Chiều 18/7, tại UBND tỉnh Đắk Nông, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Nông về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2019.
Báo Người Lao Động đưa tin, báo cáo của Công an tỉnh Đắk Nông cho thấy, từ nguồn tin báo của người dân, về việc 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn bán xăng có mùi hôi như thuốc trừ sâu và tiếng nổ của động cơ không bình thường, Công an tỉnh Đắk Nông đã xác lập chuyên án phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán xăng giả do đại gia Trịnh Sướng cầm đầu. Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 28 bị can về tội sản xuất và buôn bán xăng giả.
Trong khi lời khai ban đầu, các đối tượng khai bán ra gần 19,5 triệu lít, thu lợi 135 tỉ đồng thì mới đây, báo Tuổi Trẻ đưa tin, cơ quan điều tra cho hay, từ 1/1/2017 đến nay, các đối tượng dùng 4.200 tỉ đồng để mua dung môi, các chất làm tăng chỉ số octan (toluene, MTBE, NMA, methanol…) và sản xuất ra khoảng 350 triệu lít xăng giả bán ra thị trường.
Đáng nói, đại diện Cục Quản lý hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, có rất nhiều hóa chất độc hại được sử dụng để tăng chỉ số octan trong xăng, làm xăng giả. Trong đó, có những chất có thể dùng để sản xuất thuốc diệt cỏ, trừ sâu hoặc tiền chất ma túy. Riêng chất toluene sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, rất độc hại, dễ gây nổ, tiếp xúc thời gian dài gây tổn hại hệ thần kinh trung ương, gây ung thư…
Theo vị đại diện này, những dung môi dùng pha vào xăng đang được kiểm soát khá chặt chẽ đầu vào. Tuy nhiên, để quản lý chặt hơn đầu ra, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan.
Một lãnh đạo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết sau khi Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả, hiện ở một số tỉnh, thành tồn kho rất nhiều dung dịch có thể dùng để sản xuất xăng giả. Ban chỉ đạo sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề quản lý các dung môi này.
Đến nay, cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại gồm: hơn 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế để tạo thành xăng giả, 432.474 lít dung môi chưa pha, 250.000 lít dung dịch (chưa rõ chủng loại), 138.203 lít dầu DO, 260.000 lít xăng A95...
Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho hay, nếu để các đối tượng pha chế xong rồi mới kiểm tra thì chỉ bị xử lý hành chính về việc xăng kém chất lượng nên buộc phải bắt quả tang quá trình sản xuất. Các đối tượng đã làm xăng giả bán ở nhiều tỉnh, thành với số lượng đặc biệt lớn trong một thời gian dài, thu lợi bất chính nhiều tỉ đồng.
Mộc Miên (Tổng hợp)