Một người làm công trong quán thịt chó cho gia đình Lâm kể rằng: Sau tai nạn, Lâm chín ngón trở thành một con người khác hẳn, không nói, không cười, suốt nhiều năm chỉ ở lì trong một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, không hề cho ai biết địa chỉ. Lâm không nhắc lại chuyện cũ nhưng đôi lúc, Lâm thở dài và nói một mình rằng: Ân oán giang hồ thì phải trả nhưng vẫn "cảm ơn trời" vì kẻ nào đó, dù có hiểm ác thì vẫn "hạ thủ lưu tình", không làm tổn hại đến vợ con. Theo người giúp việc ở nhà Lâm thì Lâm tự vẫn tại trang trại của gia đình ở huyện Nhà Bè, tháng 10 năm 2006, kết thúc một cuộc đời giang hồ đầy bi kịch cũng lắm ai oán.
Những ngày cuối và cái chết bất ngờ
Những người làm công bất ngờ khi Lâm chọn cách từ giã cuộc sống, vợ con đau đớn như vậy. Không khoẻ mạnh, nhanh nhẹn như trước, nhưng Lâm cũng ít ốm đau. Tất nhiên, di chứng của những lần phẫu thuật, của thuốc gây tê, của những "trận chiến" vô tiền khoáng hậu với giới du đãng Sài thành trước năm 1975, cũng làm Lâm đau đớn khi tuổi đã cao, sức đã yếu và sức đề kháng bệnh tật đã gần hết.
Ông N.V.N. (56 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, người từng có mặt tại thời điểm gia đình phát hiện Lâm chết) cho biết: "Sau khi bị tạt axít, Lâm lui về ở ẩn tại huyện Nhà Bè, đoạn tuyệt hoàn toàn với cuộc đời giang hồ đầy duyên nợ. Nhưng những di chứng về lần bị tạt axít đã khiến Lâm thường xuyên đau đớn, cùng với cuộc sống tách biệt với bên ngoài đã làm Lâm mặc cảm. Để rồi, một ngày cuối tháng 10/2006, khi sự đau đớn và dằn vặt lên đến tột cùng, Lâm đã chọn cái chết để giải thoát cho mình. Cái chết này khiến cho người thân của Lâm đau đớn.
Hình ảnh cuối cùng nhiều người nhìn thấy Lâm là ở phiên toà xét xử Năm Cam.
Anh N.V.T. là người làm công cho gia đình Lâm ở trang trại cùng chủ nhân kể: "Nấu rượu xong, tôi nấu thêm nồi cám heo. Sau đó, tôi ra tắm cho heo. Tôi quay lại chỗ nồi cám heo thì nhìn thấy một cánh tay người giơ lên. Quá hoảng sợ, tôi cấp báo cho những người xung quanh và chính quyền địa phương biết. Cơ quan chức năng đã đến làm việc, vớt người trong nồi cám heo ra và xác định đó chính là Lâm. Liền sau đó, họ phong tỏa hiện trường, đồng thời triệu tập những người liên quan về trụ sở lấy lời khai. Sau đó, thi thể Lâm được đưa về quán thịt chó tại đường 3/2 để phúng viếng và đưa đi hỏa thiêu tại lò thiêu Bình Hưng Hòa".
Ông H.P.T. (cựu dân phòng tại quận 10, TP.HCM) cho hay: "Sau khi Lâm tự tử và chết ở huyện Nhà Bè, thi thể được đưa về nhà ở đường 3/2 (quận 10) để tổ chức tang lễ. Vào thời điểm trên, tôi có đến tang lễ để kiểm tra việc chuẩn bị tang lễ của gia đình. Sự ra đi của Lâm là cái chết của một giang hồ đã hết thời, một giang hồ không còn tìm được chỗ đứng và cái chết này là điều mà người thân của y đã dự báo trước. Tại tang lễ, người ta vẫn thấy một số đàn em trước đây của Lâm đến phúng viếng. Có lẽ, đám đàn em nghĩ rằng, đó là cái nghĩa, cái tình".
Anh V.C.T. (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM), người làm công ở quán thịt chó của gia đình Lâm bộc bạch: "Trước khi Lâm chết khoảng 4 tháng, tôi làm việc cho quán thịt chó tại đường 3/2. Thật sự, thời gian đầu tôi không hề hay biết đó là quán của gia đình Lâm. Vì công việc ở đây là do vợ của Lâm cùng những người con chồng trước quản lý. Tôi xuống trang trại, nơi Lâm sống nhưng không lần nào thấy mặt Lâm.
Số là sau khi bị tạt axít, khuôn mặt Lâm biến dạng hoàn toàn, lại mang trong mình hội chứng tâm thần nên Lâm lánh về một nơi yên tĩnh để sống, cũng là để tránh sự trả thù của các băng nhóm giang hồ. Tại nơi Lâm sống những ngày cuối đời, có thêm hai người làm công, sống với y rất thân tình. Tôi cũng là người có thắp nhang cho Lâm khi Lâm qua đời. Mãi đến lúc Lâm chết, tôi mới biết ông chủ của quán thịt chó nơi mình đang làm việc chính là Lâm chín ngón - một giang hồ khét tiếng ở Sài Gòn trước đây. Sau khi Lâm chín ngón chết, vợ Lâm trở về sống bình dị tại quán thịt chó tại đường 3/2 và không mảy may đề cập lại chuyện của chồng mình dù được không ít người hỏi tới".
Quán thịt chó nơi Lâm cùng vợ con kinh doanh một thời gian trước khi Lâm tự vẫn ở trong trại thuộc huyện Nhà Bè.
