Quỹ TAEL Two Partner ngày 3/5 đã đăng ký bán toàn bộ 55 triệu cổ phiếu GTN của CTCP GTNFoods. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ 10/5-7/6/2019.
Phương thức giao dịch được quỹ ngoại thông báo là đăng ký bán trong đợt chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk. Đối với các đợt chào mua công khai, giá giao dịch sẽ chính là giáo chào mua, 13.000 đồng/cp trong khi tại phiên giao dịch chiều 6/5, giá cổ phiếu GTN xoay quanh ngưỡng 17.550 đồng/cp.
Với giá chào mua công khai, thương vụ này trị giá 715 tỷ đồng. Còn tính theo thị giá, Tael Two Partners sẽ thu về khoảng 965 tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới đầu tư, việc quỹ TAEL chấp thuận bán cổ phần GTN cho Vinamilk được dự báo sẽ mở đường cho các quỹ ngoại khác.
Vinamilk hiện là cổ đông sở hữu 5,78 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,32% cổ phần GTN. Trước đó, Vinamilk đã 2 lần gửi đề nghị chào mua công khai 117 triệu cổ phiếu GTN nhằm tăng tỷ lệ sở hữu dự kiến lên đến 49%. Tuy nhiên phương án chào mua công khai không được HĐQT của GTNfoods chấp thuận. 3/6 phiếu không đồng ý với đề nghị chào mua này, bao gồm cả phiếu chủ tịch HĐQT GTN không đồng ý. Trong khi đó bà Chew Mei Ying - Giám đốc của TAEL Two Partner là 1 trong 3 thành viên khác đồng ý với phương án trên.
Ngoài TAEL Two Partners, hiện GTN còn có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài khác với tổng tỷ lệ sở hữu 31,6%; trong đó có cổ đông lớn PENM IV Germany GmbH & Co.KG sở hữu 6%. Phía nhà đầu tư trong nước có các cổ đông lớn là CTCP Invest Tây Đại Dương có 28% vốn, CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) chiếm 8,03% vốn, CTCP Đầu tư BZZ có 7% và ông Nghiêm Văn Tùng nắm 5% cổ phần.
Quay trở lại việc 3/6 phiếu không tán thành chủ trương chào mua công khai, câu hỏi đặt ra là liệu có mâu thuẫn giữa HĐQT hiện tại và Vinamilk. Về vấn đề này, bà Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 19/4 rằng, quan điểm của Vinamilk là mong muốn đôi bên cùng ngồi lại để phát triển.
"Chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta cứ phát triển nhỏ lẻ thì không thể cạnh tranh được. Muốn cạnh tranh quốc tế, chúng ta phải ngồi lại với nhau, tạo thành bó đũa không thể bẻ gãy được”, Tổng giám đốc Vinamilk nói.
Bà Mai Kiều Liên khẳng định Vinamilk không bao giờ muốn làm gì “hại bạn, lợi mình”. “Chúng tôi đã ngồi lại với GTN và cũng đã đạt được những điểm chung nhất định”, bà Liên tiết lộ.
Theo một báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lý do chính khiến Vinamilk mong muốn mua lại cổ phần GTN là nhắm đến Sữa Mộc Châu. Công ty này có chỗ đứng vững chắc tại miền Bắc và Vinamilk dự kiến hỗ trợ Sữa Mộc Châu mở rộng quy mô, mạng lưới phân phối.
Đối với mảng sữa nước Việt Nam, Mộc Châu chiếm 6% thị phần, Vinamilk dẫn đầu với 55%, tiếp đến là TH True Milk 11%, FrieslandCampina Việt Nam (sở hữu thương hiệu Cô gái Hà Lan) chiếm 7%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng thị trường miền Bắc, Mộc Châu đang nắm 23% thị phần, chỉ đứng sau Vinamilk với 40%. Nếu 2 bên có thể chính thức đi đến hợp tác, 2/3 thị trường sữa nước miền Bắc sẽ được quy về một mối.
Mặt khác, Mộc Châu Milk còn có 24.000 bò sữa nuôi trên diện tích 1.000ha, tạo ra 100.000 tấn sữa tươi hàng năm. Doanh nghiệp này cũng tham gia vào đầy đủ các ngành hàng gồm sữa tiệt trùng, thanh trùng, sữa chua và các sản phẩm khác từ sữa như bánh sữa, váng sữa, phô mai, bơ.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng không loại trừ khả năng ngoài mộc Châu Milk thì đích nhắm của Vinamilk trong thương vụ này là Vinatea - thương hiệu trà vô cùng tiềm năng của GTN.
Hiếu Nguyễn