“Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng nó lại là một con đường chắc chắn”. Với tư tưởng này, các sĩ tử ngay lập tức lựa chọn cho mình một ngôi trường để gửi gắm tương lai sau 12 năm đèn sách. Tuy nhiên ở độ tuổi 17, 18 không phải ai cũng đủ chín chắn để có thể đưa quyết định đúng đắn.
Và một hệ quả là rất đông sinh viên ra trường rơi vào tình trạng lạc lối khi nhận ra bản thân mình không tương thích với chuyên ngành mình đã theo học.
Phương tây có một khái niệm “Gap year” để chỉ việc các học sinh trung học sẽ dành một năm để trải nghiệm và nghỉ ngơi trước khi bước vào giảng đường đại học. Điều này rất được khuyến khích. Một nhân viên tuyển sinh tại Đại học Harvard đã tuyên bố rằng những sinh viên có ‘gap year’ trưởng thành hơn, tập trung hơn và biết nhiều hơn về những gì họ muốn làm trong quá trình học đại học của mình.
Một năm không phải là một quãng thời gian dài tuy nhiên khi không bị bó buộc bởi công việc hay học tập thì nó sẽ trở nên bất tận. Từ đó bạn sẽ học được cách quý trọng thời gian hơn.
Hãy tìm và thử, trải nghiệm cuộc sống tự do trước khi bó buộc mình vào một công việc lâu dài và ổn định. Hãy đi du lịch, hãy tham gia các sự kiện, các khóa học kỹ năng mới... Hãy đi tình nguyện, học cách pha chế đồ uống, tham gia tổ chức một sự kiện truyền thông...
Thế giới này có quá nhiều điều bạn chưa biết, nhưng cuộc sống bận rộn hối hả luôn kìm chân bạn. Hãy tận dụng quãng thời gian này để khám phá bản thân, để không phải dành cả phần đời của mình bên bàn giấy, tiếc nuối vì thanh xuân đang dần trôi đi.
Làm gì không quan trọng, quan trọng là bạn phải xác định tư tưởng luôn sẵn sàng cho mọi thứ. Bạn đam mê phượt, những chuyến phượt ngắn thời đại học chưa thỏa mãn bạn? Hãy lên kế hoạch cho một hành trình xuyên Việt.
Nếu bạn chưa biết mình thích gì thì tại sao không thử tất cả mọi thứ? Đi học một ngôn ngữ mới thì sao? Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, hay tiếng Pháp… Khi trải nghiệm bạn sẽ nhận ra bản thân mình thích gì, muốn gì, hiểu được điểm yếu, điểm mạnh của mình.
Điều gì cản trở bạn tận hưởng cuộc sống? Gia đình khắt khe, năng lực bản thân yếu kém hay chỉ đơn giản là bạn không có tiền? Bạn không còn là một cô bé cậu bé nữa, giờ là lúc bạn làm chủ cuộc đời, tự quyết định bước đi của bản thân thay vì đi theo con đường mà xã hội đã định sẵn.
Nếu không nhận được sự chấp thuận của gia đình, hãy đàm phán và trao đổi thẳng thắn. Năng lực còn hạn chế vì bạn chưa tìm được lĩnh vực phù hợp với bản thân.
Sẽ chẳng có gì dễ dàng và an nhàn cả, niềm vui cần được đánh đổi bởi công sức. Cứ nghĩ trong đầu những khó khăn của cuộc sống và bạn sẽ không bao giờ biết cách khắc phục nó. Số tiền ít ỏi của những công việc tạm bợ không đủ để chi trả cho các chuyến du lịch của bạn? Hãy cân đối lại chi tiêu. Bạn nhút nhát và thiếu tự tin nhưng lại muốn tham gia tổ chức một sự kiện truyền thông? Hãy mạnh dạn mở lời. Làm việc trong ngành dịch vụ đồng nghĩa với việc tiếp xúc với muôn kiểu người và không phải ai cũng tử tế, nhưng nhờ đó bạn sẽ học được cách ứng xử phù hợp đối với từng trường hợp. Chiếc xe của bạn gặp trục trặc giữa vùng đồi núi heo hút? Bạn sẽ dừng lại cố gắng sửa nó hay tìm người giúp ở bên đường? Tất cả phụ thuộc ở bạn, thử thách và khó khăn sẽ tôi luyện con người bạn, sẽ giúp bạn trưởng thành hơn.
Sau quãng thời gian trải nghiệm, bạn tích lũy được cho mình một vốn sống vô cùng phong phú, hiểu được thêm phần nào về bản thân, về những điều mình thích, những thứ mình giỏi, về khả năng và những hạn chế của bản thân. Lúc này tìm một công việc để ổn định lâu dài chưa phải là muộn.
Tôn Vỹ
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!