Vấn đề này lại được xới lên khi Bộ GTVT và Bộ Công an bất đồng quan điểm về việc giữ hay không giữ quy định này trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 71/2012/NĐ-CP đang được Bộ GTVT dự thảo.
Ảnh minh họa |
Cùng thời điểm này, dư luận cũng một phen rúng động trước một số “sáng kiến” xây dựng luật của một số cá nhân có thẩm quyền, như sáng kiến buộc người đi “kiện” (khiến nại, tố cáo) phải đặt cược tiền mới được đi kiện. Nhìn lại quá khứ, những “sáng kiến” làm luật và các quy định đã được ban hành có ảnh hưởng rất lớn đến người dân bị phản ứng dữ dội dẫn đến phải sửa và hủy đã đặt ra một câu hỏi nghiêm túc: tư duy xây dựng luật của một số cơ quan và cá nhân có thẩm quyền đang còn nhiều hạn chế?
Về quy định “xử phạt xe không chính chủ” được quy định trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP vốn không phải là quy định mới mà đã tồn tại trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP nhưng tại sao chỉ đến khi Nghị định này có hiệu lực thì nhiều người mới thực sự quan tâm?
Có lẽ, có 2 lý do khiến quy định này trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm đó chính là mức phạt rất cao và số lượng người dính lỗi rất nhiều. Những cuộc tranh luận liên quan đến tính đúng, sai của quy định này đã làm nóng các diễn đàn, các trang mạng xã hội vì phạm vi ảnh hưởng của quy định này rất lớn. Đa số ý kiến không đồng tình với việc quy định “phạt xe không chính chủ”. Điều này đã khiến Bộ GTVT phải rút bỏ quy định trong dự thảo Nghị định mới của Chính phủ.
Theo dự thảo Tờ trình Chỉnh phủ của Bộ GTVT, lý do rút quy định “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” vì thời điểm này, tính khả thi chưa cao, chưa được sự đồng thuận của đa số quần chúng nhân dân. Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu phương tiện còn chưa thuận lợi dẫn đến còn tồn đọng nhiều phương tiện chưa chuyển quyền sở hữu. Ngược lại, ý kiến khác cho rằng, tiếp tục giữ quy định này nhưng cần mô tả lại hành vi vi phạm và điều chỉnh mức phạt cho phù hợp.
Với dự thảo trên, Bộ GTVT đã nghiêng về phía những người phản đối quy định được cho là “bất hợp lý”. Phải chăng, sự tiếp thu của Bộ GTVT liệu có phải là do sức ép của dư luận hay xuất phát từ yếu tố khoa học bắt buộc phải theo khi xây dựng pháp luật?
Luật sư Nguyễn Minh Anh, trưởng VPLS Trí Minh phân tích:
Cần nhận diện việc “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” có phải là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hay không. Từ đó, mới đặt ra vấn đề phạt và mức phạt.
Trước hết phương tiện giao thông là một loại tài sản, thậm chí là tài sản có giá trị của mỗi cá nhân. Không chỉ tham gia giao thông, tài sản này còn tham gia cả thị trường tài sản, tài chính. Do vậy, khi tham gia các giao dịch về tài sản thì phương tiện giao thông là đối tượng của các quan hệ dân sự. Nếu các bên trong giao dịch không thực hiện việc “chuyển quyền sở hữu theo quy định” thì về mặt pháp lý, đó là các quan hệ dân sự có thể có tiềm ẩn tranh chấp và có thể bị tuyên bố là vô hiệu.
Việc không thực hiện đúng thủ tục của giao dịch dân sự vốn dĩ không phải là vi phạm hành chính, không làm phát sinh trách nhiệm hành chính nên không có cơ sở để xử phạt. Do đó, việc quy định về xử phạt hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” vốn dĩ đã không có cơ sở pháp lý.
Khi tham gia giao thông, không có quy định nào buộc công dân chỉ được sử dụng phương tiện đăng ký tên mình. Do đó, việc sử dụng xe của người khác là chuyện bình thường, không phải là vi phạm hành chính. Do đó, nếu xử phạt một cá nhân vì anh ta sử dụng phương tiện “không chính chủ” cũng là trái pháp luật.
Luật sư Minh Anh cho rằng : xét dưới góc độ lập pháp thì quy định trên không chỉ không có tính khả thi như nêu trong Tờ trình của Bộ GTVT mà quy định trên còn vi phạm pháp luật, thậm chí là vi hiến, giống như thông tư hạn chế sở hữu phương tiện mà Bộ Công an đã ban hành trước đây.
Xét các quy định này trên phương diện lập pháp, tôi thấy tư duy lập pháp rõ ràng còn lủng củng, chưa phân định rõ ràng từng lĩnh vực pháp luật để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.
Vi phạm hành chính biểu hiện quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và công dân, trong đó công dân đã có hành vi vi phạm trật tự quản lý hành chính. Còn giao dịch dân sự là biểu hiện mối quan hệ giữa công dân và công dân mà nếu phát sinh vi phạm thì do Tòa án phân xử. Không thể hành chính hóa quan hệ dân sự bằng việc xử phạt một cá nhân nào đó không tuân thủ hình thức của hợp đồng. Hơn nữa, hình thức của hợp đồng nếu không được tuân thủ thì chỉ phát sinh hậu quả là hợp đồng vô hiệu, không phát sinh trách nhiệm hành chính.
Với quy định thiếu căn cứ pháp lý trên thì việc không khả thi và bị người dân phản ứng cũng là tất yếu.
Theo Bình Minh (Pháp Luật Việt Nam)