Dùng tiền phạt 'chuộc' công trình sai phạm: Vẽ đường cho hươu chạy?

Dùng tiền phạt 'chuộc' công trình sai phạm: Vẽ đường cho hươu chạy?

Thứ 5, 18/04/2013 14:07

Nộp tiền phạt để "chạy" sai phạm vốn gây nhiều tranh cãi trong quản lý kinh tế. Thế nhưng Bộ Xây dựng lại có dự thảo Nghị định đề xuất phạt 40-50% giá trị công trình xây vượt phép để không bị cắt bỏ.

Công trình vi phạm khấp khởi chờ... nộp phạt

Trước đây, Hà Nội cũng đã từng ra quân rầm rộ với quyết tâm phá nhà sai phép, quận Đống Đa là quận tiên phong với việc "cắt ngọn" công trình 17 tầng số 9 Đào Duy Anh và xử lý một số cán bộ liên quan. Hay toà nhà chung cư ở phố Nguyễn Chí Thanh cũng nằm trong danh sách bị "cắt ngọn" số tầng đã xây vượt. Để có quyết định này, nhiều cuộc họp bàn đã được tiến hành, song số công trình bị xử lý cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay nếu để kể tên, điểm danh các công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn thì có hàng loạt.

Bất động sản - Dùng tiền phạt 'chuộc' công trình sai phạm: Vẽ đường cho hươu chạy?

Tòa nhà Đặng Dung xây vượt phép vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ngay cả các tuyến phố mới Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Hào Nam..., được quy hoạch nhưng tình trạng xây dựng hai bên đường lại không theo một quy định nào. Ở đây, với đủ loại vi phạm theo kiểu đất hẹp được phép xây nhà thấp, đất rộng được xây nhà cao nên nhà cửa ở đây lô nhô, mất mỹ quan. Dường như, có một điểm chung trong cách xử lý các công trình sai phạm về xây dựng. Đầu tiên, chính quyền phường phát hiện, lập biên bản xử phạt, thậm chí đình chỉ thi công nhưng sau đó hướng dẫn cấp phép bổ sung rồi để công trình tiếp tục vượt phép.

Chủ công trình ở Khương Hạ (Thanh Xuân- Hà Nội), được quận cấp giấy phép xây dựng ngôi nhà bốn tầng, một tum, nhưng lại xây vượt thành tám tầng và gây lún, nứt cho các công trình xung quanh. Điều đáng nói, trong biên bản thanh tra xây dựng phường công trình xây vượt đến ba tầng, nhưng thay vì bị cưỡng chế hạ độ cao thì ngay sau đó, quận lại cấp giấy phép xây dựng bổ sung từ bốn tầng thành sáu tầng.

Còn tại TP.HCM thời gian qua, việc xử lý các công trình sai phép theo nguyên tắc xây sai là tháo dỡ, lố tầng là "cắt ngọn" rất hiếm được thực hiện. Các cao ốc xây sai phép tại TP.HCM như dự án đảo Kim Cương (quận 2), cao ốc BMC (quận 1) gần như được tồn tại toàn bộ công trình với lý do tháo dỡ sẽ ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Trên thực tế, số công trình vi phạm vẫn “được phạt” để cho tồn tại. Chính vì thế, phải chăng dự thảo Nghị định của bộ Xây dựng mở đường cho việc hợp thức hoá những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng?!

Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Thản - giám đốc công ty Xây dựng số 1 Lai Châu cho rằng: "Các cơ quan có thẩm quyền cũng rất khó xử khi phải "trảm" các tầng xây lố nếu công trình vẫn phù hợp quy hoạch, không lấn chiếm chỉ giới. Bởi việc buộc tháo dỡ trong trường hợp này gây lãng phí xã hội quá lớn, trong khi chủ đầu tư đập xong vẫn có thể xin phép xây dựng lại theo đúng nội dung đó, ví dụ như trường hợp của toà nhà ở Đại Cồ Việt.

Bởi vậy, việc phạt để cho tồn tại, tôi cho rằng đó cũng là giải pháp hay. Bởi vì, không có nhiều công trình sai phạm, chỉ khoảng 20% thôi. Những toà nhà chung cư tại khu đô thị vì đảm bảo an toàn, thiết kế đã được phê duyệt nên không có chuyện sai phạm, vượt tầng. Hơn nữa, không phải ai cũng có tiền để mà làm vượt tầng so với giấy phép đâu?".

Bất động sản - Dùng tiền phạt 'chuộc' công trình sai phạm: Vẽ đường cho hươu chạy? (Hình 2).

Ông Trần Viết Ngôn - phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội

Lo ngại dùng tiền đổi vi phạm, luật pháp bất nghiêm

Ông Trần Viết Ngôn, phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, qua công tác thanh, kiểm tra, tổng hợp trong nhiều năm cho thấy thực trạng vi phạm trật tự xây dựng khá phổ biến và đa dạng. Trong đó, vi phạm chủ yếu tại các quận nội thành là sai về số tầng và mật độ xây dựng. Đối với các quận huyện ngoại thành là xây nhà trên đất nông nghiệp, đất trong quy hoạch. "Để xảy ra công trình sai phạm, trách nhiệm trước hết thuộc chính quyền phường, xã. Nhiều vụ việc vi phạm rõ ràng nhưng họ vẫn không xử lý kiên quyết dẫn đến kéo dài, phức tạp", ông Ngôn khẳng định.

Trước thực trạng vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra vô cùng phức tạp, ông Ngôn đánh giá, đề xuất cho phép dùng tiền "chuộc" các công trình sai phạm của bộ Xây dựng không thể giải quyết triệt để vấn đề mà khiến tình hình rối thêm.

Vị này phân tích: "Theo Bộ Xây dựng, những công trình sai phép được hợp thức hóa phải thỏa mãn các tiêu chí không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp. Tuy nhiên, để thẩm định được việc này rất mất thời gian, cơ quan chức năng phải thành lập hội đồng đánh giá độc lập, phải qua sở Quy hoạch Kiến trúc để xem có ảnh hưởng kiến trúc cảnh quan hay không, sau đó lại phải qua sở Tài nguyên Môi trường xem đất có hợp pháp không. Thậm chí, phải qua sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để xem công trình có thuộc di tích, di sản hay không? Nói chung là rất phức tạp".

Không thể dùng tiền để "mua" sai phạm

Ở một góc nhìn khác, phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Trần Viết Ngôn nhận định, việc dùng tiền hợp thức hóa các công trình sai phép chẳng khác gì tạo điều kiện cho vi phạm: "Tôi nghĩ, cứ sai đâu đánh đấy! Phát hiện ra sai phạm thì dứt khoát xử lý, cắt điện cắt nước, không chấp hành thì làm theo quy định của pháp luật. Mà phải làm từ gốc, không thể để lên ngọn mới chặt. Trước khi xây dựng phải thông báo khởi công, sau khi xong phần ngầm phải báo để cơ quan chức năng ký nhiệm thu. Lên đến tầng nào là phải ký nhiệm thu tầng đó. Cấp cơ sở phải giám sát chặt chẽ, phát hiện sai phạm là lập tức chặn đứng, không có chuyện ú ớ hay nể nang. Nếu làm được như vậy, chắc chắn những công trình sai phép sẽ khó mọc lên".

Minh Khánh- Anh Đức

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.