Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “56 năm ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơn vắt – Máu trộn bùn non – Gan không núng - Chí không mòn…” (Tố Hữu) thì những đường chiến hào vây lấn, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại. Những đường chiến hào ngang dọc như những đường may trên tấm áo trấn thủ của người lính Điện Biên.
Họ, những người xuất thân từ nông dân cày ruộng gắn bó với đất đai phù sa màu mỡ, những ngón chân, kẽ tay của họ còn in những vết bùn. Nay, bàn tay ấy lại cầm cuốc, cầm xẻng, cầm súng đào những chiến hào như những vòng vây lửa thít chặt thòng lọng vào cổ quân thù.
Hơi thở của đất, hơi thở của người khi anh áp ngực mình lên đất nghe rất rõ trái tim đập nhịp phập phồng. Nhà thơ Chính Hữu – Người lính cầm súng trực tiếp ở mặt trận Điện Biên Phủ đã viết bài thơ “Giá từng thước đất” mà nhịp điệu thơ cũng ngổn ngang như những đường chiến hào thấm máu bao đồng đội: “Khi bạn tôi – Lấy thân mình – Đo bước – Chiến hào đi – Ta mới hiểu giá từng thước đất”.
Đó là khi các anh: “Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp – Chia nhau cuộc đời chia nhau cái chết”. Đường lên Điện Biên, đường tới chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu bắt đầu từ con đường rừng đèo dốc đến những chiến hào như thế.
Tôi có ấn tượng sâu sắc với tấm áo trấn thủ Điện Biên với những đường may chéo. Có lẽ ít có tấm áo quân phục nào giản dị, đơn sơ mà tiện lợi công dụng thiết thực như thế. 36 đường may trên áo là 36 đường gian khó được dệt nên bằng tấm lòng hơi ấm của hậu phương: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc” trong bài hát “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tấm áo bọc hình hài đứa con của mẹ như một khối bộc phá hình vuông mà trái tim người lính lại nụ xòe có sức công phá mạnh hơn thuốc nổ.
Tôi đã đến nhà lưu niệm anh hùng Phan Đình Giót ở làng Cẩm Quan (Hà Tĩnh) và bồi hồi khi nâng trên tay những kỷ vật của người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Đó là khẩu súng tiểu liên, là chiếc bi đông và đặc biệt tấm áo trấn thủ. Tôi bỗng hình dung ra thân thể anh cháy đen lỗ chỗ vết đạn khi vươn ngực mình chắn luồng đạn cho đồng đội xung phong. Tấm áo Điện Biên ấy đã từng tưng bừng với áo cóm khăn phiêu của cô gái Thái mà nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã viết: “Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa – Nhịp hò dô vượt dốc pháo vào ra”.
Đường lên Điện Biên chính là con đường ra trận của cả nước. Và thăm bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ tôi ngẩn ngơ trước những chiếc xe đạp thồ cõng trên mình những bao gạo tròn căng. Nghe cô hướng dẫn viên cho biết: Mỗi đêm xe đạp thồ có thể đi được 25km trong khi ô tô chỉ nhích được 15km, ngoài chở lương thực và súng đạn xe đạp thồ còn chở cả thương binh. Mỗi tổ xe thồ có ba người để đảm bảo cho xe lên và xuống những con dốc cheo leo hiểm trở. Để mang được 1kg vượt qua chặng đường dài lên đến mặt trận Điện Biên Phủ phải tốn 20kg phục vụ cho người tải gạo.
Một nhà báo Pháp đã ví những chiếc xe đạp thồ này là “dòng sông sắt huyền thoại”. Ông viết: “Trong cuộc tranh cãi vì sao Pháp thua trận này, không ít tướng Pháp đã đổ tội cho việc chưa từng có binh thư nào của phương Tây đề cập đến các kỹ thuật kém hiện đại ấy. Lấy xe đạp của người Pháp cải tiến thành xe vận tải không động cơ là một sáng kiến linh hoạt và kỳ diệu của con người Việt Nam”.