Bên kia giông tố
Trong một lần tình cờ, PV báo ĐS&PL gặp bà K.L. là vợ của Lê Ngọc Lâm. Người đàn bà này rất đẹp, cũng là người gốc Bắc. Điều đó lý giải vì sao, khi được tự do, Lâm đã tìm đến bà, khi đó bà đã có một đời chồng và có con mà vẫn lấy nhau. Sau khi trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của Năm Cam, gia đình đã "tậu" trang trại ở Nhà Bè để cho Lâm khuây khỏa, vui thú tuổi già mà vượt qua mặc cảm.
Tuy nhiên, cuộc sống với Lâm lúc đó không còn bao nhiêu ý nghĩa. Đối thủ đã chết, chẳng giúp gì được vợ con, lại là gánh nặng cho họ nên Lâm nhiều lần có ý rời xa cuộc sống. Biết được điều đó, bà K.L. đã cho người ở cùng với chồng, luôn để ý động thái của chồng và đã một vài lần cứu Lâm thoát cái chết. Lâm cũng đã từng nắm tay vợ, gạt nước mắt nói rằng, "anh không muốn làm gánh nặng cho đời em và con cái". Thế nhưng, người phụ nữ đã từng dám lấy giang hồ làm chồng thì không bao giờ hối hận và sợ trách nhiệm. Bà đã động viên chồng sống để chứng kiến con cái lớn và sống tốt như thế nào...
Tiếp PV, bà K.L. kể về tình yêu đặc biệt của mình với người đàn ông mà giới giang hồ trước và sau năm 1975 đều biết danh. "Tôi quen anh Lâm từ khi còn trẻ, cùng là dân di cư. Tôi ấn tượng về anh là người trắng trẻo, cao lớn, khá trầm, ít nói. Gặp tôi, anh thường nhìn tôi mình rất lâu rồi không nói gì. Thuở ấy, tôi, một cô gái người Bắc Ninh có cái tên của loài sen vàng, thanh cao rất xinh đẹp, nước da trắng, dáng người cao, giọng nói cực kỳ dịu dàng, trầm ấm là mục tiêu "tấn công" của rất nhiều chàng trai. Đặc biệt sau này, anh Lâm kể với tôi là anh say mê nụ cười tỏa nắng của tôi từ ngày gặp tôi lần đầu tiên".
Nếu so với những tên tuổi cùng thời Sơn Đảo bị Y caleet giết, Đại Cathay mất tích, Điền Khắc Kim phải chết trong cô đơn, Dung "Hà" bị Năm Cam bắt chết, Năm Cam bị xử tử hình thì đoạn kết của Lâm có phần bớt bi thảm hơn, nhưng cũng gây đau đớn cho người thân không kém. Dù sao, Lâm cũng được sống những ngày cuối đời trong vòng tay yêu thương, sự chăm sóc tận tình của vợ con. Tất nhiên, Lâm tự vẫn nhưng cái chết đó cũng là một sự ra đi thanh thản của người đã trả nợ đời.
Đệ tử một thời của Lâm chín ngón nói rằng: "Anh Lâm là người hạnh phúc. Giang hồ cũng từng trải, du đãng cũng từng qua, tất cả đều có ngọt bùi, đắng cay. Anh ấy được tự kết thúc cuộc sống của mình lúc mình muốn cũng là tốt. Đó là điều không phải giang hồ nào cũng làm được".
Cuộc hôn nhân và nghĩa khí giang hồ Thế nhưng, sau khi tham gia chốn giang hồ, dấn thân vào những cuộc thanh toán, chém giết khiến tình cảm của họ không đi đến đâu. Cô K.L. đi lấy chồng và sinh được mấy người con và cũng tạm gác lại những kỷ niệm về người đàn ông giang hồ gốc Bắc này. Năm 1988, Lâm được tự do cũng là lúc bà K.L. và tình cảm với chồng rạn nứt. Sau đó, vợ chồng bà K.L. chia tay nhau. Đến năm 1992, bà và Lâm chính thức trở thành vợ chồng. Rửa tay quy ẩn, Lâm muốn xây dựng gia đình cùng vợ nuôi các con (con riêng của cô K.L. cũng được Lâm rất mực yêu thương). Nhưng đời ai học được chữ ngờ, một khi đã bước chân vào giang hồ, muốn rút chân ra không phải dễ, nghiệp chướng giang hồ Lâm đã gây ra và giờ phải gánh chịu. Bà K.L. tâm sự: "Có thể, thời gian trước, anh ấy gây ra những tội lỗi, sai lầm. Nhưng đối với mẹ con tôi, anh ấy là người chồng tốt người cha tốt. Anh ấy không bao giờ ăn hiếp người nghèo, anh ấy là giang hồ có nghĩa khí". Tôi đồng ý với ai đó nói rằng, người chồng giang hồ nhưng yêu thương vợ con thì vẫn là người tốt. Tôi cũng đồng ý rằng, kết cục của giang hồ Lâm chín ngón đỡ bi thảm và đau đớn hơn những giang hồ cùng thời với y và cả giang hồ thời mới như Dung "Hà", Năm Cam. Tất nhiên, trong "đời sống" của giới giang hồ đầy "biến động ngầm" này thì sự cảm nhận, đánh giá của ai đó, đều mang tính chất tương đối. Nhưng, điều an ủi nhất đối với Lâm là y được chọn thời điểm, cách ra đi của mình. Lâm chết cũng là lúc mà những giai thoại về giang hồ du đãng Sài thành trước năm 1975 chấm dứt. |
Nhóm phóng viên