Những tưởng cuộc sống như thế là viên mãn, hạnh phúc, nhưng chỉ vì tin lời người quen, cuối cùng, Vĩnh lại vướng vào vòng tù tội vì đòi tiền theo kiểu xã hội đen...
Làm ơn mắc oán
Sinh ra và lớn lên ở vùng ven đô Hà Nội, dù nhà đông anh em, thế nhưng Vĩnh vẫn được cha mẹ cho theo học như bao người bạn cùng trang lứa. Học hết lớp 7, Vĩnh thôi học vì nhà nghèo. Làm hết việc này đến việc khác, cuộc sống của Vĩnh cũng chẳng khấm khá hơn, chán nản, Vĩnh bị bạn bè xấu rủ rê vào con đường phạm pháp.
Để có tiền chi tiêu, Vĩnh không từ một việc gì, kể cả việc trộm cướp tài sản của người khác. Mới 21 tuổi, Vĩnh đưa tên mình vào "danh sách đen" của công an huyện Gia Lâm, Hà Nội về tội cưỡng đoạt tài sản. Một năm sau ngày bị bắt, Vĩnh bị xử phạt 42 tháng tù về tội cướp tài sản và trộm cắp tài sản. Bước ra từ nhà tù, những tưởng Vĩnh trở thành một công dân tốt hơn, có ích hơn nhưng không, Vĩnh lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục lao vào con đường tội lỗi: Năm 1993, Vĩnh bị xử phạt 30 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản.
Nhìn gương mặt bị cáo Vĩnh ở toà, ai cũng có thể hiểu những thăng trầm, biến cố lớn lao đã từng xảy ra. Hướng đôi mắt về phía xa xăm, Vĩnh thở dài luyến tiếc. Luyến tiếc cái tuổi thanh xuân trẻ đẹp không một ngày bình yên. Bởi với Vĩnh, cuộc sống dường như là một vòng tròn tù túng không có lối thoát. Chuyện ra tù vào tội với Vĩnh thường xuyên như "cơm bữa".
Quá tam ba bận, ngày 26/12/1996, Vĩnh bị TAND TP.Hà Nội xử phạt 54 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Ngày 30/4/2000, Vĩnh được trả tự do. Bị mọi người nhìn bằng đôi mắt soi mói, coi thường, Vĩnh biết mình phải đứng lên làm lại cuộc đời. Lúc đầu, con đường trở về nẻo thiện của Vĩnh gặp rất nhiều khó khăn bởi trong mắt mọi người, Vĩnh là một "kẻ bỏ đi". Nhiều người còn tặc lưỡi cho rằng rồi "ngựa lại quen đường cũ", Vĩnh lại trở về với con đường trộm cướp để sống mà thôi.
Bị cáo Nguyễn Thế Vĩnh (bên trái) tại phiên tòa.
Nhưng không, được sự động viên của người mẹ già, Vĩnh quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, Vĩnh đi học lái xe rồi xin được một công việc ổn định, có thu nhập để chăm lo cho mẹ già. Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, Vĩnh tích luỹ được một số vốn và quyết định mở cơ sở sản xuất nhôm. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chẳng mấy chốc cơ sở sản xuất nhôm của Vĩnh được mở rộng, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 30 công nhân. Cũng trong thời gian này, Vĩnh quen biết với chị Đ.B.T. (Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội). Sau một thời gian quen biết, giữa năm 2008, chị T. hỏi mượn Vĩnh tiền. Đã từng được mọi người giúp đỡ nên chẳng ngại ngần, Vĩnh liền cho chị T. mượn tiền tới 4 lần với tổng số tiền là 950 triệu đồng để chị T. làm ăn (có hợp đồng cho vay).
Sau khi mượn được tiền, thời gian đầu, chị T. trả cho Vĩnh được 138 triệu đồng. Ngày 22/10/2009, chị T. cùng chồng đến gặp Vĩnh viết giấy cam kết hẹn trả số tiền 812 triệu đồng còn lại với lãi suất 1,33%/tháng cho Vĩnh đến tháng 6/2010 là xong. Nhưng đến hẹn, chị T. không thanh toán cho Vĩnh tiền gốc và lãi mà cố tình lẩn trốn khiến Vĩnh rơi vào tình trạng khó khăn.
Có lẽ cũng giống như Vĩnh, Hùng cũng chỉ là "kẻ bỏ đi", là "nỗi nhục" của cha mẹ khi "quá tam ba bận" khiến cha mẹ, người thân đau lòng, xấu hổ. Bởi chỉ trong vòng 5 năm, hai lần Hùng bị công an bắt giữ và một lần đi tù (ngày 20/3/2007, Hùng bị TAND huyện Đông Anh xử phạt 30 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản).
Ra tù, Hùng mới thấm thía nỗi khổ khi mất đi quyền công dân, bị người đời khinh khi, thế nên Hùng quyết tâm làm lại từ đầu. Đang trên đường hoàn lương, Hùng lại bị đẩy xuống vực sâu tăm tối một lần nữa chỉ vì bạn rủ đi cùng. Vốn quen biết, là chỗ anh em thân thiết, khi biết người anh em của mình rơi vào bế tắc, có nguy cơ trắng tay vì có người xù nợ. Thế nên, khi nghe vĩnh gọi điện thoại rủ cùng đến gặp T. đòi tiền, Hùng nhận lời ngay. Vừa gặp T., Hùng không kiềm chế nổi bức xúc đã chửi bới và tát T. mấy cái đồng thời cùng với Vĩnh giam giữ T. ở nhà nghỉ đợi người nhà T. mang tiền tới trả Vĩnh. Hùng đâu ngờ, chỉ vì hành vi giam lỏng T. tại nhà nghỉ ấy, Hùng đã đẩy mình vào vòng lao lý lần nữa.
