Dược Cửu Long làm ăn ra sao dưới thời nguyên Tổng giám đốc vừa bị bắt?

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 4, 10/11/2021 08:13

Dược Cửu Long dưới thời ông Lương Văn Hoá làm Tổng giám đốc ghi nhận lỗ kỷ lục 31 tỷ vào năm 2011. Đây cũng là năm duy nhất DCL lỗ từ khi niêm yết trên sàn.

Ngày 9/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố, tạm giam ông Lương Văn Hoá, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (MCK: DCL) cùng nguyên Kế toán trưởng Nguyễn Văn Thanh Hải về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự. Cùng tội danh, nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tòng bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định các đối tượng tại CTCP Dược phẩm Cửu Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính về thực hiện, quyết toán hợp đồng đặt hàng, giữ lại 3.848.000 USD tiền giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Hồ sơ doanh nghiệp - Dược Cửu Long làm ăn ra sao dưới thời nguyên Tổng giám đốc vừa bị bắt?

Nguyên Tổng giám đốc, kế toán trưởng của Dược Cửu Long bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trước đó, hồi giữa tháng 4/2021, khi được Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) thông báo về quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/CSKT-P9, đại diện của Dược Cửu Long thông tin: Vụ án được xác định xảy ra vào năm 2005 – 2007, trước khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán cổ phiếu DCL trên sàn giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, tại thời điểm diễn ra sự việc, CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) vẫn chưa là công ty mẹ và cũng không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Dược Cửu Long.

Chính vì vậy, việc khởi tố và bắt giam 2 nguyên lãnh đạo của Dược Cửu Long không liên quan tới bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào của DCL hiện nay hay bất kỳ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban Tổng giám đốc đương nhiệm của công ty.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Dược Cửu Long vẫn diễn ra bình thường, theo đúng các kế hoạch đề ra, tình hình quản trị Công ty ổn định.

Dược Cửu Long dưới thời ông Lương Văn Hóa

Dược phẩm Cửu Long tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Dược Cửu Long, đến năm 1992 đổi tên thành Công ty Dược và Vật tư ý tế Cửu Long. Đến tháng 8/2004, Công ty này chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần với tên gọi như hiện nay. Vốn điều lệ ban đầu là 56 tỷ đồng. Đến tháng 9/2008, Dược Cửu Long niêm yết trên Sàn chứng khoán Tp.HCM. Năm 2015, CTCP F.I.T trở thành cổ đông lớn của Dược Cửu Long với tỉ lệ sở hữu là 59,2%.

Ông Lương Văn Hóa (SN 1957, quê Trà Vinh) giữ chức Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Cửu Long từ năm 2005. Ngày 21/4/2016, HĐQT công ty đã quyết định cho ông Hóa thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc. Vậy tình hình kinh doanh của Dược Cửu Long như thế nào dưới thời ông Lương Văn Hóa làm lãnh đạo?

Trong giai đoạn năm 2006-2015, doanh thu của DCL tăng từ mức 350 tỷ đồng (năm 2006) lên mức 674 tỷ đồng (năm 2015). Trái ngược với sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế của DCL trong giai đoạn ông Hóa lãnh đạo thu về không đều đặn, cao nhất đạt 61 tỷ (năm 2015) và thấp nhất lỗ 31 tỷ (năm 2011).

Cũng trong giai đoạn này, quy mô tài sản tăng từ 268 tỷ (năm 2006) lên 780 tỷ (năm 2015), vốn sở hữu từ 69 tỷ đồng (năm 2006) tăng lên 567 tỷ đồng (năm 2015).

Còn nợ phải trả của Dược Cửu Long lên cao nhất vào năm 2011 với 607 tỷ đồng. Trong, đó nợ vay tài chính 492 tỷ đồng, chiếm 56% tổng nguồn vốn và gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, những năm sau đó, danh mục nợ phải trả giảm về 213 tỷ đồng (năm 2015).

Cổ phiếu lập đỉnh lịch sử 

Về tình hình kinh doanh của Dược Cửu Long hiện nay, riêng quý III/2021, doanh thu đạt 152 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ, đạt 17 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng gần 10% lên mức 518 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm chi phí tài chính và chi phí bán hàng nên DCL ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 77 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 44% lên mức 62 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, DCL dự kiến doanh thu đạt 805 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 110 tỷ đồng. Như vậy, DCL đã đạt lần lượt 64% kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của Dược Cửu Long giảm 8% so với hồi đầu năm, đạt 1.652 tỷ đồng, trong đó chủ yêu là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (478 tỷ), khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (203 tỷ), hàng tồn kho (315 tỷ).

Hồ sơ doanh nghiệp - Dược Cửu Long làm ăn ra sao dưới thời nguyên Tổng giám đốc vừa bị bắt? (Hình 2).

Diễn biến thị giá cổ phiếu DCL từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Tradingview)

Nợ phải trả của DCL cũng giảm 21% so với hồi đầu năm, còn 657 tỷ đồng do không còn ghi nhận 448 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi tính đến ngày 30/9. Tuy nhiên, về nợ vay tài chính của DCL gia tăng 26% so với hồi đầu năm, đạt 378 tỷ đồng. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn là 268 tỷ, tăng thêm 6 tỷ so với đầu năm; nợ vay dài hạn tăng thêm 73 tỷ đồng, ghi nhận ở mức 110 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu DCL hồi cuối tháng 5 đã có giai đoạn tăng mạnh với 6 phiên kịch trần, leo lên đỉnh lịch sử 53.000 đồng/cổ phiếu (phiên 16/6). Hiện tại, chốt phiên 9/11 tăng 4,9% lên mức 41.000 đồng/cổ phiếu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.