Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trước đó, vào năm 2008, Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (Cty khoáng sản Bình Thuận) được thành lập gồm 3 cổ đông chính là: Cty CP Thương mại và Đầu tư Hợp Long (Cty Hợp Long) do ông Nguyễn Thành Long làm đại diện (góp 60% vốn điều lệ); Cty liên doanh khoáng sản Quốc tế Hải Tinh (Cty Hải Tinh) do bà Hoàng Thị Lý làm đại diện (góp 35% vốn điều lệ); cổ đông cá nhân ông Nguyễn Ngọc Long (góp 5% vốn điều lệ).
Theo cảnh sát, có nhiều thanh niên lạ mặt bao vây, đạp phá doanh nghiệp.
Sau đó, bà Lý đã mua lại 5% cổ phần của ông Nguyễn Ngọc Long và chính thức nắm giữ 40% cổ phần tại Cty khoáng sản Bình Thuận. Ông Nguyễn Thành Long lúc này giữ 60% cổ phần nên đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT.
Ngay sau khi có được Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần thì Cty Hợp Long đã đem toàn bộ số cổ phần của mình thế chấp cho bà Hoàng Thị Lý để vay tiền. Theo bản hợp đồng “Vay tiền và thế chấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần phổ thông” ngày 16/06/2009, bà Hoàng Thị Lý đồng ý cho Cty Hợp Long (ông Nguyễn Thành Long) vay số tiền 60 tỷ đồng (tương đương giá trị quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường 3,3 triệu USD). Đồng thời, bà Lý đồng ý cầm cố của Cty Hợp Long tài sản “giấy tờ có giá” là Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần CKB (loại cổ phần phổ thông, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần).
Thời hạn vay của hợp đồng trên là từ ngày 16/6/2009 đến hết ngày 12/12/2012, với lãi suất vay thế chấp là 0%. Ngay sau đó, ông Nguyễn Thành Long đã ủy quyền cho bà Hoàng Thị Lý điều hành, quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của Cty khoáng sản Bình Thuận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Cty đã quy định. Thời hạn ủy quyền bằng với thời hạn trong hợp đồng vay vốn giữa hai bên.
Thế nhưng, khi đến thời hạn của hợp đồng lẽ ra Công ty Hợp Long phải thực hiện làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đã cầm cố trước đó sang cho bà Lý hoặc phải trả lại số tiền đã vay để lấy lại Giấy chứng nhận cổ phần phổ thông của mình (Theo Điều 8.2 quy định về xử lý vi phạm hợp đồng trong hợp đồng vay tiền trước đó). Thế nhưng, theo bà Hoàng Thị Lý tố cáo thì ông Nguyễn Thành Long đã không thực hiện bất cứ điều kiện nào mà còn đưa hàng chục người lạ mặt vào đánh chiếm công ty khoáng sản Bình Thuận một cách phi pháp.
Những người lạ mặt uy hiếp công ty
Khi những tranh chấp còn chưa được thống nhất thì bất ngờ vào ngày 23/3/2013 ông Nguyễn Thành Long tiếp tục ủy quyền cho ông Nguyễn Vương Nguyên đến Công ty Bình Thuận để đòi quyền lợi cho 60% vốn điều lệ (đã cầm cố trước đó) thuộc quyền sở hữu của công ty Hợp Long với lý do hợp đồng ủy quyền cho bà Hoàng Thị Lý ngày 16/6/2009 đã hết hiệu lực.
Theo cáo buộc của bà Hoàng Thị Lý thì vào ngày 18/4/2013 ông Nguyễn Thành Long đã tổ chức đưa trên 80 người lạ mặt (đa số là người quê Hải Phòng) hành xử theo kiểu côn đồ, đến uy hiếp, tấn công và chiếm trụ sở công ty, đánh đuổi cán bộ nhân viên, nhiều tài sản bị đập phá, mất mát… Bản thân ông To Tai Tich (giám đốc Công ty Bình Thuận) cũng bị đánh đuổi ra khỏi công ty.
Ngay sau đó, Công ty khoáng sản Bình Thuận đã có đơn tố cáo gửi các cấp chính quyền nhờ can thiệp, làm rõ vụ chiếm đoạt sai trái trên. Công an huyện Hàm Thuận Nam cho hay:“Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam tập trung lực lượng tiến hành điều tra làm rõ… Do tính chất phức tạp của vụ việc, hầu hết các đối tượng đều ở các tỉnh phía Bắc và TP.HCM nên rất khó khăn trong công tác điều tra làm rõ. Hiện nay, Công an tỉnh và Viện kiểm sát tỉnh đang tập trung nghiên cứu hồ sơ, chỉ đạo xử lý vụ việc…nên thông báo để công ty khoáng sản Bình Thuận yên tâm chờ đợi kết quả xử lý, giải quyết”… Mặc dù trước đó một số nghi phạm đã được tạm giữ để điều tra nhưng sau đó đều được cảnh sát thả cho về.
Nhóm PV