"Đội bay” - họ là ai?
Chiếc Toyota Hiace 16 chỗ màu trắng bóng loáng đỗ xịch trước quán nhậu Hai Lúa trên đường 30/4, quận Hải Châu, Đà Nẵng. 6 cô gái trong trang phục áo ba lỗ màu trắng sát nách và quần short cũng màu trắng ngắn cũn cỡn, chân mang boot cao gót màu ghi sành điệu, nhanh chóng chia làm hai tốp tiến vào bên trong. Các cô len lỏi đi đến từng bàn nhậu chào mời thực khách những chai bia Coors Light. Tại bàn của một nhóm thực khách toàn thanh niên và đàn ông ngồi gần cổng ra vào vang lên: "đội bay" xuất hiện!.
Sở dĩ có tên gọi " đội bay " là xuất phát từ việc các cô được ví như những tiếp viên ngành hàng không. Các cô cũng thướt tha, xinh đẹp trong bộ trang phục lộng lẫy, xuất hiện theo đoàn trên những chiếc xe hơi sang trọng, bóng bẩy. Khi xuất hiện, tiếp viên hàng không thường kéo theo chiếc vali đựng hành trang còn với nhiều cô gái tiếp thị, nhất là tiếp thị thuốc lá, thỉnh thoảng họ cũng kéo theo những chiếc vali hay túi xách...
Những cô gái "đội bay" tiếp thị rượu Coors Light
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những cô gái làm công việc chào mời sản phẩm bia, rượu đi theo đoàn tại các nhà hàng, quán nhậu đều không phải là nhân viên của hãng bia, rượu ấy. Các cô đến từ những công ty chuyên tổ chức sự kiện và cho thuê người mẫu, rồi từ những công ty này, các cô được những hãng bia rượu mời về để làm show (thực hiện một chương trình, sự kiện nào đó -PV) cho một chiến dịch quảng cáo sản phẩm của hãng mình. Để có được công việc trông rất sành điệu và hào nhoáng này, các cô cũng phải trải qua nhiều thử thách.
Bà Trần Thị Y - giám đốc công ty TNHH Quảng cáo Y Trần, chuyên tổ chức sự kiện và giới thiệu những cô gái chào mời sản phẩm tại Đà Nẵng cho biết: "Thông thường, với những cô làm công việc chào mời sản phẩm thì các công ty tổ chức sự kiện chỉ hợp tác với họ làm cộng tác viên, trừ những trường hợp gắn bó lâu năm với công ty hay những cô có thêm một tay nghề nào đó cần thiết thì công ty mới ký hợp đồng làm nhân viên chính thức. Đối với những cô gái là nhân viên chính thức thì ngoài những lúc làm show, các cô ngồi ở văn phòng làm công việc hành chính. Còn với những cô gái là cộng tác viên, ngoài khoản trợ cấp hàng tháng của công ty (nhiều nơi gọi là tiền giữ chân - PV) thì thu nhập chính của họ là những hợp đồng tổ chức các sự kiện với khách hàng”.
Trên thực tế thì tiền trợ cấp hàng tháng dành cho những cộng tác viên đẳng cấp cũng rất ít ỏi, trung bình từ 1, 5 đến 2, 5 triệu đồng. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ. Đối với những cô gái thuộc đẳng cấp I, tiền trợ cấp hàng tháng có thể lên đến 5 triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa. Ngoài số tiền trợ cấp, thu nhập chính của những cô gái này là tiền đi show. Trung bình một show các cô " bay " đến 6 điểm, mỗi điểm khoảng 20' thì số tiền dao động từ 500 cho đến 800 ngàn đồng. Tuy thu nhập mang tính bấp bênh như vậy nhưng với công việc này lại rất kén chọn người làm.
"Đội bay" tập hợp những cô gái chân dài, xinh xắn
Phân chia đẳng cấp
Nguyễn Trần Lan Anh (24 tuổi) một cô gái có thâm niên trong nghề cho biết: "Tiếp thị sản phẩm theo dạng di động (di chuyển nhiều chỗ) khác với đứng điểm (làm tại một chỗ cố định). Nói nôm na là đội ngũ di động cao cấp hơn so với đội ngũ cố định nên việc tuyển chọn cũng rất gắt gao". Cũng theo Lan Anh thì đây là nghề của những cô gái đẹp và chân dài. Nếu đẹp mà thân hình không cao ráo, đầy đặn thì cũng không được, ngược lại được thân hình nhưng mặt mũi không xinh đẹp, dễ nhìn thì cũng không xong.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhiều công ty tổ chức sự kiện tuyển chọn nhân viên cho "đội bay" thì tiêu chuẩn đầu tiên của họ là ngoại hình. Nữ với chiều cao phải từ 1, 65m trở lên, kế đến là khuôn mặt phải xinh, nếu không thì chí ít cũng phải nhìn được. Đạt được tiêu chí về ngoại hình, họ mới tính đến trình độ học vấn và khả năng giao tiếp hay khả năng diễn trò. Nhiều công ty chuyên tổ chức sự kiện và cho thuê người mẫu còn thêm nhiều tiêu chí gắt gao hơn, đó là làn da phải mịn màn, tươi mát, nụ cười có duyên...
