Cách đây không lâu, báo chí đưa tin, sáng 5/7, tại sân trụ sở TAND huyện Đông Hòa (Phú Yên), bà Nguyễn Thị B. (83 tuổi, ở thôn Phước Lương, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) đã tự thiêu và tử vong tại chỗ. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên được người nhà nạn nhân cho rằng chồng cũ chưa trả hết số vàng đã nợ (liên quan đến bản án Dân sự năm 2009) nên bà B. đã nhiều lần nói là sẽ tự thiêu. Tưởng rằng bà chỉ dọa, chứ không ngờ bà làm thật.
Thời điểm đó, lãnh đạo TAND huyện Đông Hòa cho rằng, bà B. cũng đã yêu cầu Chi cục Thi hành án thi hành bản án. Và, cơ quan thi hành án cũng đã thi hành một phần bản án. Vì tòa án gần với cơ quan thi hành án nên bà B. vào nhầm?!
Tự thiêu không phải là lối thoát- Ảnh minh họa.
Sau đó, ngày 26/7 bộ Tư pháp đã tổ chức buổi họp báo tổng kết công tác 6 tháng đầu năm. Trong đó, nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn luận. Liên quan đến vụ việc bà Nguyễn Thị B. tự thiêu và tử vong tại chỗ, cùng với một số thông tin cho rằng, vụ việc có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, trả lời báo chí, ông Hoàng Sỹ Thành- quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, bộ Tư pháp cho biết: Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp vào tỉnh Phú Yên để kiểm tra làm rõ. Đến thời điểm này, đoàn công tác đã có báo cáo về Bộ, qua đó cho thấy việc bà B. tự thiêu không liên quan đến thi hành án dân sự.
Cũng theo ông Thành, qua điều tra, công an tỉnh Phú Yên cũng đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự về vụ việc này. Mặc dù vậy, ông Thành cũng cho hay, qua kiểm tra cho thấy, bà B. có đến 3 vụ việc phải THADS chứ không phải một vụ việc.
Mặc dù, mỗi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã rốt ráo đưa ra câu trả lời về nguyên nhân vụ việc. Và, đây không phải vụ việc hy hữu mà người dân tìm đến cái chết để "trút" những uẩn ức liên quan đến việc cơ quan công quyền không giải quyết thoả đáng quyền lợi của họ.
Gần đây nhất, chiều 24/9, một người đàn ông mang theo bình đựng đá màu đỏ đến ngồi ở ghế đá trước cổng công an phường 8, quận 3, TP.HCM tự thiêu, khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Xung quanh cái chết của người đàn ông cũng có nhiều đồn đoán. Tuy nhiên, vì bất kỳ lý do gì thì sự huỷ hoại bản thân của người đàn ông trên cũng là câu chuyện đau lòng và nhiều người cho rằng, cái chết không phải là lối thoát và hướng giải quyết duy nhất.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Minh nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội nhận định: "Có một điều đáng suy nghĩ nhất là người dân cho rằng cái đúng đã không được pháp luật bảo vệ. Niềm tin vào công lý mà các cơ quan hành pháp và tư pháp là người đại diện cho nhân dân để thực thi đang bị xói mòn nghiêm trọng. Nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những tiêu cực hiện nay trong bản thân nội tại của các cơ quan thực thi pháp luật. Đó thực sự là một vấn đề đáng lo ngại hiện nay".
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga cho rằng, để ngăn chặn, hạn chế những vụ việc, hiện tượng trên, cần phải được xem xét giải quyết trên nhiều phương diện. Thứ nhất là phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong nhân dân để mọi người nhận thức rõ trách nhiệm công dân của mình và phải có niềm tin vào công lý. Song song với việc nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân thì các cơ quan tư pháp phải tự mình đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ một cách quyết liệt, hiệu quả; đề cao trách nhiệm bảo vệ công bằng và lẽ phải, thực sự là chỗ dựa tin cậy của người dân. Chỉ có như vậy những hiện tượng bất thường như trên mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi.
Cảnh tỉnh việc thực thi pháp luật
Những hành động này thực sự là một hiện tượng báo động, cảnh tỉnh cho việc thực thi pháp luật hiện nay. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Thị Tố Quyên- Phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên truyền xung quanh các vụ tự thiêu xảy ra thời gian vừa qua.
Vừa qua xảy ra một số trường hợp người dân tự huỷ hoại bản thân ngay tại cơ quan công quyền bằng hình thức tự thiêu khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Tiến sỹ đánh giá ra sao về hiện tượng này?
Bản thân tôi thực sự chia sẻ với gia đình, người thân của những người dùng hình thức này để huỷ hoại bản thân. Những vụ việc như cụ bà tự thiêu trước cơ quan thi hành án, rồi thanh niên tự thiêu trước trụ sở công an thì hầu hết những người này cũng đã từng có việc liên quan đến hoạt động chuyên môn của các đơn vị này. Chính vì thế, dư luận không tránh khỏi những băn khoăn về việc làm của họ.
