khi bị các đối tượng dùng tiền giả mệnh giá lớn để lừa mua hàng và nhận lại tiền thừa là tiền thật, một số chủ cửa hàng tại huyện Hàm Thuận Nam đã đăng tải sự việc lên một số trang mạng xã hội để người dân cảnh giác. Từ đây, hàng loạt phi vụ tương tự đã được người dân tố cáo.
Vào cuộc điều tra, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã xác minh và làm rõ thủ đoạn của các đối tượng. Đến ngày 24/12/2022, Nguyễn Ngọc Lê bị cơ quan điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam bắt giữ. Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện Lê đang tàng trữ 2,5 triệu đồng tiền giả chưa lưu hành. Từ lời khai của Lê, lần lượt các đối tượng Phan Đình Khiêm và Nguyễn Văn Phúc cũng được triệu tập và bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Khiêm khai nhận sau khi được Lê đổi giùm tiền giả, Khiêm mang về nhà ở xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) cất giấu, nhưng chưa tiêu thụ. Khi nghe tin Lê bị bắt về hành vi Tàng trữ, lưu hành tiền giả, Khiêm đã mang số tiền trên ra sau rẫy thanh long đốt tiêu hủy nên cơ quan điều tra không thu giữ được.
Về vụ án này, trước đó vào tháng 7/2024, TAND huyện Hàm Thuận Nam đã đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Ngọc Lê mức án 6 năm tù giam về các tội Tàng trữ, lưu hành tiền giả, Phan Đình Khiêm mức án 5 năm 3 tháng tù giam về tội Tàng trữ tiền giả, Nguyễn Văn Phúc mức án 3 năm 6 tháng tù giam về tội Lưu hành tiền giả.
Cho rằng mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt là quá nặng so với hành vi của mình nên các bị cáo đã kháng cáo đề nghị giảm mức án. Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX đã phân tích các tình tiết liên quan đến vụ án. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến chế độ độc quyền quản lý, kiểm soát của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, gây bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, thể hiện sự xem thường pháp luật. HĐXX đánh giá bản án sơ thẩm đã căn cứ vào các tình tiết trong vụ án, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Từ đó, bản án sơ thẩm đã tuyên là tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trước những phân tích, đánh giá của HĐXX cấp phúc thẩm, các bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình và rút kháng cáo ngay tại phiên xử. Trong vụ án này, còn có vai trò của kẻ đổi tiền tên Long và một số đối tượng khác có liên quan. Tuy nhiên, các đối tượng này hiện không có mặt tại nơi lưu trú. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã tách vụ án và sẽ tiếp tục xác minh, xử lý sau.
Duy Huy (tổng hợp)