Chính vì có những tiêu chuẩn rất gắt gao cho nên trong giới đội bay đều có sự phân chia đẳng cấp. Đẳng cấp I (dân trong nghề thường gọi là F1), đó là những cô gái có ngoại hình cao ráo, bắt mắt, gợi cảm cộng với khả năng ăn nói lưu loát, tự tin và mạnh dạn trước đám đông. Đối với đẳng cấp này, nhiều cô được công ty "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Vì nếu làm phật lòng, em bỏ sang công ty khác thì lượng hợp đồng và doanh thu công ty giảm sút rõ rệt.
Những cô được xếp hạng ở đẳng cấp thứ II thì sẽ khuyết so với đẳng cấp thứ I về một điểm nào đó chẳng hạn ngoại hình bắt mắt nhưng là không tự tin và nói năng lưu loát trước đám đông hoặc ngược lại. Số còn lại thuộc đẳng cấp thứ III mà trong giới "đội bay" thường gọi bằng cái tên "xem thường": dân xoàng xoàng.
Luôn mỉm cười với khách
Đi cùng với sự phân chia đẳng cấp trên - dưới chính là số tiền trợ cấp hàng tháng và thù lao cho mỗi show bay. Thông thường các cô ở đẳng cấp I và II thường được bố trí lịch "bay" nhiều hơn những cô xoàng xoàng. Tuy có sự phân chia đẳng cấp như vậy nhưng trong giới chân dài này cũng thường xuất hiện nhiều ngoại lệ. Sau một đêm "tình thương mến thương" với quản lý, một cô từ đẳng cấp II trở thành đẳng cấp I là điều bình thường. Hơn nữa "gà" nhà của quản lý thì cũng dễ được cất nhắc trong việc xếp lịch "bay" hơn.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, có mặt trong buổi tuyển dụng những cô gái phục vụ cho " đội bay " tại công ty tổ chức sự kiện K., chúng tôi thấy bất ngờ và thú vị. Bất ngờ vì những câu hỏi của ban giám đốc và thú vị bởi nó giống như một cuộc tuyển chọn người mẫu trên sàn catwalk. Nhiều cô gái đỏ mặt và ngượng ngùng khi được một trong những thành viên ban giám đốc hỏi: "Nếu đang đứng bên cạnh khách để chào mời sản phẩm bia, bất ngờ bị ông khách vỗ mông thì em làm thế nào?" Hay: "Khi khách hàng đòi nắm tay, vuốt má, em phản ứng ra sao? "...
Thực ra đây là những vấn nạn rất thực tế mà các cô gái làm công việc này luôn gặp phải và nhà tuyển dụng muốn biết cách ứng xử của các cô trong những tình thế này ra sao cốt không làm phật ý khách hàng, các cô không bị khách hàng lợi dụng mà sản phẩm vẫn tiếp thị và bán được. Với những câu hỏi sốc như trên của nhà tuyển dụng, một cô gái không ngần ngại cởi mở, vui vẻ trả lời: "Thì cho họ đụng một chút, có mất mát gì đâu anh!".
Sau khi trải qua vòng tuyển dụng, các cô được nhận vào làm cộng tác viên. Tuy nhiên, nhiều lúc đây là công việc mang tính thời vụ nên sau khi tuyển dụng các cô được training (hướng dẫn, huấn luyện) vài giờ đồng hồ là vào việc ngay.
Đối với những cô gái đã từng trải qua công việc này một thời gian thì họ vào việc mới một cách dễ dàng. Còn với những cô gái lần đầu đi làm thì cũng lắm khổ ải. Ngọc Diễn, một trong những người "bay" nhớ lại: "Khi nhận việc tiếp thị cho hãng bia S., điều đầu tiên làm em ngượng ngùng nhất chính là bộ đồng phục dành cho tiếp thị viên, áo ba lỗ cổ khoét sâu, gần như khoe trọn vòng một. Quần thun bó sát ngắn không thể ngắn hơn được nữa. Khi mặc bộ đồ này vào, em có cảm giác như mình đang khỏa thân trước đám đông vậy. Lúc mới xuất hiện trước đám đông, tay chân em cứ lóng ngóng, mặt mày thì ngượng nghịu và dị quá, vào quán thì cứ khép nép theo sau những chị đi trước. Phải qua ba, bốn lần đi theo đoàn em mới quen và đi đứng bình thường như mọi người".
Bài 2: Khoảng tối của "đội bay"
Trần Đình