Con người ta từ lúc thơ ấu đã biết định nghĩa rõ ràng về hai chữ “được” và “mất”. Một đứa trẻ con được cho bánh, kẹo hay đồ chơi thì thích thú nhưng nếu bảo nó chia sẻ cho một đứa trẻ khác thì nó đâu có chịu.
Theo năm tháng trưởng thành, ý niệm được mất cũng lớn lên theo con người. Dĩ nhiên khi lớn, người ta không còn tham lam một cách lộ liễu như thời trẻ con. Người ta biết sẻ chia hơn theo những quy chuẩn chung của xã hội. Nhưng dù sao thì “được” vẫn thích hơn là “mất”.
Được một ai đó quý mến làm ta kiêu hãnh nhất là được cấp trên cưng chiều thì lại càng tự hào. Được cho, được tặng quà cáp vật chất thì vui mừng khôn xiết. Ngược lại, mất một món đồ dù nhỏ cũng hậm hực mất vài ngày.
Mọi chuyện được mất trong đời đều do ở chính ta.
Cuộc sống con người vì thế cứ loay hoay hết ngày này sang tháng khác trong cái vòng được mất đó. Ấy chính đó là luân hồi dẫn ta đi hết bến mê này đến bến mê khác. Tham được tiền thì tìm đủ mọi cách để kiếm tiền thậm chí dùng cả những thủ đoạn không chính đáng để rồi kẻ thì vào tù ra tội vì tiền, kẻ thì ngồi trên đống tiền mà vẫn than bất hạnh.
Con người ai cũng thích được mà sợ mất, nhưng lại không biết rằng mỗi lần mất là ta đã trả được một món nợ. Vì theo thuyết nhân duyên nghiệp báo của nhà Phật, mọi sự đều có nguyên nhân gọi là nhân duyên. Khi các duyên hợp lại thì sự việc xảy ra. Nhân duyên có thể do chính ta tạo ra ở kiếp này hoặc kiếp trước hoặc có khi là ta phải gánh nghiệp duyên của đời cha ông ta. Dân gian ta có câu “đời cha ăn mặn đời con khát nước” chính là một câu nói biểu thị triết lý nhân duyên.
Nếu sống trong đời, có một ai đó luôn luôn đen đủi, gặp hết vận đen này đến vận đen khác chẳng qua là vì anh ta đang phải trả những món nợ của anh ta từ trước. Đến khi các món nợ dần dần vơi đi, đời anh ta sẽ tươi sáng hơn. Tất nhiên, nếu ở những nghiệp duyên trước, anh ta làm phúc giúp đỡ người khác (về tiền bạc hay về bất cứ điều gì) thì anh ta cũng sẽ được trả những nợ ấy qua những may mắn đến với anh ta.
Được với mất như hai mặt âm dương. Có mất (cho đi) thì mới có được. Được nhiều mà không chịu chia sẻ với xã hội, không chịu làm phúc giúp đỡ người khác (không chịu mất) thì cũng chẳng bền vì một lúc nào đó phúc duyên cũng hết.
Rốt cuộc lại, mọi chuyện được mất trong đời đều do ở chính ta. Ta muốn được nhiều thì ta phải cho đi nhiều để tạo ra cái nhân duyên tốt. Ta muốn được thì ta cũng phải vui lòng với những cái mất mát bất ngờ xảy ra dù nặng dù nhẹ. Vì đó mỗi lần như thế là ta đã trả được một món nợ của ta từ tiền kiếp hoặc trả nợ thay cho gia đình, cha ông đời trước. Hiểu được lẽ đó để bình tĩnh đối diện với được mất thì ta không bị nó đưa đi trong cái vòng quay cuồng mà tâm ta luôn an lạc.
Hương Quỳnh