> Kỳ1: Sắc đẹp và những chiếc vương miện có gai
Bà Sarah Palin (ảnh: Internet)
Điều kỳ diệu từ Wasilla
Sarah Palin sinh ngày 11/2/1964, ở bang Idaho nhưng từ nhỏ đã sống ở thành phố Wasilla, bang Alaska, do bố mẹ cô đến vùng đất giá lạnh nhất nước Mỹ này để làm việc. Săn hươu, câu cá hồi, đạp xe là những thú vui một thời tuổi trẻ của người đàn bà suýt trở thành nữ phó tổng thống này, nhưng điều người ta nhớ nhất về thời trung học của Sarah là cô rất có năng khiếu thể thao. Sarah là thủ quân và hậu vệ “rắn mặt” của đội tuyển bóng rổ Trường trung học Wasilla. Nhiều người gọi cô là “Sarah Barracuda” (tức một loài cá hung dữ với vẻ ngoài rất đáng sợ).
20 tuổi, Sarah Palin đạt thành tích vang dội hơn nữa. Cô tham dự cuộc thi Hoa hậu thành phố Wasilla với mục đích đơn giản là tìm học bổng cho những năm ở trường đại học. Chẳng những đoạt ngôi vị cao nhất, cô còn được tặng giải Hoa hậu thân thiện. Sarah tiếp tục tham gia cuộc thi hoa hậu bang Alaska và “ẵm” giải á hậu một. Nhờ danh hiệu này, Sarah có được học bổng toàn phần tại Đại học Idaho. Năm 1987, Sarah tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành báo chí và trở thành phóng viên thể thao của Đài truyền hình Anchorage. Không lâu sau, cô từ giã sự nghiệp báo chí đầy hứa hẹn để bước vào chính trường.
Sarah Palin được đề cử ứng viên phó tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của đảng Cộng hòa năm 2008 (ảnh: Internet)
Con đường chính trị của Sarah Palin như được trải hoa hồng. Năm 1992, bà được bầu vào hội đồng thành phố, chỉ bốn năm sau, bà trở thành thị trưởng Wasilla. Vậy là, 12 năm sau khi đoạt vương miện hoa hậu tại chính thành phố này, Sarah Palin lại “đăng quang” trước người hâm mộ, mà vũ khí của bà cũng chính là vẻ tươi trẻ, duyên dáng ngày nào cộng với tính cách kiên định.
Ngày 4/12/2006, Sarah Palin trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu là thống đốc bang Alaska, cũng là thống đốc trẻ nhất trong lịch sử của bang này. Hai năm sau, khi Thống đốc bang Arizona John McCain được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008, ông đã mời bà vào cương vị ứng viên phó tổng thống. Nhiều người cho rằng, ông McCain tin tưởng nét duyên dáng và tươi trẻ của Sarah Palin sẽ giúp đảng Cộng hòa, vốn có tiếng là bảo thủ và già nua, có thêm lợi thế. Thế nhưng, người Mỹ đã chọn ông Barack Obama.
Bà Sarah Palin và đứa con trai bị hội chứng Dawn (ảnh: Internet)
Là một người đẹp, lại dấn thân vào chính trường, nhưng Sarah Palin vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ. “Bà mẹ khúc côn cầu” là biệt danh mà Sarah Palin tự đặt cho mình vì bà không bao giờ chịu nghỉ ngơi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ ba ngày sau khi sinh con út (bà có ba con gái và hai con trai), bà Palin đã trở lại văn phòng thống đốc bang Alaska. Điều đó khiến người ta nhớ hồi còn là thị trưởng Wasilla, bà luôn mang con gái thứ nhì đến văn phòng. Các nhân viên tòa thị chính lúc ấy quá quen với cảnh bà Palin làm việc trong khi đứa con gái bé bỏng ngủ say sưa trong chiếc giỏ mây bà đặt phía sau bàn. “Bà mẹ ham làm việc” (Working Motherhood) là biệt danh người dân thành phố Wasilla đặt cho vị thị trưởng xinh đẹp của mình lúc đó.
