Ông Mưu Quý Sường (Trù Hựu, Lục Ngạn, Bắc Giang) đã được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai vào ngày 29/1. Việc xin lỗi đã được thực hiện, vậy việc bồi thường những tháng ngày oan sai của ông Sường sẽ ra sao khi các cán bộ điều tra thời gian ấy đã mất?
Thông tin với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Văn Hòa (người đồng hành cùng gia đình trong quá trình kêu oan cho ông Sường) cho biết, liên quan đến việc bồi thường đối với ông Sường, phía gia đình đã ủy quyền cho luật sư và phía luật sư đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để phía gia đình ông Sường được nhận bồi thường đúng theo quy định pháp luật.
Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Trần Huy Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ, theo quy trình thủ tục để giải quyết bồi thường oan sai trong một số vụ án đã được áp dụng trong các vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ yêu cầu bồi thường, cơ quan nhận hồ sơ phải thụ lý (theo Điều 17, luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; khoản 1, Điều 9, Nghị định 16/NĐ-CP; khoản 2, Điều 13, Thông tư liên tịch 05/TTLT).
Trong thời hạn 20 ngày (có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày), cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại theo khoản 1, Điều 18, luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức chủ trì, thương lượng với người bị thiệt hại, trong trường hợp phức tạp thì cũng không được quá 45 ngày (theo khoản 1, Điều 19, luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước).
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định bồi thường (theo Điều 20, luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; khoản 1, Điều 17, Thông tư liên tịch số 05/TTLT).
Cùng quan điểm về vụ việc này, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trước vụ việc oan sai của ông Sường đã có một số vụ oan sai khác được giải quyết chế độ bồi thường như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén... Tuy nhiên trong vụ việc này, ông Sường đã mất thì những người thừa kế hợp pháp của ông này sẽ là những người đứng ra làm thủ tục yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan sai và nhận số tiền oan sai của ông này.
“Trong gia đình có thể cử ra người đại diện làm các thủ tục yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan sai cho ông Sường. Quy trình thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu gia đình ủy quyền cho luật sư thì tất cả những người thừa kế hợp pháp phải có giấy đồng ý ủy quyền cho luật sư ấy. Sau khi nhận được tiền bồi thường thì các cá nhân tự thỏa thuận mức hưởng, nếu không thỏa thuận được thì Nhà nước sẽ có một tài khoản tạm giữ để giữ lại số tiền ấy”, luật sư Ứng chia sẻ thêm.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 35, luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì trách nhiệm bồi thường thuộc trách nhiệm của VKSND.
Các cán bộ điều tra đều đã mất
Trao đổi với PV, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, việc bồi thường trong vụ ông Mưu Quý Sường sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật. Liên quan đến vụ án, vị này cũng chia sẻ thêm, cán bộ thụ lý điều tra và cán bộ chỉ đạo điều tra đều đã mất vì vụ án được khởi tố cách đây đã hơn 40 năm.