cái giá của “luật rừng”
Kể từ ngày vợ chồng chị T. ôm số tiền gần 1 tỷ đồng đi trốn, Vĩnh như "ngồi trên đống lửa". Bởi số tiền chị T. vay là tiền Vĩnh tích cóp làm ăn bao năm. Bên cạnh đó, trong thời buổi kinh tế khó khăn, hàng hoá tiêu thụ kém, Vĩnh cần số tiền ấy hơn bao giờ hết để chi trả nhân công và chi tiêu cho gia đình. Thế nên, Vĩnh gác lại công việc, lao đi tìm vợ chồng T. để đòi nợ dù biết việc tìm ấy như "tìm kim dưới đáy bể".
Tại phiên tòa, Vĩnh chỉ biết cúi đầu hối hận cho hành vi nông nổi của mình. Có lẽ trong đầu Vĩnh lúc này, từ "giá như" luôn luôn hiện hữu. Giá như hôm nhận được tin chị T. đang ngồi ở quán cà phê trên đường Láng, thay vì việc đưa chị T. đến cơ quan công an trình báo việc T. trốn tránh việc trả nợ mình thì đâu có ngày hôm nay. Hôm ấy, nghe T. van xin đừng đưa T. đến cơ quan công an, biết không thể đưa T. về nhà mình, Vĩnh liền đưa T. sang một nhà nghỉ ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm nhằm gây áp lực cho T., yêu cầu người nhà của T. mang tiền đến trả cho mình. Nhưng Vĩnh đâu ngờ, hành vi của Vĩnh đã phạm vào tội bắt giữ người trái pháp luật. Chỉ vì "con nợ" cố tình chây ỳ không trả nợ, lại lẩn trốn bao năm, khiến mình phải mất công sức tìm kiếm nhiều năm trời nên khi gặp chị T., trong lúc giận dữ, ức chế, Vĩnh đã có hành vi bắt giữ, chửi bới T. khiến Vũ Mạnh Hùng (Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) không kìm được tức giận đã xô đẩy và đánh chị T. bị thương.
Trong thời gian giam giữ T. tại nhà nghỉ, Vĩnh còn nhờ chủ nhà nghỉ làm đăng ký tạm trú tạm vắng cho T. Bên cạnh đó, Vĩnh còn mua quần áo, lo ăn uống, sinh hoạt đầy đủ và tạo điều kiện cho T. gọi điện về cho gia đình. Bởi với Vĩnh, mục đích duy nhất là lấy lại được số tiền T. đã nợ mình để có tiền trang trải nợ nần. Từ ngày Vĩnh bị bắt tạm giam cho đến nay, cơ sở sản xuất nhôm của Vĩnh ngừng hoạt động, ngân hàng thì luôn thúc nợ, cuộc sống gia đình Vĩnh lại rơi vào khó khăn. Vợ Vĩnh mới sinh con, người mẹ già 85 tuổi của Vĩnh đang ốm thập tử nhất sinh chưa biết sống chết ra sao.
Nghe lời luật sư bào chữa cho mình nói vậy, Vĩnh chỉ biết xin toà cho mình được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về gánh vác gia đình và cơ ngơi mồ hôi nước mắt bao năm mình mới gây dựng được như ngày hôm nay. Nghe những lời nói ấy, những người tham dự phiên toà không khỏi chạnh lòng. Chỉ vì đòi lại số tiền T. nợ cộng với việc không hiểu biết pháp luật, Vĩnh đã phải nhận 15 tháng tù giam về tội bắt giữ người trái pháp luật. Một lần nữa, Vĩnh lại bước chân vào vòng lao lý. Với Vĩnh, có lẽ đây là bài học khắc cốt ghi tâm. Cũng trong phiên toà này, Hùng cũng phải chịu 15 tháng tù giam cho hành vi bắt giữ người trái phép.
Nghe toà tuyên án, cả Hùng và Vĩnh chỉ biết đưa đôi mắt đầy hối hận về phía gia đình. Chỉ vì phút nóng giận của cả hai mà hai gia đình rơi vào cảnh nguy khốn, cha mẹ già, vợ con bơ vơ...
Chưa kịp hoàn lương lại nhúng chàm Khi vị chủ tọa hỏi lý do vì sao Vĩnh lại bắt giữ chị T., Vĩnh trả lời do chị T. ôm tiền của Vĩnh chạy trốn, khiến Vĩnh rơi vào đường cùng bởi khi đó, công việc làm ăn không được thuận lợi, Vĩnh cần tiền để quay vòng vốn. Nghe câu trả lời của Vĩnh, nhiều người tham dự phiên toà không khỏi buồn cho Vĩnh. Chỉ một phút nông nổi, nhất thời, Vĩnh lại rơi vào vòng lao lý lần thứ 4. Còn với Hùng, đây có lẽ là bài học cuối cùng về kiến thức pháp luật dành cho y. Giống như Vĩnh, chuyện "ăn cơm tù" với Hùng cũng thường xuyên xảy ra. Không nghề nghiệp trong tay, thay vì đi làm thuê để lấy tiền sinh sống, Hùng chọn con đường "sống bằng tiền của người khác" qua việc trộm cắp tài sản. "Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", đến ngày 22/10/2002, Hùng bị công an huyện Gia Lâm bắt về tội trộm cướp tài sản. "Ngựa quen đường cũ", chưa đầy hai năm sau (31/5/2004), Hùng lại bị công an Gia Lâm bắt về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. |
Vân Thanh