Luật Giao thông đường bộ năm 2008, định nghĩa việc dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của xe cộ trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống xe, xếp dỡ hàng hóa hoặc làm công việc khác.
Còn đậu xe là trạng thái đứng yên của xe cộ không giới hạn thời gian.
Người điều khiển phương tiện giao thông nói chung, khi dừng, đỗ xe phải tuân thủ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
a) Bên trái đường một chiều;
b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
c) Trên cầu, gầm cầu vượt;
d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
g) Nơi dừng của xe buýt;
h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Như vậy, người tham gia giao thông đường bộ có hành vi dừng, đỗ không tuân thủ một trong các quy định trên, tức là vi phạm quy định của pháp luật. Tùy loại phương tiện, tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi, mà người vi phạm có thể bị phạt từ 300.000 đến 3 triệu đồng.
- Đối với việc dừng xe trên cầu: theo khoản 1, khoản 2, điểm c khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông dừng, đỗ trên cầu.
Việc dừng, đỗ trên cầu để mặc áo mưa được xem là hành vi gây cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác.
Đối với người đi xe máy (kể cả xe máy điện), vi phạm dừng xe trên cầu không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 400.000 – 600.000 đồng. Ngoài ra, có thể bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng vì dừng, đậu xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Trường hợp dừng xe, đậu xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định cũng bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng, theo Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Đối với ôtô, phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng do dừng xe trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng,…
Đồng thời, bị áp dụng các xử phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, theo quy định Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Đối với việc dừng xe dưới lòng đường: theo khoản 4, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, không có quy định cụ thể cấm dừng, đỗ trên đường để mặc áo mưa, nhưng quy định cấm dừng, đỗ trên một số phần đường như: bên trái đường một chiều, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi dừng của xe buýt, phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe...
Ngoài ra, một số trường hợp dừng, đỗ trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị hoặc dừng, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, thì được xem là vi phạm.
Người điều khiển xe máy, ôtô có hành vi dừng, đỗ dưới lòng đường không đúng quy định, có thể bị xử phạt 300.000-600.000 đồng.
Minh Hoa (t/h)