Nếu các học sinh nói xấu cô giáo rồi đưa tin lên trên các phương tiện công cộng như mạng xã hội thì việc này rõ ràng là không thể chấp nhận được. Nhưng nếu đây chỉ là mấy lời nói xấu nhỏ rỉ tai nhau thì chúng ta cần giáo dục trẻ thay vì tìm cách loại bỏ trẻ ra ngoài môi trường giáo dục.
Ngày nay, một bộ phận khá đông người lớn, mà trong đó là giáo viên và cha mẹ, có suy nghĩ rằng mình là bề trên nên có quyền hành và được hưởng ưu ái hơn trẻ em trong các trường hợp thi hành luật. Điều này là hoàn toàn sai, thậm chí có thể gây ra hiệu ứng ngược về giáo dục.
Trẻ em hay người lớn cũng phải được xem xét công bằng về luật lệ, quy định. Giáo viên và phụ huynh tuyệt đối không có quyền can thiệp cũng như xâm phạm vào đời tư của trẻ. Những hành vi vi phạm phổ biến nhất thường gặp là việc tự ý đọc sách vở, nhật kí, xem điện thoại, tin nhắn, đọc trộm các thông tin của trẻ, tự ý tìm hiểu thông tin thông qua bạn bè, thầy cô giáo. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ tự tử do bị bố mẹ xâm phạm quá đáng đến đời tư.
Là giáo viên, cô giáo chắc chắn phải biết về quyền được bảo mật thông tin và tính riêng tư của trẻ. Giáo viên hay cha mẹ cũng không có quyền được xâm phạm vào. Như trong trường hợp trên, người giáo viên này còn tự ý đem những tin nhắn đó đưa cho các thầy cô giáo khác và cả hội đồng trường cùng xem.
Rõ ràng là một bộ phận giáo viên của ngôi trường này đã cùng nhau xâm phạm vào thế giới riêng của người khác mà ở đây là học sinh. Khi xâm phạm vào việc riêng của trẻ, chính người giáo viên đã vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Vậy nhưng tôi chưa thấy có hình thức kỷ luật giáo viên trong trường hợp này.
Khi trẻ có những bức xúc dạng như vậy, giáo viên rất cần tìm hiểu xem bản thân đã làm việc gì khiến trẻ có suy nghĩ không tốt. Nếu đã xét đến kỷ luật, nhà trường nên họp hội đồng kỷ luật cả giáo viên lẫn học sinh. Những người giáo viên cũng phải chịu các hình thức kỷ luật phù hợp. Các em học sinh cũng cần kiểm điểm để nhìn nhận lại hành động của mình.
Nhận những lời nhận xét không thiện cảm từ phía học sinh của mình là điều mà bất kể giáo viên nào cũng sẽ phải chịu đựng. Lý do đơn giản là nghề giáo là nghề làm việc với các tập thể con người chứ không phải riêng từng người nào. Mỗi cá nhân lại có sở thích và suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Có em học sinh thì thích kiểu cách dạy này, có em lại thích kiểu cách khác. Thậm chí việc chấm thi, kiểm tra cũng có thể khiến các em khó chịu nếu như điểm số của các em không bằng bạn bè dù việc đánh giá đó là chính xác.
Vì thế, việc học sinh có những nhận xét tiêu cực cho giáo viên là chuyện không quá xa lạ. Tuy nhiên, nếu người giáo viên chấp nhận dành thời gian tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và suy nghĩ của trẻ thì sẽ dễ dàng xóa bỏ được những giận hờn dạng này của học sinh.
Bản thân tôi cũng đã nhiều lần xử lý những cơn hờn giận kiểu đó. Nhưng rồi sau hơn 20 năm đi dạy, tôi nhận ra rằng: người trẻ tuổi, hay trong môi trường này là các học sinh, thường bao dung và dễ tha thứ hơn người lớn tuổi (các thầy cô giáo).
Trong khi vụ việc các em quên lâu lắm rồi thì đôi khi các thầy cô vẫn còn nhớ rất kĩ càng. Và sau vài năm ra trường, trong tim các em, thầy cô giáo vẫn hết sức lung linh và đáng yêu. Vậy tại sao người lớn chúng ta không mở lòng ra để kéo gần khoảng cách mà lại vì một sự vụ giận hờn để làm cho mọi việc trầm trọng đến vậy. Theo tôi, những người giáo viên ở ngôi trường này nên nhìn nhận lại vấn đề.
TS Vũ Thu Hương – Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả