Kỳ duyên hạnh ngộ của tiền nhân
Nhiều thế kỷ trôi qua, khắp vùng Tả Thanh Oai bây giờ vẫn còn lưu giữ những câu chuyện ly kỳ, đầy hấp dẫn xung quanh truyền thống hiếu học của quê hương mình. Làng Tả Thanh Oai nằm bên bờ trái ở khúc giữa dòng Nhuệ Giang quanh năm nước chảy hiền hòa. Trước khi "nhập hồn" vào sông Đáy đổ ra biển Đông, dòng sông ấy đã kịp mang đến sự trù phú cho những ngôi làng nơi nó đi qua. Trong dòng ký ức bất tận của danh sỹ Ngô Thì Nhậm xưa, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh, dòng sông chất chứa những thịnh vượng của xã tắc và đậm đà hiếm thấy của tình người. Chính sự hiền hòa của dòng sông đã mang lại cho dân cư sống ven sông những điều lạ, trong đó có cả sự vinh hiển của ngôi làng quê ông và sự thành danh của dòng họ Ngô Thì.
Đình Hoa Xá là một trong những biểu tượng hiếu học của làng tiến sỹ Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.
Đôi ngựa đá tri ân Năm 29 tuổi, thi đậu ông Nghè, được vua cho vinh quy bái tổ, Ngô Thì Nhậm đã chọn ngay đình Hoa Xá của làng đến lễ đầu tiên. Trong lễ vật dâng đến, có một bản tấu văn viết trên lụa, hàm ơn các vị thánh của làng, cụ thể là vua Lê Đại Hành và bà phi Đô Hồ đã phù hộ cho mình đỗ đạt. Ngoài ra, Ngô Thì Nhậm còn cẩn cáo xin dâng đôi ngựa đá làm vật trần thiết cho đình làng và hậu thánh. Đôi ngựa đá đến nay vẫn chầu trước đình Hoa Xá, chứng nhận tấm lòng người con danh giá làng Tó đối với việc thờ thần thánh của làng. |
Trong rất nhiều câu chuyện mà Người đưa tin tìm hiểu được, có truyền thuyết về ngôi đình Hoa Xá và tòa Minh Ngự Lâu của làng, hết sức thú vị được ghi chép cẩn thận trong cuốn "Truyện kể về danh nhân Ngô Thì Nhậm" do Ban thường vụ huyện ủy Thanh Trì (TP.Hà Nội) chỉ đạo biên soạn nội dung. Theo đó, dòng sông Nhuệ xưa nhập với sông Hoàng Long từ hướng kinh đô Hoa Lư sang là một cung đường buôn bán ngược xuôi sầm uất và là một dòng chảy vô cùng lợi hại, giúp cho quân ta có những cuộc hành binh và vận chuyển lương thực đánh giặc ngoại xâm. Vào năm 981 khi Thập đại tướng quân Lê Hoàn vừa lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Thiên Phúc, đã cầm đầu một đội quân hùng mạnh đi đánh giặc Tống xâm lược nước ta. Đội quân hành trình theo đúng cung đường từ sông Hoàng Long - sông Đáy - sông Nhuệ, đến bến sông Hồng làm nên trận đại thắng Tây Kết ghi dấu son chói lọi trong lịch sử giữ nước.
Trước khi đánh trận Tây Kết, chính tại ấp Hoa Xá (tên gọi trước đây của làng Tả Thanh Oai - PV), vị hoàng đế, soái tướng nhà Lê đã có một cuộc hạnh ngộ bất ngờ với cô gái đảm đang xinh đẹp người làng Tó (tên gọi khác của làng Tả Thanh Oai - PV), xã Tả Thanh Oai. Cuộc gặp gỡ đã thành một kỳ duyên bất ngờ, cũng là niềm tự hào của dân cư khắp vùng khi người con gái quê được đức vua sùng ái cho một danh phận.
Trong cuốn Ngọc phả viết vào niên hiệu Hồng Phúc đời Lê Trung Hưng (1572), nay vẫn được lưu giữ cẩn thận tại đình Hoa Xá của làng Tó có chép: "Vua đóng quân ở làng Tó, bên tả ngạn sông Nhuệ, ngay tại ấp Hoa Xá để thu thập quân lương. Đến giữa trưa một ngày, vua thấy trong đoàn người vận chuyển lương thực tới có một cô gái đội nón lá, mặc áo vải thô, mi thanh, mắt sáng, mặt đẹp như ngọc, miệng tươi như hoa, đang rửa chân tay dưới sông. Trên trời, bỗng xuất hiện một đám mây ngũ sắc che ngay trên đầu cô gái. Vua lấy đó làm sự lạ và đinh ninh cô gái đó là một người khác thường, kỳ duyên của nhân gian. Tuy nhiên, việc quân gấp gáp, vua lúc đó ý tứ giấu lại suy nghĩ cho riêng mình, không để lộ ra bên ngoài. Sau này, khi đánh tan quân Tống, thiên hạ thái bình, vua mở tiệc khắp nơi ăn mừng và xét thưởng công lao cho tất cả mọi người. Vị vua si tình không quên tìm về làng Tó mở tiệc, tìm đúng người con gái năm xưa có tên Đô Hồ, ban cho áo ngự, xiêm gấm, phong làm quý phi".