Có hai khía cạnh nổi lên. Khía cạnh thứ nhất là cơ quan thực thi pháp luật giải quyết chưa đúng, chưa thấu đáo, chưa đầy đủ hoặc sai, gây nên những bức xúc, thậm chí gây nên những thiệt thòi, phẫn uất trong người dân. Người dân tự thiêu, chấm dứt sự sống của mình nói lên sự bất lực tột độ của họ trước xã hội.
Họ có đấu tranh, có nhờ đến các cơ quan thực thi pháp luật cũng chỉ mong muốn chất lượng sống tốt hơn nhưng đến sự sống là điều quý giá nhất của mỗi con người mà người ta còn không tiếc, không quý thì... Thực tế, nhiều người dân đến các cơ quan này, đi lại nhiều lần, giải quyết không được, giải quyết không thấu đáo, thậm chí có những vụ việc giải quyết có phần bất công (theo nhìn nhận của người đó - PV) nên họ không biết kêu ai. Họ không biết tỏ thái độ thế nào và một số người chọn cách phản kháng tiêu cực, tìm đến cái chết để cảnh báo đến cơ quan công quyền. Đấy là một hiện tượng xã hội đáng báo động trong xã hội của chúng ta hiện nay.
TS.Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Như tiến sỹ vừa nhận định, một số trường hợp tự từ bỏ cuộc sống là để phản ứng lại với xã hội và là một hiện tượng đáng báo động?
Những sự việc đáng tiếc xảy ra hầu hết liên quan đến việc giải quyết lợi ích chính đáng của người dân của các cơ quan chức năng. Đó là sự lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và vận dụng các vấn đề pháp luật hợp tình, hợp lý phù hợp pháp luật Việt Nam. Vai trò của cơ quan công quyền nói chung, đặc biệt là cơ quan hành pháp và tư pháp còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Qua dư luận, qua tổng kết, điều tra và ngay bản thân tôi cũng được nghe không ít lời kêu ca phàn nàn của người dân. Sự hạch sách, chuyên quyền, thậm chí đâu đó còn là sự mất phẩm chất, thoái hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên những người thực thi pháp luật, những người thực thi công vụ đã không thực hiện đúng vai trò của mình, tạo ra những sự bất công bằng, vi phạm pháp luật. Và, nó gây nên những vấn đề bức xúc đến lợi ích của công dân. Nguy hại hơn, những yếu tố này ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận người dân.
Theo bà làm gì để hạn chế hệ quả của những phản ứng tiêu cực này?
Khi có các hiện tượng như vậy, các cơ quan chức năng cần phải xem xét và đánh giá vụ việc cụ thể. Đặc biệt là các cơ quan có hiện tượng đó xảy ra trước cổng cơ quan đó phải điều tra, nhìn nhận thẳng vấn đề. Các cơ quan cấp trên phải có sự vào cuộc tìm hiểu, đánh giá, xem xét thực chất các vụ việc đó là gì, phải có sự thẩm định về sự đúng sai thuộc về ai. Nếu trách nhiệm thuộc về người dân, họ tiêu cực chọn cái chết thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng nguồn gốc của hành vi tự thiêu ấy bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm thuộc về cán bộ công quyền trong bộ máy thì chúng ta phải xử lý triệt để. Nếu có oan sai thì phải sửa sai. Thậm chí phải có sự đền bù về mặt tài chính với các vụ việc đã xảy ra.
Xin đừng “đá bóng” trách nhiệm
Còn với những nguy cơ tương tự trong tương lai của hiện tượng này thì sao thưa bà?
Theo tôi, để giải quyết tận gốc nguy cơ của những vụ việc tương tự trong thời gian tiếp theo, công việc cũng không hề đơn giản và cần một sự nỗ lực bằng hành động cụ thể, thái độ cầu thị của cả người dân và các cơ quan công quyền. Đặc biệt, đối với những người giao tiếp, trực tiếp với người dân cần phải có sự nhìn nhận đánh giá trở lại và chúng ta cần có thái độ, hành vi ứng xử từ lời lẽ, ngôn từ, hành động đối với người dân đúng chuẩn mực. Tác phong của cán bộ công chức làm việc thực sự phải đứng đắn, đàng hoàng. Đứng trước các vụ việc bức xúc của người dân thì các cơ quan công quyền phải có tiếng nói sớm, kịp thời để giải quyết chứ không phải để trì trệ đến khi họ phải kéo đến đông người, thậm chí gây thương vong mới tập trung giải quyết.
Thực tế có những vụ kiện kéo dài 18, 20 năm, người dân cầm đơn kiện đi loanh quanh hết xã, huyện, tỉnh, lên Trung ương. Sau đó, Trung ương lại gửi trở về địa phương, nơi nào nơi đó xử lý. Đơn thư đi vòng vèo, có đơn thư còn được "đá" từ cơ quan này sang cơ quan khác. Những câu chuyện về không ít người cầm đơn đi từ Nam ra Bắc, tủ hồ sơ đã chật cứng khiến bất cứ ai cũng cảm thấy chạnh lòng. Liệu nếu bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh đó có nản lòng, nghi ngờ về chuyên môn, trách nhiệm thái độ của người thực thi pháp luật?
Theo cá nhân tôi, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải xem xét và có cái nhìn thẳng thắn về những tồn tại này.
Xin trân trọng cảm ơn tiến sỹ!
Hương Lan- Đỗ Thơm