Đường cao tốc 1.500 tỷ/km: 'Chỉ sợ khi hoàn thành sẽ đội vốn'

Đường cao tốc 1.500 tỷ/km: 'Chỉ sợ khi hoàn thành sẽ đội vốn'

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 2, 24/10/2016 16:32

GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, cần kiểm soát kỹ DA đường cao tốc trên cao và đường mở rộng từ Mai Dịch- Cầu Thăng Long, đừng để chi phí 1500 tỷ đồng/km ban đầu đội vốn gấp đôi, gấp ba khi hoàn thành.

"1.500 tỷ đồng/km đường vành đai 3, chỉ sợ đến lúc hoàn thành sẽ đội vốn lên 2000-2500 tỷ đồng/km", đó là chia sẻ của GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển- ĐH Kinh tế Quốc dân về mức đầu tư cho hai dự án đường vành đai 3, đoạn cầu Mai Dịch- Cầu Thăng Long và đường cao tốc trên cao tới đây.

Theo đó, tổng mức độ đầu tư cho 2 dự án lên tới gần 8.500 tỷ đồng cho hơn 5km chiều dài. Cụ thể, với dự án đường trên cao dài 5,364km, tổng đầu tư 5.343 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 3.696 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.600 tỷ đồng. Với dự án đường mở rộng bên dưới, có chiều dài 5,5km, tổng đầu tư 3.110 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 820 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi km chiều dài cho cả đường cao tốc trên cao và đường mở rộng phía dưới, đoạn từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long vào khoảng 1.500 tỷ đồng/km.

Xã hội - Đường cao tốc 1.500 tỷ/km: 'Chỉ sợ khi hoàn thành sẽ đội vốn'

 Cầu cạn nối từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long được làm ở dải phân cách giữa trên đường Phạm Văn Đồng, và thiết kế giống với đường Vành đai 3 trên cao. (ảnh VNE)

Theo GS. TS Đặng Đình Đào, hiện nay mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án đầu tư vào đường xá của Việt Nam đang đứng đầu thế giới. Nói về con số trung bình 1.500 tỷ đồng/km, GS Đào cho biết:

“Suất đầu tư của Việt Nam đang được coi là đứng đầu thế giới, cao hơn mức đầu tư trung bình cho đường cao tốc của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Từ một ví dụ như đường Kim Liên nối dài, gần 2,5 tỷ đồng/m2 thì với mức đầu từ 1.500 tỷ đồng/km như ở đoạn đường kể trên thì cũng bình thường thôi.

Điều quan trọng nhất, chỉ sợ dự toán là vậy nhưng khả năng cao khi công trình hoàn tất thì mức đội sẽ lên gấp đôi, gấp ba thì sao? Việt Nam không cần cố gắng để giành các kỷ lục về phí đầu tư xây dựng đường nữa mà thực tế đã là như vậy rồi…”

Xã hội - Đường cao tốc 1.500 tỷ/km: 'Chỉ sợ khi hoàn thành sẽ đội vốn' (Hình 2).

 GS.TS Đặng Đình Đào: Việt Nam không cần nỗ lực giành các kỷ lục về chi phí đầu tư đường sá mà thực tế đã là như vậy... Chi phí đầu tư cho các dự án đường ở Việt Nam luôn thuộc diện cao nhất thế giới

GS. Đào nhắc lại câu chuyện đường sắt cao tốc Hà Đông, Cát Linh làm một ví dụ. Dù đã đội chi phí lên nhiều lần, nhưng cho đến nay, thời gian dự kiến bàn giao công trình đã qua khá lâu nhưng đường thì vẫn chưa xong, tàu thì vẫn chưa thấy.

Lý giải về khả năng bị đội vốn đầu tư trên tuyến đường này, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, có rất nhiều lý do mà các chủ đầu tư thường sử dụng như chậm giải phóng mặt bằng, phải di dời các công trình xã hội, những lý do về địa chất như có nước ngầm, có túi nước ngầm, hang, hốc,…

GS. Đào băn khoăn:  “Những lý do này, chủ đầu tư họ đưa ra, ai sẽ là người kiểm tra xem có hang hốc, túi nước ngầm bên dưới dầm cầu hay không? Nếu ở trong khu dân cư như đoạn đường Xã Đàn- Kim Liên mới thì còn có lý, người dân còn biết được. Nhưng ở đây là đường vành đai, ai sẽ kiểm tra, kiểm soát đây?".

“Đây mới chỉ là những khả năng rủi ro. Tôi hi vọng rằng nó sẽ không diễn ra. Nhưng cũng vì thế mà cần phải kiểm soát rất chặt. Cũng từ câu chuyện này, đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan nếu để các dự án bị đẩy vốn lên cao diễn ra. Không thể để tình trạng cha chung không ai khóc, tiền ngân sách, tiền vốn ODA cứ bị “móc túi” ngày càng nhiều mà không ai phải chịu trách nhiệm. Cuối cùng, lại đẩy vào phí, vào việc chi trả của người dân”, GS. Đào khuyến cáo.

GS. Đào cũng khẳng định, với đoạn đường từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long, có những đoạn thắt nút thường xuyên tắc đường thì việc giải phóng mặt bằng, mở rộng đường phục vụ dân sinh là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng một con đường phía trên một con đường khác với diện tích mở rộng cần thiết đến đâu, cần phải có những tính toán kỹ lưỡng nhằm tiết kiệm tiền ngân sách và tránh gây lãng phí với nhu cầu sử dụng ở từng địa điểm. 

Đ.H

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.