‘Đường sắt khổ 1m, chạy 120 km/h là tốc độ tử thần’

‘Đường sắt khổ 1m, chạy 120 km/h là tốc độ tử thần’

Thứ 3, 29/10/2013 02:08

Ngay sau khi ngành đường sắt đưa ra 4 phương án phát triển đường sắt Bắc Nam với ‘bảo đảm’ rằng JICA Nhật Bản đã nghiên cứu, TS Trần Đình Bá – người nổi tiếng với đề xuất ‘đường bay vàng’ cho ngành hàng không và mới đây là vụ đặt cược 5 triệu USD với các thứ trưởng Bộ GTVT - đã phản biện: Cả 4 phương án trên đều không khả thi! Đường sắt khổ 1m, chạy trên 90 km/h đã là tốc độ tử thần.

Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã cơ bản đồng ý với những khuyến nghị trong báo cáo mà JICA đề xuất mới đây.

Theo đó, với đề án đường sắt Bắc Nam, JICA đã đưa ra 4 kịch bản: A1 là các dự án cải tạo để đảm bảo an toàn chạy tàu với khổ đường đơn, không điện khí hóa, tốc độ tàu 90km/h, thời gian chạy 29 giờ; Phương án A2 tăng cường năng lực vận tải cho tuyến đường sắt đơn hiện tại cũng với tốc độ 90km/h, thời gian chạy tàu 25 giờ, năng lực khai thác 50 tàu/ngày đêm, chi phí đầu tư là 1,8 tỷ USD.

Phương án B1 tăng cường năng lực vận tải bằng cách đường đôi hóa, nâng tốc độ chạy tàu lên 120 km một giờ, thời gian chạy 15,6 giờ, chi phí 14,5 tỷ USD và phương án B2 kết hợp đường đôi hóa (sử dụng khổ đường 1.435 mm) và điện khí hóa để tốc độ chạy tàu tối đa là 150 km/h trở lên, thời gian chạy 12,7 giờ, chi phí 27,7 tỷ USD.

Đánh giá các phương án này, JICA khuyến nghị, phương án A2 là có tính khả thi nhất xét trên cả hiệu quả kinh tế và cả phương diện kỹ thuật và thời gian hoàn thành là 2020 - 2025. 

JICA đánh giá, nếu theo phương án B2 sẽ phải làm lại toàn bộ kết cấu nền đường, cầu – hầm dẫn tới đóng toàn bộ tuyến đường sắt quốc gia trong thời gian dài và hướng tuyến đường sắt sẽ phải thay đổi. Còn việc nâng cấp tuyến đường sắt khổ 1.000mm để chạy tàu cao tốc là không khả thi do chi phí đầu tư còn lớn hơn cả xây dựng một tuyến đường sắt mới.

Trao đổi với báo Người đưa tin, TS Trần Đình Bá khẳng định: Thế giới đã coi loại đường sắt khổ 1m là loại đường sắt “đồ cổ thời tiền sử”, thế giới đã lập bảo tàng. Hiện chỉ còn một số ít quốc gia sử dụng; phần lớn không dùng cho chở khách vì nguy hiểm đến tính mạng hành khách nên chỉ dùng để chạy chở than cho các hầm mỏ.

Với khổ một mét, tốc độ tối đa của tàu hỏa không thể vượt quá 80 km/h, tốc độ trung bình chỉ 45 - 50km/h. Hành trình Bắc Nam không thể vượt quá giới hạn 30 tiếng (chạy 29 tiếng đã xẩy ra vụ  lật tàu  E1). Do đó, phương án này thực sự sẽ kéo lùi lịch sử đường sắt Việt Nam.

Kinh doanh - ‘Đường sắt khổ 1m, chạy 120 km/h là tốc độ tử thần’

Với mọi phương án, nếu giữ nguyên khổ 1 m, đường sắt Việt Nam không thể vượt quá tốc độ tối đa 80 km/h

Phương án A2 được JICA cho là khả thi nhất và khuyến nghị nên thực hiện với một loại các giải pháp cụ thể: Điều chỉnh hướng tuyến cho ba đoạn nút cổ chai chính nhiều đường cong và dốc như đèo Hải Vân, đèo Khe Nét, Hòa Duyệt - Thanh Luyện (Hà Tĩnh), tăng cường hệ thống thông tin, điều chỉnh khoảng cách các ga. Sau khi cải tạo sẽ đảm bảo 50 đoàn tàu hoạt động trên tuyến mỗi ngày, tốc độ chạy tàu khách bình quân 90 km/h trên đường đơn khổ 1m. Thời gian chạy tàu Hà Nội - TP.HCM còn 25h24’.  

Tuy nhiên, không đi sâu vào phân tích, ông Bá cho rằng, thực tế nó vẫn là phương án sử dụng đường sắt khổ một mét đã cực kỳ lạc hậu và đừng hy vọng có được sự an toàn khi vượt quá tốc độ 80 km/h trong khi vẫn tiêu tốn tới 1,8 tỷ USD.

Kinh doanh - ‘Đường sắt khổ 1m, chạy 120 km/h là tốc độ tử thần’ (Hình 2).

 TS Trần Đình Bá

Theo phương án B1, JICA đưa ra giải pháp Nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1m để chạy tàu khách 120 km/h, thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến TP.HCM còn 15 giờ 36 phút. Phương án này sẽ cải tạo ba đoạn nút cổ chai chính bằng cách xây dựng đoạn tuyến bằng hầm, thay thế ray và tà vẹt, các đường ngang cùng mức sẽ đóng mở tự động để đảm bảo chạy tàu tốc độ cao hơn; đầu tư thêm đầu máy toa xe có khả năng vận hành tốt ở tốc độ chạy tàu 120 km/h để vận hành 116 đoàn tàu/ngày. Chi phí ước tính 14,5 tỷ USD. 

Vẫn áp dụng khổ một mét lại còn định làm đường đôi tức là không đơn thuần nhân đôi sai lầm mà sai lầm sẽ là ‘n lần’. Không những vậy, ông Bá đưa ra cảnh báo rợn tóc gáy: ‘Tốc độ 120 km/ h là tốc độ tử thần’.

Với phương án cuối cùng, phương án B2: Nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1,435m, tốc độ chạy tàu khách 150 km/h, tàu hàng 60-80 km/h (tàu chở container lên 120 km/h). Thực hiện phương án này phải sử dụng tàu động cơ điện với tàu khách và đầu máy động cơ điện với tàu hàng. Thời gian chạy tàu Hà Nội - TP.HCM còn 12 giờ 42 phút. Số tàu hoạt động trên tuyến là 122 tàu/ngày. Chi phí nâng cấp ước tính 27,7 tỷ USD.   

TS Trần Đình Bá cho rằng đây là phương án viển vông nhất. “Đường đơn mà lo chưa xong mà còn tham vọng đường đôi 2 chiều riêng biệt. Phương án này không khác gì tham vọng đường sắt cao tốc”, TS Bá phủ nhận.

Ông đặt vấn đề: Lấy đâu ra 27 tỷ USD? Thi công bao nhiêu năm mới xong? Bao giờ thì hoàn vốn?

Sau khi phản biện cả bốn phương án trên,  TS Trần Đình Bá đề nghị tổng lực nâng cấp mở rộng đường sắt lên khổ 1.435 mm, hành trình HN - TP HCM 12-15 tiếng (150 – 200 km/h) là tối ưu nhất. Theo tính toán của ông với mức đầu tư 5 tỷ USD và thời gian thi công một năm, đây là phương án nhanh, rẻ, tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Khánh An

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.