Theo thống kê từ tháng 12/1953 cho tới hết chiến dịch Điện Biên Phủ có hơn 20.000 xe đạp thồ, xe cõng trên mình từ 200 đến 400 kg như những dòng sông nhỏ chảy len lỏi khắp núi rừng Tây Bắc. Phương tiện vận tải thô sơ ấy được điều khiển bởi những con người ăn không đủ no, ngủ trên những mảnh nilon trải trên mặt đất đã đạt hiệu quả cao hơn cả cơ giới hiện đại của quân đội Pháp.
Tôi chợt nhớ lại những câu thơ mang âm hưởng dạt dào với ý chí lạc quan phơi phới trong thơ Tố Hữu: “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ - Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát – Dù bom đạn xương tan thịt nát – Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân”. Nét đặc biệt của chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến tranh nhân dân, là thế trận lòng dân đã huy động khối đại đoàn kết ở mức cao nhất. Nếu như quân Pháp có các phương tiện hiện đại tiếp tế bằng cầu hàng không thì nhân dân ta gồng gánh dân công, xe thồ hỏa tuyến xuyên đêm xuyên ngày lên mặt trận.
Nhà thơ Chính Hữu đã phát hiện một tứ thơ rất hay và cảm động lay thức lòng người. Đó là tình cảm vợ chồng qua bài thơ “Thư nhà”. Người vợ là dân công lên mặt trận gửi lá thư thăm chồng là chiến sĩ Điện Biên trong chiến hào chuẩn bị tiến công đọc lá thư nhà và hình dung ra: “Thư người hậu phương – Gánh gạo đưa chồng – Hai vai khó nhọc – Viết gửi cho ta – Ngổn ngang từng nét – Như gồng như gánh dân công – Ánh mực lập lòe – Đường xa lửa đuốc– Lặn lội đi theo cả nước – Lên đây đánh giặc cùng ta”.
Đường lên Điện Biên là con đường trập trùng biết bao đèo dốc. Ta vẫn còn nghe âm vang nhịp hò dô kéo pháo: “Hò dô ta nào – Kéo pháo ta vượt qua đèo – Hò dô ta nào – Kéo pháo ta vượt qua núi – Dốc núi cao cao – Nhưng lòng người còn cao hơn núi – Vực sâu thăm thẳm – Vực nào sâu bằng chí căm thù” (Hoàng Vân).
Những cỗ pháo nặng hơn 2 tấn được tời, được kéo bằng sức người với những sợi dây thừng bện xoắn. Còn đó tấm gương của anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo đã anh dũng hy sinh để cứu cỗ pháo rơi xuống vực sâu. Còn đó những bàn tay bỏng rộp tóe máu để kiên trì dẻo dai kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại càng khó hơn khi thực hiện phương án “đánh chắc, tiến chắc”.
Còn đó những dốc cao, vực sâu hiểm trở đường trơn như mỡ dưới bom thù chặn đường. Những cỗ pháo cứ chắc nịch nhích dần tiến dần về vị trí chuẩn bị sẵn sàng dội lửa xuống đầu quân thù. Có lẽ đây cũng là con đường huyền thoại trong lịch sử chiến tranh của quân đội ta đã khẳng định mình bằng sự thông minh sáng tạo và sức vóc dẻo dai với trữ lượng sức mạnh tinh thần của ý chí “quyết chiến quyết thắng”.
Con đường kéo pháo lên Điện Biên chính là sự phát huy cao độ vượt qua không chỉ những đèo dốc trở ngại của núi rừng Tây Bắc mà còn vượt qua của chính mình. Những người lính Điện Biên năm xưa giờ đây về với cuộc sống đời thường vẫn trong tư thế kéo pháo để vượt qua những khó khăn còn nhiều vất vả. Trên ngực các anh lấp lánh tấm Huy hiệu Điện Biên mà Bác Hồ đã trao tặng.
