Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin 7 học sinh trường THPT Nguyễn Trãi bị đuổi học do có hành vi chửi bới, xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội facebook. Ngay sau đó, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi, TP.Thanh Hóa cho biết, trường đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định về việc kỷ luật 7 em học sinh.
Tuy nhiên, câu chuyện về việc sử dụng mạng xã hội facebook thế nào và quyết định kỷ luật trước đó của Hiệu trưởng trường này liệu có quá khắt khe? Những thắc mắc này cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm. Bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ quan điểm riêng của mình về vấn đề này.
Chia sẻ ý kiến của mình, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng: “Việc xử lý như vậy là hoàn toàn sai, xâm phạm đời tư. Cái chính là làm sao để giáo dục ý thức cho các học sinh, khi mà lứa tuổi của các em còn rất trẻ và bồng bột. Đồng thời, cũng nên tập một thói quen là không phải ai lúc nào cũng nói tốt về mình. Nếu người khác có gì hiểu sai, hãy uốn nắn.
Tôi cũng rất chia sẻ với cô giáo cảm thấy bị xúc phạm khi học sinh nói vậy với mình, nhưng nên giải quyết vấn đề một cách sư phạm. Chúng ta không có quyền tước đi quyền được học tập của các em khi đuổi ra khỏi trường như vậy. Điều đó sẽ khiến các em học sinh dễ sa ngã, hư hỏng hơn. Đó là điều đáng buồn cho cả gia đình, xã hội và bản thân các học sinh”.
Cũng bày tỏ quan điểm của mình ở góc độ pháp luật trong vụ việc đuổi 7 học sinh chửi giáo viên trên facebook, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết: “Theo tôi, việc đuổi học sinh phải theo quy chế, phải theo quy định chứ không phải vì nói xấu trường trên mạng xã hội mà đuổi. Nhỡ nói xấu nhưng mà lại là sự thật thì sao?
Nên, việc xử lý một người nào đó phải dựa trên hậu quả, tính chất, mức độ và hành vi. Phải đối chiếu các quy định về nội quy, về pháp luật chứ không phải thấy hiện tượng như vậy là đuổi. Khi xử lý một vấn đề, đặc biệt là một mối quan hệ nào đó để xử lý về trách nhiệm cần phải hết sức thận trọng, áp dụng đúng quy định của pháp luật”.