Bức tranh kinh tế 2021
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Đặng Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH&ĐT cho rằng: “Cần có cách nhìn tổng thể về vấn đề này bởi dịch Covid-19 không loại trừ bất kể ngành nghề kinh tế nào”.
Theo con số từ Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2021,số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%.
Như vậy, bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, ông Quang nhận định, chỉ nhìn vào số lượng là chưa đủ, cần nhìn vào chất lượng và quy mô của những doanh nghiệp đã đóng cửa, giải thể, tạm ngưng hoạt động do Covid-19.
Các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn bị tác động và có thể bị đóng cửa hoặc giải thể đã tăng lên, từ con số 2,3 nghìn doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019, lên 3,2 nghìn doanh nghiệp trong cùng kỳ năm 2020 và hơn 3,5 nghìn trong 2021.
Như vậy tốc độ tăng đạt khoảng 45%, điều này cho thấy tác động của Covid trong năm vừa rồi là khá sâu tới doanh nghiệp, chứ không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng chỉ ra những nhóm ngành chịu tác động lớn nhất từ dịch bệnh là khách sạn, dịch vụ, du lịch, sau đó là giáo dục đào tạo, cuối cùng là những nhóm ngành về vận tải, công nghệ, công nghiệp...
Những “ngôi sao hy vọng" cho câu chuyện năm mới
Theo dự báo của NCIF, sẽ có 5 nhóm ngành trọng tâm, đóng vai trò “dẫn đường” cho nền kinh tế năm 2022.
Cụ thể, thứ nhất là lĩnh vực đầu tư công, dư địa để thúc đẩy đầu tư công năm 2022 đang rất lớn, đây là cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển tốt từ năm 2022.
Thứ hai, lĩnh vực xuất, nhập khẩu, đặc biệt những nhóm ngành có tỉ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép…
Thứ ba, nhóm ngành tiêu dùng gồm các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và hàng không, sẽ hưởng lợi do sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước sau thời gian giãn cách và chính sách hạn chế đi lại.
Thứ tư, thương mại điện tử (TMĐT) và logistics. Bởi thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh dịch bệnh đã thay đổi rất mạnh mẽ.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp TMĐT có hoạt động nổi bật trong năm 2021, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của người dùng Việt Nam chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với tất cả các danh mục ngành hàng”.
Thực tế chứng minh, đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà bán hàng nhanh chóng thực hiện các chiến lược kỹ thuật số để tiếp tục tiếp cận người dùng.
Khi bán hàng trực tuyến trở thành một kênh doanh thu lớn hơn cho các thương hiệu và nhà bán hàng, các nền tảng TMĐT cần phải thích ứng và phối hợp với họ để hiện thực hóa các chiến lược bán lẻ sáng tạo nhằm thu hút khách hàng theo những cách riêng và tăng cường sự hiện diện trực tuyến của những thương hiệu và nhà bán hàng này.
Thứ năm, nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT) sẽ phục hồi với mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ. Đánh giá về nhóm ngành này, bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) nhận định: “Cùng với TMĐT và CNTT là hai ngành không có nhiều vấn đề về rào cản, thậm chí họ còn phát triển vượt bậc nhờ Covid và sẽ còn bùng nổ trong năm tới".
Rào cản và giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp
Bày tỏ quan điểm với Người Đưa Tin, bà Thảo, đại diện CIEM cho biết, được Bộ KH&ĐT đánh giá là một trong những lĩnh vực có triển vọng phục hồi trong năm tới, song hoạt động đầu tư công còn đang có nhiều điểm nghẽn.
Cụ thể, quy định về lĩnh vực này còn chưa rõ ràng, dẫn tới tâm lý ở địa phương còn lúng túng trong việc triển khai, từ đó gây chậm trễ. Muốn thông được điểm nghẽn này, cần phải gỡ từ văn bản thực thi thật rõ ràng, minh bạch, đặc biệt cần tạo sự thông thoáng hơn cho doanh nghiệp thúc đẩy lĩnh vực này.
Mặt khác, bà cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi khắc phục được giao thương, tình trạng cát cứ ở địa phương thì sẽ thúc đẩy được việc đầu tư công nhanh hơn rất nhiều.
Qua đó, xét về mặt giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi của doanh nghiệp trên đường dài, bà Thảo đề xuất: “Hỗ trợ bằng giải pháp môi trường kinh doanh có lẽ là giải pháp lâu dài nhất”.
Bà giải thích, nếu Chính phủ cung cấp về mặt tài chính sẽ chỉ là giải pháp trong thời gian ngắn, nhưng hỗ trợ về xoá bỏ những rào cản, điều kiện kinh doanh hay cải cách thể chế sẽ mang đến giá trị bền vững hơn rất nhiều.
Bởi đây là giải pháp không mất chi phí, chỉ cần sự tạo điều kiện từ phía Chính phủ, đây có thể coi là một “liều thuốc" cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi năm 2022.
Thúc đẩy số hoá trong doanh nghiệp cũng là một giải pháp dài hạn được đại diện CIEM đưa ra. Ví dụ như doanh nghiệp về xuất nhập khẩu, một ngày xử lý rất nhiều đơn hàng, nhập liệu, đầu ra vào liên tục, nên có đòi hỏi về tốc độ và tính chính xác cao, nếu không thực hiện hoá đơn điện tử thì chắc chắn không đảm bảo được hiệu quả công việc.
Về doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT, “Shopee luôn đánh giá cao khả năng và sức mạnh chuyển đổi kinh doanh của công nghệ”, đại diện Shopee nhấn mạnh. Do đó, Shopee sẽ tiếp tục nỗ lực thích ứng với những nhu cầu thay đổi và các xu hướng mới, cũng như giữ vững cam kết cải thiện cuộc sống của người dùng và doanh nghiệp trong khu vực thông qua công nghệ.
Ngược lại, xét về những giải pháp ngắn hạn hỗ trợ cho việc phục hồi của doanh nghiệp, cũng như các ngành nghề kinh tế trong thời gian tới. Ông Quang (NCIF) nhận thấy cần dựa trên 4 vấn đề.
Thứ nhất, vấn đề liên quan đến chính sách kiểm soát dịch bệnh, bởi điều này không chỉ ảnh hưởng tới tình hình đời sống xã hội, mà còn ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi và tăng trưởng của kinh tế nói chung, nhóm ngành và doanh nghiệp nói riêng.
Thứ hai, cần chú trọng đến các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, trên thực tế những vấn đề này rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và lực lượng lao động. Từ đó, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, vấn đề về bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát. “Mặc dù chúng ta có sự tin tưởng để kiểm soát được lạm phát, nhưng không thể chủ quan”, ông Quang kiến nghị. Bởi trong quá trình phục hồi, việc kiểm soát lạm phát không tốt thì sẽ ảnh hưởng lớn tới chính quá trình phục hồi ấy.
Cuối cùng, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã thực hiện các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngắn hạn nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Có thể nói, việc thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ có tác động tích cực đến quá trình phục hồi trong ngắn hạn.