Dự án đầu tư tuyến đường vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến Giáp Bát, huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai) được UBND TP.Hà Nội quyết định phê duyệt từ năm 2002. Dự án có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng cho chiều dài hơn 2km, xây dựng theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Nhưng sau 15 năm, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Dự án có điểm đầu từ Đầm Hồng thuộc phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, đoạn này còn hàng chục ngôi nhà chưa được giải phóng mặt bằng, nhiều chỗ cây cối um tùm, đường chưa được hình thành.
Lãnh đạo ban Giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho biết, đến nay quận đã phê duyệt, đền bù và giải phóng được trên 40.000m2 (chiếm hơn 69%) trong tổng số diện tích thu hồi, phần còn lại chưa giải phóng được là do các hộ dân có đơn thư kiến nghị.
Ông Vũ Khắc M., tổ 48, phường Định Công cho rằng, quy hoạch đã bị thay đổi “từ đường thẳng nắn thành cong”, người dân chưa từng nhận được hồ sơ nào liên quan đến quy hoạch làm đường từ phía cơ quan chức năng nên không chấp nhận giải tỏa. Đây cũng chính là lý do 45 hộ dân ở phường Định Công và Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) làm đơn kiến nghị vì cho rằng mình bị lấy đất vô lý.
Trao đổi với PV, ông Giang Chí Trung, Trưởng ban Giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị đã tổ chức hội nghị giữa UBND quận và nhiều sở, ngành liên quan, công khai hồ sơ, bản vẽ cho các hộ dân, tính đến nay chỉ còn khoảng chục hộ chưa đồng ý việc kê khai, giải phóng mặt bằng.
Hiện, dự án đã có mặt bằng với khoảng hơn 600m thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai) và Khương Trung (quận Thanh Xuân). Ở đây, các đơn vị đang thi công phần cống thoát nước.
Ông Giang Chí Trung thông tin thêm: “Chúng tôi đã báo cáo với quận, kiến nghị thành phố cho áp dụng chính sách để tháo gỡ. Lực lượng chức năng quận Hoàng Mai dự kiến giải quyết tồn tại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2017 để sớm có mặt bằng thi công và thông xe trong năm 2018; trong trường hợp các hộ dân cố tình không chấp hành thì sẽ tổ chức cưỡng chế.
Ngân Giang