Đất vàng để hoang
Trước khi mất quyền điều hành về công ty của tỷ phú Thái Lan, Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã từng trực tiếp sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) trong hơn hai thập niên.
Giữ vị trí "đắc địa" tại bốn mặt tiền đường, gồm Hai Bai Trưng - Đông Du - Thi Sách và Công trường Mê Linh, nhưng sau gần ba năm vẽ ra “siêu dự án”, khu đất này vẫn đang được quây kín bằng các panô, bị bỏ hoang một cách đầy bí ẩn.
Thực chất khu đất rộng đến 6.000m2 bốn mặt tiền này ban đầu do Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - lúc chưa bán 53,59% vốn điều lệ cho cổ đông Thái Lan) trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của quyết định 09/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 19/2/2007.
Năm 2004, Sabeco xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất này, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có văn bản đồng ý.
Năm 2006, UBND TP.HCM có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp đang sử dụng đất để sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có nhà, đất tại địa chỉ nói trên do Sabeco "là đơn vị sử dụng".
Nhận được văn bản đề nghị của UBND TP.HCM về việc Sabeco "xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng bao gồm khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê", Bộ Tài chính có văn bản trả lời cho phép chuyển mục đích sử dụng khu đất để xây dựng cao ốc phức hợp cùng các hạng mục nói trên.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu giá đất khi được UBND TP cho phép Sabeco chuyển mục đích sử dụng đất "là giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 6 của quyết định 09/2007/QĐ-TTg".
Bán đất vàng với "giá bèo" rồi thoái sạch vốn
Tuy nhiên, số phận của 6.000 m2 "đất vàng" được bắt đầu ngày 3/2/2007 khi HĐQT Sabeco có nghị quyết số 03/2007/NQ-HĐQT thống nhất chủ trương thay thế đối tác đầu tư và thành lập Công ty cổ phần bất động sản Sabeco (Sabeco Land) có vốn điều lệ 480 tỷ đồng.
Tại Sabeco Land, ngoài TCT Sabeco nắm 45%, hai doanh nghiệp tư nhân chia nhau sở hữu 55% là CTCP Đầu tư Xây dựng & Phát triển công nghiệp vận tải Bình Kiên (30%) và CTCP Đầu tư Rồng Á Châu (25%).
Tuy nhiên, từ lúc thành lập Sabeco Land cho đến thời điểm tháng 6/2013 - tức trong vòng 6 năm, khi Bộ Công Thương có văn bản nêu ý kiến về việc chậm triển khai thực hiện dự án nói trên "gây lãng phí trong việc sử dụng tài sản của Sabeco, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty", văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng cho thấy quyết định giải thể Sabeco Land, mở đường tìm kiếm nhà đầu tư mới.
Tháng 10/2014, Sabeco Land dừng hoạt động. 2 nhà đầu tư là Rồng Á Châu giải thể tháng 9/2015, Vận tải Bình Kiên thậm chí còn đóng mã số thuế từ cuối năm 2012.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dự án sau đó được tái khởi động thông qua việc thành lập Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl (gọi tắt Sabeco Pearl) vào tháng 2/2015, có vốn điều lệ gần 566,7 tỷ đồng.
Lúc này, Sabeco chỉ còn sở hữu 26% vốn tại liên doanh thực hiện dự án ( giảm đáng kể so với mức 45% vốn tại Sabeco Land trước đây), bao gồm: 18% vốn đều lệ bằng tiền mặt và 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất. Đồng thời, Sabeco sẽ nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ. Căn cứ để Sabeco tham gia thành lập Sabeco Pearl được đơn vị này khẳng định "tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, không vi phạm Luật đất đai 2013, không vi phạm nghị định 94/NĐ-CP về đầu tư ngoài ngành".
3 cổ đông sáng lập Sabeco Pearl chia nhau số vốn điều lệ còn lại - tương ứng 74% là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (25,5%), Công ty CP Đầu tư Mê Linh (25,5%), Công ty CP Attland (23%)... Các cổ đông này có trách nhiệm góp vốn bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỷ đồng.
Hơn một năm sau khi thành lập, tháng 6/2016, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá bán 13.347 đồng/cổ phiếu và chỉ thu về được 195 tỷ đồng, mức giá "siêu rẻ" so với giá trị thực của khu đất vàng (theo nhận định khi ấy là 1 tỷ đồng/m2).
Cũng kể từ đó, khu đất hơn 6.000m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng chính thức không còn hình bóng của Tổng công ty Sabeco (giai đoạn là TCT Nhà nước, thuộc quản lý của bộ Công Thương).
Sau đó, Sabeco Pearl thay tên đổi họ vào tháng 10/2016 với cái "mác" mới: Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước về các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 đối với Sabeco, việc xác định giá trị doanh nghiệp Sabeco Pearl “còn sai sót, hạn chế”, "làm giảm đáng kể giá trị doanh nghiệp làm cơ sở xác định giá khởi điểm”.
Từ ngày đổi chủ đến nay, mọi hoạt động liên quan đến khu đất lẫn chủ đầu tư mới của dự án đều "án binh bất động" kể từ khi ông Nguyễn Hữu Tín cùng bốn bị can bị khởi tố từ tháng 11/2018 đến nay.
Ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Lâm Nguyên Khôi, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM; ông Nguyễn Quang Minh, nguyên Trưởng phòng hạ tầng, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM; bà Nguyễn Lan Châu, chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM.
Các bị can này bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", được quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại Sabeco do liên quan đến khu ‘đất vàng’ tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, các bị can kể trên dù bị khởi tố nhưng vẫn được cho tại ngoại (áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú).
Trước đó, liên quan đến lô "đất vàng" này, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can ông Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM); ông Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP) cùng 3 người khác tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", quy định tại điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đình Văn