Sarah Palin từng được đặt rất nhiều biệt danh trong đời, nhưng có lẽ chính xác nhất là biệt danh “Điều kỳ diệu từ Wasilla” khi nhìn lại hành trình của một cô gái tỉnh lẻ, chỉ vì muốn có học bổng đại học mà dự thi hoa hậu, để rồi trở thành thị trưởng, thống đốc và ứng viên phó tổng thống. Cuộc đời bà Sarah Palin cho thấy sắc đẹp và sự thông minh vẫn có thể bổ khuyết cho nhau để tạo nên sức mạnh vô song.
Vì người trước khi vì mình
Thời niên thiếu, Lisa Hanna được nhiều người ở Jamaica biết tiếng vì những hành động thiện nguyện. Sinh năm 1975 trong một gia đình có bố là nông dân và mẹ là thợ làm tóc, nhưng Lisa chưa bao giờ tự ti với xuất thân của mình. Ngược lại, những mảnh đời cơ cực nhan nhản trước mắt đã khiến Lisa Hanna có thêm động lực để thực hiện những hành động có ích cho xã hội.
Bộ trưởng Văn hóa Jamaica Lisa Hanna
Lisa Hanna từng là tình nguyện viên của Dự án xóa bỏ nạn đói thế giới của Liên Hiệp Quốc, là thành viên trong phái đoàn Jamaica dự Hội nghị toàn cầu về quyền trẻ em. Sau đó, Lisa trở thành một trong những người nhỏ tuổi nhất từng được Liên Hiệp Quốc phong là Đại sứ thiện chí trong chương trình phát triển của tổ chức này. Với vai trò đó, Lisa thường xuyên là người dẫn chuyện của nhiều chương trình truyền hình ở Jamaica, nhằm quảng bá cho chiến dịch chống đói nghèo ở đất nước này. Lúc đó, cô mới 14 tuổi.
Năm 1993, Lisa Hanna đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới trong cuộc thi diễn ra ở Nam Phi, khi vừa tốt nghiệp trung học. Vẻ tự tin và tài ứng đối của Lisa đã chinh phục được ban giám khảo, dù về ngoại hình chưa hẳn cô là người hoàn hảo nhất. “Tôi tham gia cuộc thi sắc đẹp này nhằm tìm cơ hội để nói lên suy nghĩ của giới trẻ về những gì đang xảy ra cho thế giới của chúng ta. Tôi chưa bao giờ tự xem mình là người đẹp nhất hay là người ăn mặc đẹp nhất”, Lisa nói.
Lisa Hanna đăng quang Hoa hậu thế giới năm 1993
Khi nghe điều này từ một hoa hậu khác, người ta có thể nghĩ đó là những lời khiêm tốn giả tạo, nhưng với Lisa Hanna thì không. Những hoạt động thiện nguyện cô theo đuổi từ 5 năm trước đã chứng thực đó là những suy nghĩ tự đáy lòng của cô hoa hậu 18 tuổi này.
Tuy bận bịu với nhiều nhiệm vụ của một hoa hậu thế giới, nhưng Lisa Hanna vẫn không xao lãng việc học. Ngay sau khi trở về từ Nam Phi, cô theo học ngành văn chương tại Đại học West Indies (Jamaica). Tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục bậc cao học. Năm 2000 Lisa lấy bằng thạc sĩ. Trong thời gian đó, cô tiếp tục thực hiện nhiều công tác xã hội như gây quỹ trang bị cho Khoa Máy tính Trường đại học West Indies, mở các khóa học mùa hè dạy kỹ năng sống cho trẻ em và huấn luyện các bà mẹ việc dạy dỗ con mình đúng cách… Tất cả những việc Lisa làm đều nhằm góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em ở Jamaica.
Lisa Hanna trong một hoạt động xã hội
Là thành viên của đảng Quốc gia dân tộc Jamaica nhiều năm nay, Lisa Hanna trở thành đại biểu quốc hội Jamaica sau cuộc tổng tuyển cử năm 2007. Ở tuổi 32, cô là một trong những đại biểu nữ trẻ nhất ở quốc hội nước này. Khi đảng Quốc gia dân tộc chiếm đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011 để nắm quyền thành lập chính phủ, Lisa Hanna được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Đó không phải phần thưởng mà chính là một động lực thúc đẩy Lisa Hanna làm tốt hơn nữa những công việc vì cộng đồng và những người kém may mắn hơn mình. (Còn nữa)
Mai Nguyên (Nguồn: Báo Phụ nữ)