Sau này, vua Lê Đại Hành đã cho xây dựng cung phủ trên nền nhà cũ của bà Đô Hồ. Nơi đây có tòa miếu cổ tên là "Ngự Lâu" cạnh đình Hoa Xá của làng. Hai nơi này, thờ vua Lê Đại Hành và bà phi Đô Hồ, tức Bà chúa Hến. Hàng năm, cứ vào nửa đêm đến sáng mười bốn tháng giêng, người dân làng Tó lại tổ chức rước "Kiệu Ông Kiệu Bà" từ đình Hoa Xá đến Minh Ngự Lâu, kèm theo một chóe nước. Khi đến đình, lấy nước trong chóe tắm cho hai ông bà (tức rửa bài vị và khám thờ - PV), để ông bà nghỉ ngơi ở đó một ngày, đến tối hôm rằm lại tổ chức rước ông bà về.
Người dân Tả Thanh Oai ngày nay vẫn đang tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương.
Danh bất hư truyền
Người con gái đa tài Người làng Tó (Tả Thanh Oai) ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện xung quanh cái tên Đô Hồ đầy kỳ bí. Vị quý phi còn có tên dân dã ở làng là "Bà chúa Hến", hoặc "Bà chúa Trai" vì khi còn sống trong làng, bà rất giỏi nghề mò hến, bắt trai ngay trên quê hương. Thậm chí, người con gái làng Tó tài ba ở thế kỷ XVII còn được mệnh danh là "Tổ cô" của nghề đóng thuyền đã nhiều đời mang lại sự trù phú cho dân làng. |
Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, ông Ngô Đức Diễn (SN 1943), trưởng họ đời thứ mười chín, dòng họ Ngô Thì, nhánh cụ tổ Phúc Cơ cho biết: "Dòng họ Ngô có gốc ở Đồng Phang, Định Hòa, Yên Định, Thanh Hóa. Người họ Ngô ra làng Tó khai hoang lập ấp từ cách đây khoảng 700 năm. Các nhánh ở khắp miền Bắc bây giờ cứ đến ngày mười bảy tháng giêng âm lịch hàng năm đều về nhà thờ dòng họ Ngô Thì ở làng để giỗ tổ. Dòng họ ở miền Bắc có khoảng hơn chục chi, tập trung về rất đông, từ 30 - 40 mâm cỗ ngồi sáu người.
Người dân Tả Thanh Oai cho đến bây giờ vẫn truyền nhau câu "Ngô lập ấp, Nguyễn khai khoa", có nghĩa là người họ Ngô tuy đến đây khai phá sự sống đầu tiên, nhưng người khai khoa cho làng lại là người thuộc dòng họ Nguyễn. Nguyễn Chỉ, thi đỗ tiến sỹ khoa Quý Dậu 1453, niên hiệu Thái Hòa, đời vua Lê Nhân Tông. Cụ khai khoa dòng họ Ngô Thì là Ngô Tuấn Dị là năm 1688. Trong tấm bia văn chỉ của làng đúc từ xưa có ghi tên 12 vị tiến sỹ đã giúp làng Tó trở thành làng khoa bảng của cả nước. Tuy nhiên, so với các dòng họ trong làng, chỉ riêng dòng họ Ngô Thì đã có sáu vị tiến sỹ, chiếm một nửa, đỗ các khoa thi vào năm tương ứng gồm: Ngô Tuấn Dị 1688, Ngô Đình Thạc 1700, Ngô Đình Chất 1721, Ngô Thì Sĩ 1766, Ngô Thì Nhậm 1775, Ngô Điền (Ngô Chân) 1841. Ngô Điền là người cuối cùng của làng, của họ đỗ tiến sỹ trong thời nho học, có tên trong Văn Miếu tại Huế. Còn các cụ khác được ghi danh tại Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chính điều đó đã khiến họ Ngô được vinh danh là dòng họ "một bồ tiến sỹ" ở Việt Nam. Cùng với tập Hoàng Lê Nhất Thống Chí nổi tiếng trong kho tàng văn chương, sử sách của nước nhà, dòng họ Ngô Thì đã ghi dấu ấn riêng mà con cháu họ Ngô đến nay rất tự hào.
Chuyện về một chữ “minh”
Trong rất nhiều câu chuyện về dòng họ Ngô Thì ở đất Tả Thanh Oai mà chúng tôi thu lượm được, ông Ngô Đức Diễn đặc biệt sảng khoái khi kể đến vị tiến sỹ, danh sỹ Ngô Thì Nhậm. Người dòng họ Ngô đi đâu cũng nằm lòng và rất tự hào về câu chuyện bộc lộ thông minh tài trí của trai họ Ngô ngay từ thuở thiếu niên. Khi đó, Ngô Thì Nhậm lên bảy tuổi đã được cụ nội là Đan Nhạc công Ngô Trân dạy chữ. Trong một lần, theo cụ ra đình dự bàn việc đặt tên chữ cho tòa Ngự Lâu của làng, khi mọi người còn đang căng óc suy nghĩ thì cậu bé bảy tuổi đã xin thưa chuyện. Cậu cho rằng, chỉ cần đặt thêm chữ "Minh" trước hai chữ "Ngự Lâu" là đủ. Mọi người hỏi tại sao, cậu bé tự tin "giải trình": "Ngự Lâu vốn rõ nghĩa là nơi ở của vua và hoàng hậu. Chữ Minh nghĩa là "sáng láng", trong Hán tự, Minh gồm hai chữ Nhật và Nguyệt, tức là mặt Trời và mặt Trăng. Bà chúa Hến làng ta sánh với mặt Trăng, là vừa phải lẽ làm vợ vua đầu nhà Tiền Lê, lại vừa được tôn thành "Hoàng hậu", chứ không chỉ là Quý phi". Tất cả các cụ bô lão trong làng khi đó chỉ còn biết ngỡ ngàng, xuýt xoa, thán phục đứa chắt nhỏ thông minh sáng dạ của cụ Ngô Trân. Từ đó, cái tên Minh Ngự Lâu được dùng cho đến tận bây giờ.
Dương Thu