Có thể nói hình ảnh Bác Hồ ra mặt trận, Bác theo dõi và động viên kịp thời chính là nguồn sức mạnh lớn lao cổ vũ mọi người. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ đã được Bác Hồ giao nhiệm vụ: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền”. Bác còn dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh không chắc thắng không đánh”. Đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt để Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra những quyết định quan trọng, trong đó đặc biệt nhất là thay đổi phương án tác chiến từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” thành “đánh chắc thắng chắc”.
Ngày 15/03/1954 sau khi chúng ta đã làm chủ cứ điểm Him Lam trận mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã gửi điện khen ngợi cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta. Ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai bền bỉ chứ không được chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quân đội ta đã tung bay trên nốc hầm Đờ- Cát chiều ngày 07/05/1954 cách đây tròn 70 năm. Trong lòng nhân loại ba tiếng Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ vang lên như một niềm tin, niềm kính trọng tự hào vinh danh biết bao.
Đường lên Điện Biên hôm nay vẫn còn vẻ đẹp hoang sơ, thấp thoáng những sườn núi những thửa ruộng bậc thang lấp lánh như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo mùa lúa chín, một Tây Bắc thật thơ mộng và đắm đuối; Đắm đuối với làn khói cơm nếp thơm; Đắm đuối với những khúc sông Đà thắt lại chợt mở ra đến thót lòng; Đắm đuối từng đôi mắt cô gái Thái đa cảm đến búi tóc tằng cẩu trên đầu.
Và tôi đã đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Từ xa đã thấy hai cây đại cổ thụ tỏa hương thơm ngát dịu dàng. Tên các liệt sĩ được tạc bằng đồng gắn kín hai dãy tường đá, nắng sớm chiếu vào các con chữ, vàng rực xúm xít như bầy ong khổng lồ chuyển rừng. Các nấm mồ trắng như những phím đàn piano ngân lên bản hùng ca bất tử. Cả nghĩa trang có 640 ngôi mộ mà tấm bia nào cũng ngời lên ngôi sao màu đỏ không tên, không tuổi. Nhưng các anh không bao giờ vô danh.
Chúng tôi gọi các anh bằng tên chung: Chiến sĩ Điện Biên! Chiến sĩ Điện Biên mũ nan tre choàng lưới, dép lốp cao su, áo trấn thủ căng phồng. Huyền thoại Điện Biên bao giờ cũng mang sắc màu lãng mạn linh thiêng. Vút trên vòm trời xanh trong của vòm trời Điện Biên, của cánh đồng Mường Thanh một đàn chim đập cánh bay về phía núi như vong linh các anh trở lại với rừng…
Hà Tĩnh, ngày 5 tháng 04 năm 2024
Bức phù điêu những người kéo pháo
Anh tạc qua tháng năm
Bức phù điêu những người lính Điện Biên
Vươn ngực trần kéo pháo
Sợi dây rừng bện chão
Chân bấm võng nền đường
Tay rộp phồng tóe máu
Đá không còn ẩn giấu
Bao bất ngờ hiện lên...
Bức phù điêu anh chưa kịp đặt tên
Ngón tay mềm vuốt dài thêm càng pháo
Mắt nheo nhìn sửa thêm quăn nếp áo
Anh choãi chân nắn lại một thế ngồi
Căn phòng thành chật chội
Những dáng người trong đá đổ mồ hôi...
Bức phù điêu lặng im
(Gió cánh rừng chưa hề lặng thổi
Những người lính bấy giờ già hơn tuổi.)
Dẫu biết vậy không thể gì thay nổi
Bức phù điêu lặng lẽ trong phòng
Và đằng sau gân đá phập phồng
Lịch sử bồn chồn sống dậy
Có một thời lửa cháy
Đến bây giờ trong đá chẳng lặng yên
Khi cánh rừng lùi lại phía sau lưng
Cơn mưa sớm không bất ngờ như trước.
Nguyễn Ngọc Phú (Tùy bút)